Thế giới trước mối lo về an ninh lương thực

LHQ kêu gọi thế giới đoàn kết để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 đối với vấn đề an ninh lương thực.

LHQ kêu gọi thế giới đoàn kết để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 đối với vấn đề an ninh lương thực.

Một nhân viên cứu trợ chuyển thực phẩm đến các gia đình khó khăn ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: EPA

Một nhân viên cứu trợ chuyển thực phẩm đến các gia đình khó khăn ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: EPA

Thương vong do giẫm đạp khi nhận cứu trợ

Ít nhất 5 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng cùng 7 người bị thương trong vụ một giẫm đạp xảy ra ngày 18-4 tại một địa phương ở Đông Bắc Nigeria.

Theo giới chức thị trấn Gamboru giáp giới Cameroon, vụ việc đáng tiếc xảy ra khi hàng nghìn phụ nữ đã tập trung tại một trường tiểu học trong vùng để được nhận số tiền 5.000 nairas (tương đương 13 USD) cứu trợ cùng một số quần áo do chính quyền bang Borno cứu trợ. Thi thể 4 phụ nữ và một bé gái cùng những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện trong vùng. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng cho biết số người thiệt mạng là ít nhất 12 người.

Nguy cơ ngày càng hiện hữu

Theo LHQ, các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là Châu Phi, có nguy cơ rơi vào nạn đói do đại dịch Covid-19, trong khi các nỗ lực cứu trợ nhân đạo đang bị cản trở bởi các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Các chuyên gia lo ngại tình trạng bất ổn sẽ xảy ra tương tự như giai đoạn 2007-2008 khi giá lương thực tăng cao gây ra bạo loạn trên khắp thế giới, gây bất ổn cho các quốc gia mong manh và thúc đẩy xung đột. Theo những chuyên gia này, thế giới vẫn có thể tránh cuộc khủng hoảng như vậy, nhưng thời gian đang cạn dần.

Ông Dominique Burgeon, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp tại Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho biết, từ góc độ an ninh lương thực, một số nơi đang tiến rất gần tới nạn đói. “Số người đứng bên bờ vực dễ bị tổn thương đã rất cao. Điều chúng tôi lo ngại là con số này sẽ còn tăng thêm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với an ninh lương thực”, ông Burgeon cho biết. Khu vực sừng Châu Phi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng do nạn châu chấu tấn công mùa màng trong đợt bùng phát tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ước tính ít nhất 20 triệu người tại châu lục có nguy cơ mất an toàn lương thực.

Đánh giá của ông Burgeon được ông Amer Daoudi, Giám đốc hoạt động cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức đang hỗ trợ 100 triệu người có nhu cầu lương thực ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á, nhất trí. Ông cũng chỉ ra những cú nhảy về giá lương thực xảy ra song song với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, đồng thời cảnh báo về một cú sốc tương tự sẽ xảy ra trong đại dịch lần này. Khi đó, một số quốc gia đã làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, như lúa mì.

Thế giới cần đoàn kết

Ông Daoudi kêu gọi chính phủ các nước tránh điều đó lần này. “Năm 2007 giá lương thực tăng cao dẫn đến bạo loạn. Cộng đồng thế giới cần đến với nhau. Chúng ta có thể tránh tình trạng thiếu lương thực nếu chúng ta hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương trên toàn cầu”, ông Daoudi nói.

Theo ông Daoudi, giá lương thực thực phẩm hiện nay vẫn chưa tăng mạnh, hợp tác quốc tế có thể giữ mức giá phải chăng và khả năng tiếp cận các khu vực cần thiết, nhưng các quốc gia cần đưa ra kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó. “Trong thời gian này, chúng ta không thấy giá thực phẩm tăng trên toàn thế giới, nhưng chúng ta đang thấy giá thực phẩm tăng ở các thị trường địa phương. Chúng ta có thể tránh tình trạng thiếu lương thực nếu cung cấp cho các quốc gia trên toàn cầu. Nhưng nếu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng mất an toàn lương thực chắc chắn sẽ xảy ra”, ông Daoudi nói.

WFP đang tổ chức hệ thống các tuyến đường hàng không, tạo ra những “chiếc cầu hàng không”, trực tiếp để đưa lương thực đến một số khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất khi việc vận chuyển bằng đường bộ trở nên bất khả thi do nạn phong tỏa. Nhưng những nỗ lực này cũng đang bị cản trở bởi lệnh hạn chế đi lại. “Có một số điểm bị tắc nghẽn. Người dân cũng không thể tiếp cận các dịch vụ y tế”, ông Daoudi nói. Ông kêu gọi các nước đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm duy trì thương mại tự do, tránh đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm. LHQ lo ngại, nếu các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu, thì mối đe dọa thiếu lương thực sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. WFP đã yêu cầu 350 triệu USD để giải quyết tình hình ban đầu, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 80 triệu USD được đóng góp, trong đó có 15 triệu bảng từ Anh.

Tuần trước, một số Cty thực phẩm đa quốc gia lớn bao gồm Unilever, Nestle và PepsiCo cảnh báo, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể làm tăng gấp đôi số người có nguy cơ đói trên toàn thế giới. Các nhà kinh tế hàng đầu và các cựu lãnh đạo chính trị cũng kêu gọi G20 hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. Theo ông Burgeon, một phản ứng nhanh chóng là rất quan trọng. Liên minh Châu Phi sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực tại một cuộc họp đặc biệt với FAO vào ngày 23-4. Ông Burgeon kêu gọi “các nước trên thế giới làm nhiều hơn nữa”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_223586_the-gioi-truoc-moi-lo-ve-an-ninh-luong-thuc.aspx