Thế giới tuần qua: Bất ổn và hy vọng

Thế giới vừa trải qua một mùa Giáng sinh không thực sự trọn vẹn khi tiếng súng vẫn vang lên ở một số nơi, bên cạnh đó là những bất ổn, căng thẳng kéo dài chưa được tháo gỡ. Có lẽ, điểm sáng mang lại hy vọng nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn với cam kết nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

1. Dấu hiệu tích cực từ Đông Bắc Á

Ngày 24-12, Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc đã kết thúc với những kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24-12-2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24-12-2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN.

Tại hội nghị, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng, 3 nước sẽ tăng cường sự quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an ninh, sự ổn định trong khu vực và hòa bình thế giới để cùng nhau đối phó với áp lực kinh tế thế giới suy giảm. Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu bật sự cần thiết của "hợp tác hài hòa" giữa 3 cường quốc khu vực này, bởi 3 nước "có cùng giấc mơ" thúc đẩy một "thế giới bền vững". Ông bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế để có thể cùng nhau phát triển, thông qua việc hình thành một cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á dựa trên thương mại tự do, hòa bình và quan hệ đối tác. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh sự kỳ vọng ngày càng lớn của thế giới vào ba nước đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực và toàn thế giới.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn đã tiến hành các cuộc gặp song phương, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện quan hệ nhằm bảo đảm lợi ích cả về kinh tế và an ninh.

Hội nghị diễn ra sau thời kỳ dài quan hệ giữa 3 nước này trải qua nhiều vướng mắc. Giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là mâu thuẫn bắt nguồn từ những vấn đề tranh cãi trong thời chiến tranh và tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trong khi đó, ngoài bất đồng liên quan tới quá khứ thời chiến, Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với quần đảo mà Tokyo đặt tên là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc cũng xấu đi khi Bắc Kinh phản đối việc Seoul để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

2. Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào dự án "Dòng chảy phương Bắc 2"

Bất chấp sự phản đối của nhiều nước, ngày 21-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2". Washington cho rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.

Đường ống khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Nguồn: Sputnik.

Nga, Đức và Liên minh châu Âu đều lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án sẽ cản trở các quốc gia khác phát triển nền kinh tế của mình. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angel Merkel nêu rõ chính phủ nước này phản đối những biện pháp trừng phạt theo kiểu "ngoài lãnh thổ" mà Mỹ mới phê chuẩn. Berlin cho rằng những biện pháp này nhằm vào các công ty Đức và châu Âu và là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khu vực này. Trong khi đó, Người phát ngôn EU cho biết về nguyên tắc, EU phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của khối này đang kinh doanh hợp pháp.

Dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" với kinh phí đầu tư 11 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ Nga tới Đức. Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga khẳng định các dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn sẽ được khởi công.

3. Binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đấu súng dọc ranh giới ở Kashmir

Ngày 26-12, quan chức của cả Ấn Độ và Pakistan đều cho biết binh sĩ hai nước đã đấu súng dữ dội tại khu vực Kashmir tranh chấp, khiến 2 binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong khi về phía Ấn Độ có 1 binh sĩ và 1 dân thường thiệt mạng.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc biên giới với Pakistan. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố, quân đội Pakistan cho biết lực lượng của họ đã bị tấn công vào ngày 25-12 tại khu vực Dewa, buộc các binh sĩ phải nổ súng đáp trả.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Ấn Độ, đại tá Rajesh Kalia cho biết các lực lượng Pakistan nã súng nhằm vào các vị trí của binh sĩ Ấn Độ ở vùng Rampur thuộc Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và buộc các binh sĩ Ấn Độ buộc phải nổ súng đáp trả. Một dân thường Ấn Độ thiệt mạng và 1 người khác bị thương.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.

4. LHQ quan ngại vấn đề an ninh tại tỉnh Idlib của Syria

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23-12 đã bảy tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh cũng như việc bảo đảm an toàn cho hơn 3 triệu dân thường ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Quân đội Syria dọn mìn bên ngoài thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib. Ảnh: Sputnik.

Theo thông báo, hơn 50% số dân thường tại Idlib đã phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh giao tranh đang lan rộng tại khu vực này. Chỉ mấy ngày qua, các vụ pháo kích đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với 47 cộng đồng dân cư, trong khi khoảng 39 cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22-12 cho biết, hơn 80.000 người từ tỉnh Idlib bắt đầu di cư đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và nước này sẽ không tiếp nhận thêm người tị nạn của Syria. Trước đó, Ankara đã tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria và đã chi tới 40 tỷ USD cho họ.

Trong tháng 12, Chính phủ Syria đã khởi động một chiến dịch mới tấn công vào những khu vực do các nhóm thánh chiến kiểm soát ở tỉnh Idlib nhằm đánh chiếm một trong những trung tâm đô thị lớn nhất được coi là thành trì của lực lượng đối lập. Các cuộc không kích của Syria và Nga chống lại phiến quân ở tỉnh Idlib, gây ra một làn sóng người tị nạn mới đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

5. IS công bố video hành quyết 11 người Cơ đốc giáo tại Nigeria

Tối 26-12, các tay súng của chi nhánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khu vực Tây Phi (ISWAP) đã công bố trên mạng một đoạn video hành quyết 11 người Cơ đốc giáo tại khu vực Đông Bắc Nigeria.

IS công bố video hành quyết 11 người Cơ đốc giáo tại Nigeria. Ảnh: dailymail.co.uk.

Trong đoạn video dài 1 phút này, một người đàn ông đeo mặt nạ nhấn mạnh đây là thông điệp gửi tới toàn bộ người Cơ đốc giáo trên toàn thế giới và nhằm trả thù cho cái chết của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và trợ lý của tên này do bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi tháng 10 vừa qua.

ISWAP đã tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Baghdadi vào năm 2016, đồng thời tách khỏi nhóm phiến quân Boko Haram tại Nigeria. Trong những tháng gần đây, ISWAP đã tăng cường các vụ tấn công nhằm vào người Cơ đốc giáo, các nhân viên an ninh và viện trợ, đồng thời lập rào chắn trên đường cao tốc.

Ngày 22-12 vừa qua, các phần tử thánh chiến đã sát hại 6 người và bắt cóc 5 người, trong đó có 2 nhân viên viện trợ trên một con đường cao tốc, ở ngoại ô thủ phủ Maiduguri, bang Borno, Nigeria.

5. Buồn vui đan xen trong mùa Giáng sinh 2019

Ngày 24-12, hàng nghìn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại thành phố Bethlehem thuộc vùng Bờ Tây của Palestine, vốn được cho là nơi Chúa Jesus ra đời, để ăn mừng lễ Giáng sinh. Tại quảng trường Manger bên ngoài Nhà thờ Thánh Đản, những thiếu niên Palestine khoác áo đồng phục màu vàng đỏ thổi kèn, diễu hành theo nhịp trống, trong khi du khách xếp hàng dài để được vào tham quan hang động bên trong nhà thờ.

Người Moscow đang phải trải qua mùa đông kỳ lạ nhất nhiều năm trở lại đây khi không có tuyết rơi. Ảnh: AP.

Trong khi người dân Moscow, Liên bang Nga trải qua một giáng sinh "ấm áp" nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi tuyết không rơi thì tại quê hương của ông già Noel ở thị trấn Rovaniemi, Phần Lan, tối 23-12, trong thời tiết giá lạnh, nhiều gia đình đã tập trung ở đây để lắng nghe các bài hát Giáng sinh và tiễn ông già Noel bắt đầu hành trình đi phát quà cho trẻ em trên toàn thế giới.

Tại Hàn Quốc, làng ông già Noel tại hạt Bonghwa, tỉnh Bắc Gyeongsang đã mở cửa từ rất sớm để đón khách vơi các bài hát, bản nhạc Giáng sinh, các cây thông Noel lớn trang trí rực rỡ sắc màu, lều tuyết, nhà của ông già Noel, các quầy hàng bán đồ trang trí và nhà hàng truyền thống của địa phương...

Không khí Giáng sinh ở Mỹ trở nên ảm đạm hơn khi tại bang Bắc Carolina đã xảy ra hàng loạt vụ xả súng đã trong ngày 23 và 24-12, khiến 2 người thiệt mạng và 7 người bị thương.

Tại Pháp, người dân thủ đô Paris phải trải qua một mùa Giáng sinh không thuận lợi khi giao thông bị đình trệ do làn sóng đình công phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ kéo dài sang ngày thứ 19 liên tiếp.

Tại Australia, trong khi người dân tấp nập đi mua sắm chuẩn bị cho dịp lễ, hàng trăm nhân viên cứu hỏa, các tình nguyện viên và quân nhân nước này vẫn miệt mài chiến đấu với giặc lửa. Trong ngày 23-12, có khoảng hơn 90 đám cháy vẫn bùng phát trên toàn bang New South Wales.

Trong khi đó, hàng nghìn người tại Philippines đã phải hủy các kế hoạch đón Giáng sinh khi họ phải đi sơ tán trong bối cảnh cơn bão nhiệt đới Phanfone chuẩn bị tràn vào miền Trung nước này.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-bat-on-va-hy-vong-606398