'Thế giới thiếu oxy' của Nguyễn Thành

Môi trường là một đề tài rất khó đối với nghệ thuật, bởi nếu không khéo thì những cái mà nghệ sỹ sáng tạo ra lại chỉ là những sản phẩm tuyên truyền. Và như thế nghệ thuật cũng chẳng đóng được vài trò gì khác hoặc cũng chẳng hơn những bài báo hay những nghiên cứu khô cứng của khoa học xã hội nhân văn.

Nhà nhân học môi trường nổi tiếng, Tim Ingol, nói rằng: ”môi tr¬ường của tôi chỉ có ý nghĩa khi có quan hệ với tôi”. Mỗi một người có những trải nghiệm và nhận thức riêng về cái “môi trường của mình”. Khi bạn hít thở bạn cảm thấy khoan khoái hay ngột ngạt (vì khí thải), khi ăn bạn thấy thơm, ngon, mát, bổ hay bị dị ứng (vì hóa chất).... Và chỉ khi chính bạn cảm thấy điều đó và đồng thời trong bạn xuất hiện những xúc cảm như sợ hãi, lo lắng, bất an thì nhận thức của bạn về môi trường mới toàn vẹn, điều đó hoàn toàn khác với việc bạn nghe từ những bài nghiên cứu khoa học hay những tin tức từ các phương tiện truyền thông về môi trường chung chung.

Tác phẩm Mặt nạ 07 trong Triển lãm cá nhân của Họa sĩ Nguyễn Thành

Tương đồng với tư tưởng trên, Nguyễn Thành đã có một lựa chọn khá thông minh khi nói về một vấn đề xã hội nhân văn khá phức tạp, một thế giới thiếu oxy trong các tác phẩm của mình. Bằng cách diễn tả những cung bậc cảm xúc chủ quan của chính mình, người nghệ sỹ thông qua những hình tượng của những cá thể người: Đó là những người đeo mặt nạ hay những người da thịt nứt nẻ như cánh đồng khô, hay kẻ mà thân xác nhão chảy, béo ị, bế tắc, không nhìn thấy tương lai...

Đó là những gì chúng ta nhìn thấy, những gì cảmthấy ở tranh của Nguyễn Thành, điều đáng suy ngẫm hơn đó là những dự cảm về một đời sống mà con người ngày càng rời xa tự nhiên và tự cô lập mình bởi nỗi lo sợ và những ám ảnh xấu về môi trường sống của mình. Nói rộng hơn nữa, xã hội loài người sẽ ra sao nếu mỗi giao tiếp giữa con người với tự nhiên, giữa người với người luôn phải thông qua một phương tiện trung gian nào đó?

Tác phẩm Mặt nạ 10

Ở phương diện nghệ thuật, tranh của Nguyễn Thành rất quyến rũ bởi những tạo hình có tính cách lạ hóa nhưng lại hợp lý và bởi độ chuyển màu tinh tế với những gam màu nhẹ nhàng, hài hòa, rất tây phương. Ở nhiều tác phẩm, người xem còn nhận thấy những cảm xúc có tính ngẫu hứng của tác giả khi anh vẽ các con chữ có vẻ như không liên quan đến nội dung của bức tranh vào các thân thể của nhân vật. Tranh của anh không bị lẫn với ai, nói cách khác là đã có cá tính riêng, điều mà không ít họa sỹ vẽ cả đời cũng chưa làm được.

Triển lãm “Mặt nạ” tại Vicas Art sudio (32 Hào Nam Hà Nội) từ 11/10/2018 đến 04/11/2018/

Lan Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/the-gioi-thieu-oxy-cua-nguyen-thanh-1331773.tpo