Thế giới tiếp tục ngăn chặn đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế tiếp tục thực hiện các biện pháp khẩn trương nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch chết người này.

Các nhân viên tiến hành khử khuẩn tại một nhà thờ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: THX)

Các nhân viên tiến hành khử khuẩn tại một nhà thờ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: THX)

Châu Âu hạn chế qua lại biên giới

Ngày 13-3, Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất hai tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không. Đây được xem là biện pháp mạnh tay của Kiev nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan trong bối cảnh nước này đã ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên vì Covid-19.

Trả lời phóng viên, ông Oleksiy Danilov – Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine, cho biết: “Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới với các công dân nước ngoài trong hai tuần. Quyết định này sẽ được thực hiện trong 48 giờ tới”.

Cùng ngày, chính phủ Ba Lan ban bố tình trạng khẩn cấp, thông báo sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khi nước này đã ghi nhận có ít nhất 68 ca nhiễm. Các biện pháp sẽ được áp dụng từ nửa đêm 14-3 (giờ địa phương) trong vòng 10 ngày, và có khả năng kéo dài thêm 20 ngày dựa trên tình hình thực tế. Bộ Nội vụ Ba Lan cũng cho biết, công dân nước này từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly trong vòng hai tuần.

Chính phủ Ba Lan cũng yêu cầu đóng cửa tất cả nhà hàng, trung tâm thương mại, quán bar, sòng bạc và cấm các cuộc tụ tập trên 50 người. Tuy nhiên, các hiệu thuốc, ngân hàng, tiệm giặt là, các nhà hàng phục vụ theo hình thức giao hàng được phép hoạt động bình thường. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa, khuyến cáo trẻ em và thiếu niên ở nguyên trong nhà và không nên gửi nhờ ông bà chăm sóc, và hối thúc các biện pháp bảo vệ người cao tuổi.

Tại CH Cyprus, Tổng thống Nicos Anastasiades thông báo sẽ ngừng việc nhập cảnh với công dân nước ngoài từ ngày 15-3 và quyết định này sẽ được duy trì trong 15 ngày. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Anastasiades cho biết thêm các trường học và dịch vụ công cũng sẽ tạm dừng hoạt động cho tới ngày 10-4.

Ngày 13-3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong thời điểm quốc gia Bắc Âu xác nhận có 801 ca Covid-19.

Nhấn mạnh việc qua lại biên giới lúc này có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, Thủ tướng Frederiksen cho biết việc đóng cửa biên giới sẽ diễn ra cho tới ngày 13-4. Theo Thủ tướng Frederiksen, tất cả các hoạt động giao thông đi và đến Đan Mạch sẽ bị tạm dừng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Frederiksen tái khẳng định việc Copenhaghen sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU). Hiện Đan Mạch đã thông báo cho các quốc gia láng giềng như Đức, Na Uy, Thụy Điển và Ủy ban châu Âu về kế hoạch mới nhất. Thủ tướng Frederiksen cho biết thêm rằng chính quyền sẽ tiến hành tăng cường các hoạt động tuần tra ở biên giới trong những ngày tới.

Trong khi đó, các bệnh viện ở Đan Mạch được yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để chuẩn bị cho khả năng gia tăng bệnh nhân Covid-19.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 13-3 đã quyết định đóng cửa các trường học, cấm tập trung đông từ 100 người trở lên, tạm ngừng thỏa thuận tự do đi lại với các quốc gia châu Âu khi số ca Covid-19 tại nước này đã lên tới 1.009 ca, trong đó có chín ca tử vong.

Tại cuộc họp báo hàng ngày, Hội đồng liên bang Thụy Sĩ thông báo lệnh cấm tụ tập trên 100 người sẽ có hiệu lực cho tới ngày 30-4. Việc ngừng hoạt động dạy học tại trường học và các cơ sở đào tạo sẽ kéo dài tới ngày 4-4. Chính phủ Thụy Sĩ sẽ chi 10 tỷ franc (10.48 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Thụy Sĩ trả lương cho nhân viên trong thời gian đại dịch.

Tại Anh, chứng kiến số ca Covid-19 trong vòng 24 giờ tăng kỷ lục 208 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 798 ca, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ngày 13-3 đã thông báo hoãn cuộc bầu cử địa phương và thị trưởng ở Anh dự kiến diễn ra vào ngày 7-5 đến tháng 5 năm sau.

Theo tờ Telegraph, quyết định hoãn các cuộc bầu cử được đưa ra sau khi cơ quan giám sát bỏ phiếu của Anh đề nghị trì hoãn các cuộc bầu cử địa phương để "giảm thiểu" tác động của Covid-19. Ủy ban Bầu cử nói rằng việc tiến hành bầu cử làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và có một số lượng lớn người dân sẽ không thể tới các điểm bầu cử khi số ca Covid-19 đang tăng cao.

Theo cơ quan y tế Anh, số ca nhiễm Covid-19 thực tế tại Anh có thể vào khoảng từ 5.000 đến 10.000 ca. Mặc dù thừa nhận mối đe dọa do Covid-19 “ về cơ bản là cuộc khủng hoảng y tế công tồi tệ nhất”, song Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng sẽ không làm theo các nước khác đóng cửa trường học vì cho rằng biện pháp này có thể gây hại nhiều hơn đem lại hiệu quả. Ông khẳng định chính phủ sẽ tuân theo khuyến cáo khoa học.

Người dân đeo khẩu trang trên một tàu điện ở thủ đô London, Anh trước lo ngại dịch Covid-19 lây lan mạnh (Ảnh: AP)

Trong diễn biến liên quan, tờ Sky News (Anh) tối 13-4 dẫn nguồn tin cho biết chính phủ Anh sẽ thông báo các luật khẩn cấp vào tuần tới nhằm cấm tụ tập đông người, như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Tại Đức, số ca nhiễm bệnh trong hai ngày qua đã tăng 50%. Tính đến hết ngày 13-3 theo giờ địa phương, số trường hợp dương tính Covid-19 đã tăng lên 3.675 trường hợp, 46 bệnh nhân được xuất viện và tám ca tử vong. Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler cảnh báo dịch bệnh sẽ còn kéo dài và đây sẽ là "phép thử" đối với nước Đức cũng như hệ thống y tế của Đức. Ông cũng kêu gọi mọi người tránh đến nơi đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nhằm làm chậm sự lây lan của virus, qua đó bảo vệ được bản thân, cộng đồng, nhất là người cao tuổi và những người bệnh mãn tính. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi các bệnh viện tuyển dụng bổ sung nhân lực để đối phó với dịch, có thể nhắm tới lực lượng sinh viên hoặc những người hưu trí.

* Trước thực tế châu Âu đang trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 như cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại cuộc họp báo từ Brussels, người đứng đầu các vấn đề kinh tế của Hội đồng châu Âu Maarten Vervey cho hay, EU và khu vực Eurozone trong năm nay sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Theo đó, tăng trưởng của khối Eurozone và EU sẽ giảm xuống dưới mức 0 trong năm nay.

Các tổ chức quốc tế chuyển hướng làm việc từ xa

Ngay sau khi Chính phủ Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Liên hợp quốc (LHQ) ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên, tổ chức lớn nhất hành tinh có trụ sở đặt tại TP New York (Mỹ) này đã thông báo sẽ cắt giảm số nhân viên làm việc tại trụ sở LHQ. Quy định này có hiệu lực từ ngày 16-3 và kéo dài trong bốn tuần.

Trong thông điệp gửi tới 193 phái đoàn thành viên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết việc giảm sự hiện diện của các nhân viên tại trụ sở LHQ là cần thiết để giảm các tiếp xúc trực tiếp, tuân thủ các hướng dẫn của WHO nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Do đó, các nhân viên không cần tới trụ sở LHQ có thể làm việc tại nhà. “LHQ vẫn hoạt động bình thường. Nhưng công việc của chúng ta sẽ được thực hiện từ các địa điểm khác nhau và sử dụng các công nghệ khác nhau”, TTK LHQ cho hay.

Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng của LHQ (UNICEF) thông báo trụ trở của cơ quan này tại New York sẽ đóng cửa trong bốn tuần, các nhân viên sẽ làm việc từ xa tại nhà, sau khi cơ quan này thông báo có ba người có các triệu chứng như cúm và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.

Cũng trong ngày 13-3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến khích các nhân viên tại trụ sở ở Washington (Mỹ) làm việc tại nhà sau khi một nhân viên IMF được chẩn đoán mắc Covid-19. Tình hình bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức này chuyển các cuộc họp mùa xuân vào tháng sau sang họp trực tuyến.

Trong xu hướng chung tại Mỹ, hãng thể thao Nike, nhà mạng AT&T là những doanh nghiệp mới nhất đưa ra thông báo yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Trong thông báo, Giám đốc điều hành của nhà mạng AT&T Randall Stephenson nói rằng, kể từ thứ Hai tới, các nhân viên làm việc tại nhà cho tới khi có thông báo tiếp theo. Công ty cũng sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khác cho nhân viên, cũng như tăng cường chính sách chống lại sự lây lan của virus.

Trước đó, một số tập đoàn công nghệ của Mỹ như Microsoft, Google, Twitter, Amazon hay Apple đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.

* Ngày 13-3, chính phủ Guatemala đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh với các quốc gia và khu vực đang bùng phát Covid-19, trong đó có Mỹ và Canada sau khi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên.

* Thủ tướng Jamaica Andrew Holness ngày 13-3 đã tuyên bố khu vực thảm họa với quốc đảo nào trước mối đe dọa của đại dịch Covid-19 khi nước này đã có tám ca Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng Holness đã yêu cầu Cuba giúp đỡ 100 y tá để giúp nước này đối phó với Covid-19.

* Ngày 14-3, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo hủy buổi lễ tưởng niệm một năm xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại Christchurch khiến hơn 50 người thiệt mạng do lo ngại dịch bệnh Covid-19 đang lây lan.

Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ diễn ra ngày 15-3 với sự tham dự của hàng nghìn người, trong đó có nhiều nước nước ngoài. Thủ tướng Ardern nhấn mạnh New Zealand cần phải có sự đề phòng. Buổi lễ tưởng niệm sẽ có rất nhiều người từ các khu vực khác nhau của đất nước và từ nước ngoài đến sẽ tham dự và do đó, nếu có trường hợp mắc bệnh Covid-19 sẽ rất khó tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người mang bệnh. Bà bày tỏ mỗi người dân New Zealand đều có thể tưởng niệm sự kiện này theo cách của riêng mình.

N.T

Theo tổng hợp Reuters, AP, THX

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43608402-the-gioi-tiep-tuc-ngan-chan-dai-dich-covid-19.html