Thế giới thắt chặt quy định chỉnh sửa gene di truyền của con người

Các nhà đạo đức sinh học nổi tiếng Trung Quốc đã kêu gọi Chính phủ bảo vệ 3 đứa trẻ đã được chỉnh sửa gene. Họ nói rằng công nghệ chỉnh sửa gene đang phát triển và mặc dù không quốc gia nào cho phép chỉnh sửa bộ gene di truyền của con người, nhưng cần phải chuẩn bị cho tình huống này.

Nhà đạo đức sinh học hàng đầu Trung Quốc Qiu Renzong: “Cần xem xét về mặt đạo đức và chuẩn bị cho tình huống chỉnh sửa gene người”

Nhà đạo đức sinh học hàng đầu Trung Quốc Qiu Renzong: “Cần xem xét về mặt đạo đức và chuẩn bị cho tình huống chỉnh sửa gene người”

Bảo vệ 3 trẻ chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới

Tháng trước, hai nhà đạo đức sinh học nổi tiếng Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ bảo vệ 3 đứa trẻ được sinh ra ở Trung Quốc theo kỹ thuật chỉnh sửa gene gọi là CRISPR được áp dụng đầu tiên trên thế giới. Nhà khoa học chịu trách nhiệm về những đứa trẻ bị chỉnh sửa gene này, ông He Jiankui, đã bị bỏ tù sau khi tiết lộ thí nghiệm này vào năm 2018. “Đây là một vấn đề đạo đức rất quan trọng và cơ bản - làm thế nào để đối xử với những người có gene đã được chỉnh sửa”, bà Lei Ruipeng, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, đã phát biểu tại một hội thảo vào tuần trước.

Tương tự, ông Qiu Renzong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng đứng sau đề xuất được đệ trình lên Chính phủ Trung Quốc cho rằng, các nhà nghiên cứu cần xem xét cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích và hạnh phúc của 3 đứa trẻ bị chỉnh sửa gene. Ông lưu ý rằng, các công nghệ chỉnh sửa bộ gene di truyền vẫn còn “non nớt”. “Mọi thứ vẫn đang được khám phá. Nhưng dựa trên những bài học kinh nghiệm từ vụ He Jiankui, chúng ta nên xem xét trước những vấn đề đạo đức này và chuẩn bị sẵn sàng”, ông Qiu nói. Theo nhà nghiên cứu cao cấp này, công nghệ đang được cải thiện dần dần và bất kỳ ai có công nghệ cũng có thể làm được, mặc dù nó có thể là bất hợp pháp. Tuy nhiên, một số quốc gia có thể cho phép nó trong tương lai. “Chúng ta nên đối xử với những người này như thế nào? Chúng ta nên có chính sách về vấn đề này”, ông Qiu khẳng định.

Nhà khoa học He Jiankui đã khiến cả thế giới sửng sốt vào tháng 11-2018 khi công bố tại một hội nghị ở Hồng Kông về sự ra đời của hai bé gái song sinh với bộ gene đã được chỉnh sửa “Lulu” và “Nana”. Em bé thứ ba được chỉnh sửa gene - “Amy” - được sinh ra sau đó. Hiện chưa rõ về cuộc sống của ba cô gái này. Ông He Jiankui cho biết, ông đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 để viết lại bộ gene di truyền trong phôi thai của 3 bé để làm cho tránh bị nhiễm virus HIV mà cha họ mắc phải. CRISPR là một công nghệ cho phép các nhà nghiên cứu chỉnh sửa từng phần của bộ gene bằng cách loại bỏ, thêm hoặc thay đổi các phần của trình tự DNA. Các nhà khoa học cho biết, nó có tiềm năng chữa khỏi một loạt bệnh di truyền trong tương lai, nhưng hiện tại thì điều đó vẫn còn là một chặng đường dài. Thử nghiệm đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn thế giới, với các nhà khoa học cho biết công nghệ chỉnh sửa gene chưa sẵn sàng được sử dụng cho mục đích sinh sản. Đến tháng 12-2019, nhà khoa học có trụ sở tại Thâm Quyến đã bị bỏ tù 3 năm vì “hành nghề y tế bất hợp pháp” và sẽ được trả tự do vào cuối năm nay.

Công nghệ chỉnh sửa gene chưa sẵn sàng được sử dụng cho mục đích sinh sản

Vẫn là “vùng cấm”

Đáng chú ý, kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR đã được sử dụng trong hàng trăm thí nghiệm trên khắp thế giới, nhưng tất cả đều liên quan đến tế bào dinh dưỡng và nhằm mục đích điều trị các bệnh mà các biến đổi DNA không thể di truyền được. Eben Kirksey, một nhà nhân chủng học y tế tại Viện Alfred Deakin ở Melbourne, Australia cho biết, cộng đồng nghiên cứu đã vạch ra ranh giới để đảm bảo rằng, việc sử dụng CRISPR ở người lớn không được truyền lại cho các thế hệ tương lai. “Theo hiểu biết của tôi, việc sử dụng kỹ thuật CRISPR trong điều trị hiếm muộn sẽ vi phạm về mặt đạo đức”. Ông Kirksey cho biết, đã có nhiều liệu pháp hiệu quả được sử dụng để bảo vệ mọi người khỏi các bệnh di truyền như HIV, vì vậy việc chỉnh sửa gene ở trẻ em là không cần thiết. Ông cho rằng cải tiến di truyền, hoặc việc sử dụng CRISPR để thúc đẩy thuyết gene tốt nên bị đặt ngoài vòng pháp luật. Gaetan Burgio, một nhà di truyền học tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra cũng cho biết, ông không thấy bất kỳ dấu hiệu y tế rõ ràng nào yêu cầu sử dụng chỉnh sửa dòng gene người trong khi các phương pháp tiếp cận khác đã có sẵn.

Trung Quốc thắt chặt quy định chỉnh sửa gene người sau vụ bê bối trẻ sơ sinh chỉnh sửa gene năm 2018. Dự thảo quy định do Ủy ban Y tế Quốc gia đưa ra vào năm 2019 đề xuất phê duyệt cấp quốc gia cho nghiên cứu lâm sàng liên quan đến chỉnh sửa gene và “các công nghệ y sinh có rủi ro cao” khác. Họ cũng tuyên bố rằng, nghiên cứu lâm sàng về các công nghệ y sinh mới phải trải qua các đánh giá về mặt học thuật và đạo đức.

Một năm sau tiết lộ của He Jiankui, nhà sinh vật học người Nga Denis Rebrikov nói với Nature rằng, ông đang chỉnh sửa gene trong trứng người, nhằm mục đích thay đổi đột biến gene có thể làm suy giảm thính lực, nhưng không có kế hoạch cấy phôi đã chỉnh sửa gene ở phụ nữ cho đến khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2021 cho thấy, trong số 96 quốc gia được khảo sát, 70 quốc gia cấm chỉnh sửa bộ gene di truyền của con người. Trung Quốc cũng đã thắt chặt quy định chỉnh sửa gene người sau vụ bê bối trẻ sơ sinh chỉnh sửa gene năm 2018.

(Theo SCMP)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-that-chat-quy-dinh-chinh-sua-gene-di-truyen-cua-con-nguoi-post499077.antd