Thế giới trong tuần: Nga, EU chỉ trích Mỹ khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran

Mỹ tuyên bố tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran và vụ máy bay Indonesia chở 189 người rơi xuống biển là những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Châu Âu lên án Mỹ khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran

Ngày 2/11, ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran, vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA), các nước Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung lên án quyết định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này, tuyên bố sẽ bảo vệ các công ty của châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Tehran.

Một tàu chở dầu của Iran trên đường vận chuyển cho khách hàng.

Tuyên bố đề cập đến JCPOA nêu rõ: "Chúng tôi rất tiếc về việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran xuất phát từ quyết định của Washington rút khỏi JCPOA. Bởi theo thỏa thuận Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Đức) sau hơn 12 năm đàm phán, các lệnh trừng phạt này sẽ dần được dỡ bỏ đổi lại Tehran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân".

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5 vừa qua thông báo rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, khiến EU khó khăn trong việc bảo vệ các công ty đang làm ăn với Iran. Vì vậy tuyên bố của EU bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran là cần thiết để đảm bảo an ninh cho châu Âu, khu vực cũng như toàn thế giới.

Tuyên bố khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu đang có các thỏa thuận thương mại hợp pháp với Iran". Châu Âu sẽ tìm cách duy trì các kênh tài chính hoạt động với Iran cũng như đảm bảo việc tiếp tục xuất khẩu ga và khí đốt của Iran.

Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố nêu rõ các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào Tehran đang phá hoại nỗ lực của các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và cũng là một đòn giáng mạnh vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuyên bố nêu rõ làn sóng trừng phạt mới nhằm vào Iran do Washington công bố đã làm xói mòn nỗ lực liên tục của những thành viên còn lại trong thỏa thuận JCPOA.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh chính sách của Mỹ phá vỡ các công cụ pháp lý quốc tế về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đang gây thất vọng và lo ngại sâu sắc. Theo Bộ Ngoại giao Nga, bằng hành động của mình, Mỹ đang giáng một đòn mạnh nữa vào NPT và "đẩy văn kiện này tới bờ vực đổ vỡ", trong khi trước đó Washington từng nhiều lần kêu gọi cần được củng cố.

Tuyên bố một lần nữa khẳng định JCPOA đã được chứng minh là một thỏa thuận hiệu quả. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thường xuyên khẳng định Iran tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ của mình.

Theo kế hoạch, gói biện pháp trừng phạt thứ 2 của Mỹ nhằm vào dầu mỏ - ngành kinh tế mũi nhọn của Iran, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11. Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất nhập khẩu kim loại than, ngành sản xuất ôtô... của nước này.

Thảm kịch hàng không Lion Air từ mẫu máy bay mới nhất của Boeing

Sáng 29/10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT-610 thuộc Hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air đã bị rơi xuống Vịnh Jarawang ở vùng biển gần khu vực Karawang, tỉnh Tây Java nước này.

Các thợ lặn Indonesia đang tiếp tục chạy đua với thời gian nhằm tìm ra hộp đen thứ 2 chứa dữ liệu ghi âm trong buồng lái máy bay của Lion Air bị rơi trước đó 4 ngày.

Tính đến ngày 2/11, giới chức Indonesia mới xác định được danh tính nạn nhân đầu tiên trong vụ máy bay Boeing 777 MAX 8 bị rơi sau 13 phút cất cánh hôm 29/10 khiến 189 người thiệt mạng.

Lực lượng cứu hộ Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm hộp đen thứ 2 của máy bay Lion Air gặp nạn.

Trước đó, hôm 1/11, lực lượng cứu hộ và các thợ lặn Indonesia đã tìm thấy một hộp đen ghi dữ liệu bay của chiếc máy bay Boeing 777 MAX 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air. Chiếc hộp đen được các thợ lặn tìm thấy ở độ sâu hơn 30m tại Vịnh Jarawang, khu vực biển thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia.

Soerjanto Tjahjono - Giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia cho biết lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia đang nỗ lực nhằm tìm ra hộp đen thứ 2 chứa dữ liệu ghi âm trong buồng lái của máy bay gặp nạn mang số hiệu JT610.

"Nhóm thợ lăn đã nghe âm thanh "ping" phát ra từ hộp đen thứ hai từ hôm 31/10", ông Soerjanto Tjahjono nói với hãng tin Reuters.

Hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay cùng với hộp đen ghi âm buồng lái là hai “hộp đen” quan trọng được trang bị trên bất kỳ chiếc máy bay thương mại chở khách nào. Cả hai hộp đen này thường được cất giữ tại phần đuôi của máy bay.

Mỗi chiếc hộp đen của máy bay chỉ có thể phát ra tín hiệu trong vòng 30 ngày tính từ ngày máy bay xảy ra sự cố, do đó, lực lượng Indonesia cần phải tìm thấy chúng trước thời hạn này.

Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Quốc gia Indonesia cho biết đã tìm thấy cụm càng đáp, bánh xe và một đoạn lớn của thân máy bay Boeing 737 MAX 8 gặp nạn.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia, các chuyên gia sẽ mất vài tuần để đọc dữ liệu từ hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay, trong khi cần thêm tới 2-3 tháng để phân tích nó nhằm xác định nguyên nhân khiến máy bay của Lion Air gặp nạn.

Một quan chức chính phủ Indonesia cho biết kết quả cuộc điều tra sơ bộ vụ máy bay rơi Boeing 777 MAX 8 sẽ được công bố trong vòng 30 ngày tới.

Thổ Nhĩ Kỳ hé lộ “chủ mưu” vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Ngày 2/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định mệnh lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đến từ "những quan chức cấp cao nhất" của Ả Rập Saudi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post hôm 2/11, Tổng thống Erdogan đã nói rằng ông “không tin một chút nào” là Quốc vương Salman đã “ra lệnh” giết ông Khashoggi, đồng thời ông cũng không trực tiếp cáo buộc Thái tử Ả Rập chỉ đạo vụ sát hại này.

Tuy nhiên, tờ Washington Post trích lời Tổng thống Erdogan cho rằng mệnh lệnh sát hại nhà báo Khashoggi đến từ các quan chức cao nhất của chính phủ Ả Rập Saudi. Ông Erdogan đã mô tả nhóm người này là "những kẻ điều khiển rối".

Cũng trong bài báo này, ông Erdogan cũng nói rõ rằng mối quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ “không có nghĩa là Ankara sẽ bỏ qua vụ sát hại xảy ra ngay trước mắt mình”. “Không một ai lại dám hành động như vậy trên đất của một đồng minh NATO nữa. Nếu bất cứ người nào bỏ qua cảnh báo đó, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng” - Washington Post trích dẫn lời cảnh báo của Tổng thống Erdogan.

Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul "nói dối", đồng thời cáo buộc Trưởng công tố Ả Rập Saudi từ chối hợp tác, làm chậm quá trình điều tra bằng cách từ chối trả lời những câu hỏi đơn giản.

Trong khi đó, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Yamal Aktay, khẳng định sau khi bị sát hại, nhà báo Khashoggi đã bị phân xác để "dễ dàng tiêu hủy hơn".

"Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, họ phân xác nhà báo Khashoggi để tiêu hủy dễ dàng hơn. Bây giờ chúng tôi biết được rằng họ không những phân xác nhà báo Khashoggi mà còn làm nó bốc hơi. Họ muốn đảm bảo rằng không có bất cứ dấu vết thi thể nào để lại" - ông Aktay khẳng định với tờ Hurriyet Daily (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2/11.

Trước đó, vào hôm 31/10, trưởng công tố TP Istanbul, ông Irfan Fidan, cũng khẳng định nhà báo Khashoggi đã bị một nhóm sát thủ đến từ Riyadh sát hại, phân xác và tiêu hủy.

Nhà báo Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman, đã bị sát hại vào hôm 2/10 sau khi vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đến thời điểm hiện tại, các nhà điều tra vẫn chưa tìm ra được thi thể của nhà báo này.

Nga bất ngờ đề xuất mở rộng INF cho Trung Quốc và NATO

Nga ủng hộ việc biến Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân (INF) trở thành thỏa thuận đa phương bao gồm cả Trung Quốc và NATO, theo Đại sứ Nga tại Mỹ.

Nga ủng hộ việc biến Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân (INF) trở thành thỏa thuận đa phương bao gồm không những Trung Quốc mà cả quốc gia NATO, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trao đổi với báo giới hôm 2/11.

Ảnh minh họa

“Nga đã và đang kỳ vọng biến hiệp ước này trở nên đa phương. Để đảm bảo rằng không chỉ Trung Quốc Đại lục có thể tham gia, mà còn cả các quốc gia NATO, chủ yếu là Pháp và Anh, nên thành một phần của nó (Hiệp ước)”, ông Antonov nói.

Nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng ý tưởng này không phải điều mới, mà đã được đề cập tới khoảng 10 năm trở lại đây.

“Một hiệp ước đa phương là ý tưởng ngay từ đầu khi Nga đề xuất hiệp ước này. Sau đó chúng tôi đã đề cập với các quốc gia NATO, tất nhiên là với Pháp và Anh”, ông Antonov giải thích.

Washington chưa từng thông báo với Moscow về ý định rời khỏi Hiệp định INF, Đại sứ Nga tịa Mỹ Anatoly Antonov chia sẻ với phóng viên.

Nhà Ngoại giao này cũng chỉ ra rằng, Hiệp ước INF không liên quan tới vấn đề an ninh Mỹ, mà thay vào đó là cung cấp đảm bảo an ninh cho các quốc gia châu Âu và NATO tại châu Âu và Nga.

Ngày 20/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi INF, khẳng định Moscow không tôn trọng hiệp ước này.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/the-gioi-trong-tuan-nga-eu-cung-chi-trich-my-khoi-phuc-toan-bo-cac-lenh-trung-phat-iran-329021.html