Thế giới tiếc nuối khi 'một phần của nước Pháp' chìm trong biển lửa

Ngày 16/4, trước sự kiện Nhà thờ Đức Bà của Paris ngày 15/4 bị nhấn chìm trong biển lửa, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ nỗi buồn, sự tiếc nuối và tinh thần đoàn kết với người dân Pháp.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến hiện trường Nhà thờ Đức Bà và cho biết: “Tôi cảm thấy rất buồn khi chứng kiến một phần của nước Pháp chìm trong biển lửa”.

Trên trang mạng Twitter cá nhân, vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp khẳng định sẽ tu sửa lại tòa nhà 850 năm tuổi này, đồng thời kêu gọi chiến dịch gây quỹ quốc tế để tu sửa lại công trình mang tính biểu tượng quốc gia này.

Trong khi đó, Tổng thống tiền nhiệm Paris François Hollande cho biết: “Nhà thờ Đức Bà là di sản chung của nước Pháp, đó là một vết thương khi công trình này bị tàn phá bởi hỏa hoạn. Tôi rất tôn trọng những người lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy”.

Trước vụ hỏa hoạn, Tòa thánh Vatican cho hay, Giáo hoàng Francis cảm thấy sốc và đau buồn về vụ hỏa hoạn khủng khiếp đã tàn phá Nhà thờ Đức Bà. Còn Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonia Gutterres bày tỏ tiếc nuối bởi nhà thờ là một "ví dụ độc đáo về di sản thế giới".

Thư ký giáo hội Chính thống giáo Nga Hieromonk Stefan gọi đây là một "thảm kịch với toàn bộ Cơ đốc giáo thế giới và với những ai đánh giá cao ý nghĩa văn hóa của nhà thờ này".

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa ngày 15/4. (Nguồn: The Guardian)

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: “Thật kinh khủng khi chứng kiến đám cháy lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Có lẽ cứu hỏa bằng máy bay có thể sẽ giúp dập tắt lửa nhanh hơn. Phải hành động nhanh chóng!”. Ông chủ Nhà Trắng đã tweet: “Chúa ban phước cho người dân Pháp!”.

Bà Hillary Clinton, cựu đối thủ đảng Dân chủ của Tổng thống Trump trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống năm 2016 thì tweet: “Trái tim tôi hướng về Paris. Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng cho tình đoàn kết của con người vì một mục đích cao cả hơn - xây dựng những không gian ngoạn mục để cầu nguyện mà không ai có thể tự xây dựng”.

Cùng chia sẻ với Pháp, Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama đã đăng một bức ảnh chụp cùng với vợ và các con bên trong cột mốc gothic trong chuyến thăm Paris cùng thông điệp: “Nhà thờ Đức Bà là một trong những kho báu vĩ đại nhất của thế giới, và thế giới luôn hướng về người dân Pháp trong thời khắc đau buồn này. Tất cả chúng ta đều cảm thấy thương tiếc khi một phần lịch sử bị xóa đi, nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục đứng vững để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn".

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã mô tả Nhà thờ Đức Bà là “biểu tượng của đức tin cho mọi người trên khắp thế giới”, đồng thời cho biết: “Thật đau lòng khi nhìn thấy ngôi nhà của Chúa chìm trong ngọn lửa”.

Khoảng 500 lính cứu hỏa của Paris đang thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại Nhà thờ Đức Bà. (Nguồn: The Guardian)

Trong một bài đăng trên Twitter, Thủ tướng Anh Theresa May đã viết: “Tôi luôn hướng về những người dân Pháp và những người lính cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa khủng khiếp tại Nhà thờ Đức Bà”.

Cũng bày tỏ sự tiếc thương, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby cho biết: “Tôi đang cầu nguyện cho những người lính cứu hỏa đang thực hiện nhiệm vụ tại Nhà thờ Đức Bà. Tôi cũng cầu nguyện cho người dân Pháp, và hơn cả là những người đang theo dõi sự việc này và đang khóc cho nơi đẹp đẽ, thiêng liêng này, nơi hàng triệu người đã gặp Chúa Jesus”.

Mặc dù không trực tiếp chia buồn với Paris, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi lời chia buồn thông qua bài đăng của Phát ngôn viên Thủ tướng trên trang Twitter bằng khẩu hiệu của thành phố Paris: “Fluctuat nec mergitur”, có nghĩa là “Bị sóng đánh nhưng chẳng chìm”. Cụm từ tiếng Latin này đã được sử dụng làm phương châm của Paris trong suốt thế kỷ 14, khi Nhà thờ Đức Bà vừa hoàn thành.

Về phần mình, Thủ tướng Australia Scott Morrison chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in cảm giác khi đứng bên ngoài Nhà thờ Đức Bà với Jen, vợ tôi, gần 30 năm trước”. Thủ tướng Morrison cho biết, trái tim ông luôn hướng về người dân Pháp và khẳng định: “Pháp sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà vì người Paris sẽ luôn làm điều đó”.

Người dân Pháp bàng hoàng khi nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa. (Nguồn: The Guardian)

Đau lòng trước sự kiện biểu tượng của nước Pháp bị cháy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ: “Đức Mẹ Paris của chúng ta thuộc về toàn thể nhân loại,” đồng thời mô tả vụ hỏa hoạn là “trò chơi kinh dị” và “Notre-Dame de Paris là con mồi”.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của châu Âu Guy Verhofstadt cho biết ông “rất buồn” khi thấy Nhà thờ Đức Bà bị phá hủy. Trưởng đoàn đàm phán Brexit viết trên Twitter: “Trái tim tôi luôn hướng về người dân Pháp khi một kiệt tác gothic của châu Âu đang nằm trên bờ vực của sự phá hủy.”

Sau khi chứng kiến vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho rằng, vụ hỏa hoạn đã phá hủy công trình lịch sử, kiến trúc, hội họa và điêu khắc có tuổi đời 850 năm của Paris, đồng thời đề nghị giúp đỡ nước Pháp trong quá trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi gây quỹ để khôi phục Nhà thờ Đức Bà sau vụ hỏa hoạn. (Nguồn: The Guardian)

Bên cạnh đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ "đau lòng" khi nhìn thấy nhà thờ chìm trong biển lửa và thay mặt người dân Canada chia sẻ nỗi buồn với người dân Pháp. Trên trang Twitter, Thủ tướng 47 tuổi đã viết: "Người dân Canada đang nghĩ về những người bạn ở Pháp, trong lúc các bạn chiến đấu với vụ hỏa hoạn khốc liệt này".

Cẩm Yến

(theo The Guardian)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-tiec-nuoi-khi-mot-phan-cua-nuoc-phap-chim-trong-bien-lua-92012.html