Thế giới tuần qua: Các nước vừa mở cửa vừa lo làn sóng COVID-19 thứ 2, FED giữ nguyên lãi suất

Trong tuần qua, nhiều quốc gia đã nới lỏng lệnh phong tỏa những vẫn cẩn trọng trước nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 29/4 đã quyết định giữ nguyên lãi suất.

Người thân đau buồn trong lễ tang một cô gái tử vong vì COVID-19 tại Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Người thân đau buồn trong lễ tang một cô gái tử vong vì COVID-19 tại Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Rủi ro từ làn sóng COVID-19 thứ hai

Các quốc gia châu Âu có số người chết vì COVID-19 cao đang trong giai đoạn ban đầu nới lỏng lệnh phong tỏa. Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nhận định nếu các bang nới lỏng phong tỏa quá sớm thì làn sóng COVID-19 thứ hai có thể kéo nước này quay trở lại tình trạng cách đây vài tuần.

Nhiều quốc gia cho biết sẽ sớm nới lỏng lệnh phong tỏa đang khiến nền kinh tế đóng băng. Từ ngày 4/5, công dân Italy, một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, sẽ được phép thăm người thân trong cùng địa phương. Các cửa hàng và bảo tàng sẽ mở cửa từ 18/5, trong khi nhà hàng, cà phê và hiệu cắt tóc mở cửa từ 1/6. Tuy nhiên, phải đến tháng 9 các trường học mới mở cửa trở lại.

Sky News (Anh) đưa tin lần đầu tiên trong 6 tuần, Chính phủ Tây Ban Nha vào ngày 26/4 đã cho phép trẻ em ra ngoài trời khi có người lớn đi kèm 1 lần/ngày. Đức từ 27/4 áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các cửa hàng và phương tiện công cộng. Tuy nhiên, người dân không được tập trung quá hai người trong khi nhà hàng, quán bar và trường học vẫn đóng cửa.

Ấn Độ cho các cửa hàng nhỏ mở cửa hạn chế, giảm 50% nhân viên, duy trì giãn cách xã hội và bắt buộc đeo khẩu trang khi làm việc. Các cửa hàng lớn hơn được phép mở cửa sau khi lệnh phong tỏa hết hiệu lực từ 3/5.

Nhiều nhà khoa học tại châu Âu cho rằng có khả năng làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay. Đó là lý do các chính phủ nới lỏng phong tỏa và dự kiến kèo dài giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Nhiều sự kiện lớn lên kế hoạch từ nay cho đến cuối mùa hè đã bị hoãn hoặc hủy.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh vật học thuộc FDA – ông Peter Marks - cảnh báo cho đến khi phát triển được vaccine phòng COVID-19, nhiều khả năng sẽ có làn sóng thứ hai, thậm chí thứ ba của đại dịch này.

Các chuyên gia cũng cho biết hành động của người dân sẽ quyết định quy mô và mức độ nghiêm trọng của những làn sóng COVID-19 tiếp theo. Theo đó, người dân nên duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Bên cạnh đó, chính quyền cần thực hiện xét nghiệm diện rộng và giám sát chặt chẽ để giảm quy mô của làn sóng COVID-19 thứ hai.

Việc đo thân nhiệt tại các trường học và sơ sở kinh doanh, vốn được thực hiện tại châu Á hiện nay, cũng được coi là biện pháp hiệu quả.

Nhân viên y tế trấn an bệnh nhân mắc COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện ở Varese, Italy. Ảnh: Reuters

Cùng thời điểm này, hàng chục phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang nghiên cứu phương pháp điều trị và phát triển vaccine để ngăn ngừa COVID-19 lây lan.

Tính đến 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 102 “ứng viên” vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu, trong đó có 8 vaccine đang trong giai đoạn đánh giá ở phòng thí nghiệm, 94 vaccine còn lại vẫn ở giai đoạn tiền thử nghiệm lâm sàng.

Công ty sinh học CanSino đã hợp tác cùng Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh thử nghiệm vaccine ở giai đoạn 2. Nhà sản xuất dược Pfizer của Mỹ đã phối hợp cùng công ty dược BioNtech (Đức) và một số doanh nghiệp khác thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn 1 và 2.

Trường Đại học Oxford (Anh) cũng thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn 1 và 2. Các nhà khoa học đã áp dụng nền tảng tương tự vaccine phòng Zika, lao, viêm não B…

Các nhà khoa học cho biết sẽ mất khoảng 12-18 tháng mới có một loại vaccine được thông qua để sử dụng đại trà.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến tối 2/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là 3.421.671 trường hợp, trong đó có 240.316 người tử vong.

FED giữ nguyên lãi suất

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), FED đã quyết định giữ nguyên phạm vi mục tiêu lãi suất liên bang ở mức 0-0,25%. Mức này đã được duy trì kể từ giữa tháng Ba tới nay.

Ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý đầu đã giảm và ở mức 4,8%. Đã có 26,5 triệu người Mỹ nộp đơn trợ cấp thất nghiệp, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng rơi xuống mức thấp trong 6 năm.

Chủ tịch FED Jerome Powell vào 2 giờ chiều 6/5 (giờ địa phương) sẽ công bố quyết định chính sách của cơ quan này.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết trước đó, ông Powell nhận định rằng sẽ có mức giảm chưa từng có tiền lệ đối với GDP quý thứ hai do tỷ lệ thất nghiệp tăng và còn mất một thời gian để người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại sau khi nền kinh tế Mỹ mở cửa.

Nhiều chuyên gia cho rằng ông Powell sẽ duy trì cam kết lãi suất thấp trong thời gian dài hơn.

Ngoài việc duy trì lãi suất, FED cũng tung hàng tỷ USD hỗ trợ thanh khoản cho các thị trường cho vay. Cùng thời điểm, FED cũng kéo dài thêm thời hạn một số biện pháp đã áp dụng, trong đó chương trình bơm 500 tỷ USD cho các bang và địa phương được kéo dài đến tháng 12 thay vì tháng 9 như kế hoạch ban đầu.

Nhà phân tích tài chính Greg McBride tại Bankrate.com đánh giá: “Trách nhiệm đáng kể nhất của FED hiện nay là đảm bảo rằng thị trường tín dụng tiếp tục hoạt động. Thiếu thị trường tín dụng đồng nghĩa với việc kinh tế không phục hồi”.

Ngoài ra, FED cũng mua 700 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn cùng chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. FED còn đạt thỏa thuận cùng 5 ngân hàng trung ương tại Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu, Thụy Sĩ để duy trì hoạt động bình thường trên thị trường tài chính.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-cac-nuoc-vua-mo-cua-vua-lo-lan-song-covid19-thu-2-fed-giu-nguyen-lai-suat-20200502185440339.htm