Thế giới tuần qua: Bước đầu khởi sắc

Trung Quốc trên đà kiểm soát tốt dịch Covid-19 dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng sang một số quốc gia ngoài Trung Quốc. Bên cạnh đó là các thông tin tích cực đến từ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Mỹ và Taliban hay việc Hàn Quốc và Nhật Bản nối lại đối thoại thương mại.

1. Tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cải thiện

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 21-2 khẳng định, cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc đại lục đang chứng kiến những kết quả tích cực, cho thấy dịch bệnh trên đà được kiểm soát tốt.

Con số thống kê theo ngày về số bệnh nhân được xuất viện ở tâm dịch Vũ Hán lần đầu vượt số các ca nhiễm mới. Số người xuất viện trong ngày 20-2 đã vượt mốc 2.000 người. Số ca nhiễm mới được xác nhận trên toàn Trung Quốc đại lục, cũng như tại Vũ Hán, hay trong tỉnh Hồ Bắc hoặc bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đều có xu hướng giảm dần, xuống dưới mức 900 người/ngày.

 Trung Quốc ghi nhận những chuyển biến trong kiểm soát dịch. Ảnh: UPI.

Trung Quốc ghi nhận những chuyển biến trong kiểm soát dịch. Ảnh: UPI.

Tính đến 8 giờ 00 ngày 22-2, thế giới đã ghi nhận 76.806 trường hợp mắc bệnh do Covid-19 tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 2.251 người tử vong và 18.631 bệnh nhân được chữa trị thành công.

Thành phố Daegu lớn thứ tư của Hàn Quốc hiện đang là “điểm nóng” mới nhất của dịch. Tính đến thời điểm này, tổng số trường hợp nhiễm virus corona ở Hàn Quốc là 209 người, trong đó hơn một nửa số ca lây nhiễm là ở Daegu và các vùng thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang. Dịch bệnh cũng bắt đầu lây lan sang Israel và Lebanon khi cả hai nước này trong ngày 21-2 đều xác nhận có trường hợp đầu tiên.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, giới chức nhiều nước đã đồng loạt thông báo hủy nhiều hội nghị và sự kiện mang tầm cỡ quốc tế.

Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan dịch Covid-19 tại các quốc gia bên ngoài Trung Quốc và giữa những người không có liên quan đến Trung Quốc hay Vũ Hán, đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong khi chuẩn bị đối phó với sự lây lan trong cộng đồng.

2. Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Mỹ và Taliban có hiệu lực

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, hay còn gọi “thỏa thuận giảm bạo lực” trong vòng một tuần, bắt đầu có hiệu lực từ 2 giờ 30 phút sáng 22-2 (giờ Việt Nam). Nếu thực hiện thành công, lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ diễn ra vào ngày 29-2 tới, qua đó giúp chấm cuộc xung đột kéo dài nhất của nước Mỹ.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad và đại diện Taliban sẽ ký thỏa thuận hòa bình tại Thủ đô Doha (Qatar) và cuối cùng sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Sky News.

Mỹ hiện đang hướng tới một thỏa thuận hòa bình với Taliban để giúp thực hiện mong muốn của Tổng thống Donald Trump nhằm rút quân đội nước này khỏi Afghanistan. Bước đầu tiên dự kiến sẽ giảm quân Mỹ tại Afghanistan hiện tại từ 12.000-13.000 người xuống còn 8.600 người.

Tuy nhiên, kế hoạch này được xem là một canh bạc đối với Tổng thống Donald Trump. Nếu kế hoạch thành công, ông Trump có thể tuyên bố đã thực hiện bước đầu tiên trong cam kết vận động tranh cử năm 2016 là đưa quân đội Mỹ về nước. Nhưng nếu thất bại, ông chủ Nhà Trắng có thể bị các đối thủ đảng Dân chủ lên án là sẵn sàng hy sinh an toàn của các binh sĩ và lợi ích của nước Mỹ vì mục đích chính trị cá nhân.

Đối với Taliban, việc hoàn thành thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ và tiến hành đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan sẽ giúp lực lượng này có cơ hội hợp pháp hóa quốc tế, điều mà họ không có trong giai đoạn điều hành đất nước trước đây.

3. Hàn Quốc và Nhật Bản nối lại đối thoại thương mại

Ngày 21-2, Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết nước này và Hàn Quốc vừa nhất trí tổ chức đối thoại về các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào ngày 10-3 tới tại Seoul.

Hồi tháng 12-2019, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu chất cản quang sang Hàn Quốc. Chất này là một trong 3 vật liệu công nghệ mà Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc từ tháng 7-2019.

Bảng thông báo không bán các sản phẩm từ Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN.

Hai bên lên kế hoạch tiếp tục nỗ lực tìm cách cải thiện quan hệ thương mại song phương sau thời gian căng thẳng vì các biện pháp hạn chế. Phía Hàn Quốc cũng xác nhận hai bên sẽ tổ chức đối thoại vào tháng tới để tìm cách tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương đã kéo dài nhiều tháng qua.

Quan hệ Seoul và Tokyo rơi vào bế tắc kể từ tháng 7-2019 sau khi Nhật Bản áp dụng các quy định ngặt nghèo hơn với hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu quan trọng cho việc sản xuất vật liệu bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng. Nhật Bản sau đó đưa Seoul ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng itn cậy.

Hàn Quốc muốn Nhật Bản đảo ngược động thái này nhưng Tokyo cho rằng hai bên cần giải quyết các vấn đề một cách tách biệt. Hàn Quốc cho rằng các động thái của Nhật Bản là nhằm đáp trả những phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, hồi năm 2018, yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức người Hàn Quốc trong thời chiến tranh.

4. Nhen nhóm hòa bình ở Lybia

Các bên tham chiến tại Libya ngày 20-2 đã trở lại các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn mong manh tại quốc gia Bắc Phi này. Đây là một phần nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho Libya sau nhiều năm nội chiến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có được một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Libya là điều không dễ dàng bởi có nhiều yếu tố bên ngoài can thiệp vào quốc gia này.

Đàm phán được nối lại nhen nhóm hòa bình cho hàng triệu dân Libya. Ảnh: TTXVN.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa các bên xung đột tại Libya do Liên hợp quốc bảo trợ được tiến hành hồi đầu tháng này tại Geneva nhưng không đạt kết quả. Vòng đàm phán thứ hai được tiến hành ngày 18-2 vừa qua. Tuy nhiên, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tuyên bố rút khỏi đàm phán để phản ứng với vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) nhằm vào cảng biển ở thủ đô Tripoli.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nhận định, để nội bộ các phe phái ở Libya tự quyết định và giải quyết hòa bình và tương lai chính trị cho Libya là khó có thể thành hiện thực. Chính vì thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Libya đang thiếu những giải pháp để có thể ngăn ngừa xung đột.

“Hệ thống quốc tế” đã không ngăn được các cuộc đụng độ ở Libya và cũng không có quyết tâm. Chính vì thế, một quá trình chính trị ở Libya không thể có tiến triển trong khi các cuộc tấn công của lực lượng Quân đội quốc gia Libya vẫn tiếp tục.

5. Xả súng đẫm máu ở Đức

Trong đêm 19-2 (giờ địa phương), rạng sáng 20-2 (giờ Việt Nam), đã xảy ra hai vụ xả súng ở thành phố Hanau của Đức khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Cảnh sát đã nhận được thông tin về chiếc xe mà nghi can sử dụng trong 2 vụ xả súng và lẩn trốn sau đó. Chiếc xe đã được tìm thấy và khu vực xung quanh được phong tỏa để đột kích ngôi nhà tình nghi.

Cảnh sát Đức phong tỏa hiện trường một vụ xả súng. Ảnh: CNN.

Theo những thông tin ban đầu, nghi can của các vụ xả súng là người Đức và đã chết tại nhà riêng bên cạnh một thi thể khác. Khám xe, cảnh sát đã thu giữ nhiều đạn dược.

Trong khi đó, theo tờ Bild (Đức), nghi can của các vụ xả súng trên trước khi chết đã để lại một bức thư nhận tội, trong đó có bày tỏ những quan điểm cực đoan. Ngoài ra y cũng để lại một đoạn băng video thừa nhận đã gây ra những vụ xả súng trên. Hiện phía cảnh sát vẫn chưa có phản ứng gì về những thông tin này.

Cũng liên quan đến vụ việc, các ủy viên công tố chống khủng bố của Đức ngày 20-2 cho biết đã nhận công việc điều tra do tính chất “đặc biệt nghiêm trọng”, có những dấu hiệu cho thấy những vụ xả súng này mang động cơ bài ngoại.

6. EU bất đồng về ngân sách hậu Brexit

Ngày 20-2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027, với những vấn đề trước mắt như khoảng trống đóng góp do sự ra đi của Anh và nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến của Thỏa thuận xanh châu Âu

Theo truyền thống, các lãnh đạo EU luôn cần hai hội nghị cấp cao để quyết định khung tài chính dài hạn (MFF), sau khi đã tiến hành các cuộc đàm phán khó khăn theo chu kỳ bảy năm/lần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Brookings Institution.

Tuy nhiên, bất đồng đã diễn ra ngay tại hội nghị cấp cao ngày 20-2 ở Bỉ nhằm quyết định ngân sách trong giai đoạn bảy năm của khối sau khi Anh thực hiện “cuộc ly hôn lịch sử” rời khỏi EU (Brexit).

Mối quan tâm và tranh cãi của các thành viên EU chủ yếu xoay quanh những vấn đề như san sẻ trách nhiệm tài chính mà Anh để lại; thời gian tới, ngân sách của khối cần tăng thêm bao nhiêu, cần điều chỉnh chi ngân sách cho các vấn đề ưu tiên như thế nào và mỗi nước thành viên nên đóng góp bao nhiêu phần trăm trong GDP của mình.

Thực tế cho thấy, với việc Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”, EU đang rất khó khăn trong việc cân bằng các chính sách truyền thống. Dù tiến trình Brexit đã ngã ngũ, nhưng nội bộ EU vẫn tồn tại bất đồng, chia rẽ nghiêm trọng và điều này có thể cản bước EU trong việc củng cố vị thế của khối này trong thời gian tới.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-buoc-dau-khoi-sac-610587