Thế giới quyết tâm đẩy lùi hiểm họa trong trường học

Những năm gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) trở thành vấn nạn trên toàn cầu, gây bức xúc trong xã hội. Nếu không được xử lý kịp thời, những nạn nhân của BLHĐ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể xác và tinh thần. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này…

Hậu quả khôn lường

BLHĐ không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề "nóng" trong xã hội. Gần đây, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng về số lượng vụ việc cũng như tính chất nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Nhận định về vấn nạn BLHĐ, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết: “Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình. Tuy nhiên, đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn”.

Các chuyên gia tâm lý nhận định, nếu không được can thiệp kịp thời, BLHĐ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai của học sinh, gây hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần của các em. Trên thực tế, vì BLHĐ, nhiều em sợ hãi không dám đến trường. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Mỹ (CDC), những người trẻ bị bắt nạt dễ có nguy cơ trầm cảm, từ đó cùng quẫn và có thể quyết định tự tử. Ngoài ra, những đứa trẻ có hành vi bạo lực từ nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác.

 Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay bảo vệ các em học sinh trước hiểm họa mang tên bạo lực học đường. Ảnh: Education Central.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay bảo vệ các em học sinh trước hiểm họa mang tên bạo lực học đường. Ảnh: Education Central.

Xây dựng trường học an toàn

Trong bối cảnh tình trạng BLHĐ có xu hướng tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp đối phó với vấn nạn toàn cầu này. Tại Nhật Bản, một số trường học tiến hành khảo sát học sinh định kỳ để phát hiện sớm tình trạng bạo lực trong lớp. Từ tháng 4 năm nay, thành phố Otsu của Nhật Bản đã sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) giúp các trường học ở địa phương phát hiện tình trạng BLHĐ. Nhờ công nghệ này, ban giám hiệu nhà trường có thể ngăn chặn phần nào tình trạng bạo lực trước khi nó xảy ra và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng BLHĐ, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường lắp camera giám sát và tăng số nhân viên an ninh trong trường học. Không chỉ tại châu Á, vấn nạn BLHĐ cũng hoành hành tại châu Âu. Là quốc gia có nền giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới, Phần Lan đã áp dụng sáng kiến giáo dục mang tên KiVa nhằm giảm tối đa tình trạng BLHĐ. Được triển khai vào năm 2007 và ngay trong năm đó, KiVa đã giảm được 40% trường hợp bắt nạt trong các trường học. Hiện tại, 90% trường học ở Phần Lan đang thực hiện chương trình này. Mục tiêu của KiVa là làm cho học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của BLHĐ và giúp đỡ học sinh trở thành những người bảo vệ học sinh đang bị bắt nạt, cũng như không có hành vi bắt nạt người khác. Không chỉ được áp dụng tại Phần Lan, chương trình này còn được triển khai rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, trước tình trạng BLHĐ gia tăng, đặc biệt là các vụ liên quan tới bắt nạt bạn học do tư tưởng bài Do Thái, Đức đã đưa hơn 100 chuyên gia chống bắt nạt tới các trường học để đối phó với sự gia tăng tư tưởng này.

BLHĐ không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau, mà còn là vấn đề giữa giáo viên và học sinh. Khi xảy ra vụ việc, giới chức trách và nhà trường các nước trên thế giới sẽ đưa ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bao gồm phạt hành chính hoặc tước giấy phép dạy học, thậm chí phạt tù…

Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Theo báo cáo dựa trên kết quả nghiên cứu tại 122 quốc gia hồi năm ngoái của UNICEF, nửa số học sinh trên thế giới trong độ tuổi 13-15 đang bị BLHĐ, bao gồm bị tấn công tại lớp học hoặc gặp phải các hình thức trừng phạt về thể chất từ chính giáo viên của các em. Báo cáo này đã dấy lên lo ngại rằng, tình trạng BLHĐ sẽ còn tiếp tục gia tăng nếu gia đình, nhà trường và toàn xã hội không nhanh chóng chung tay, góp sức đẩy lùi vấn nạn này.

Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) nhận định, việc ngăn chặn BLHĐ cần được bắt đầu từ chính gia đình của mỗi học sinh. Cha mẹ cần dành thời gian nhiều để nắm bắt tâm tư của con cái, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý các em. Khi phát hiện con bị bắt nạt, cha mẹ nên trò chuyện với con để hiểu rõ chuyện gì đang thực sự diễn ra, giúp trẻ xử lý tình huống nếu chuyện đó tái diễn và trong trường hợp nghiêm trọng, phải yêu cầu nhà trường và thậm chí cảnh sát can thiệp. Theo UNICEF, để giảm thấp nhất vấn nạn này, nhà trường cần mở các chương trình chống BLHĐ, đồng thời thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin với các bậc cha mẹ học sinh. Trong cuộc chiến đẩy lùi vấn nạn BLHĐ, chính quyền địa phương là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo các tổ chức trên địa bàn phối hợp với nhà trường, gia đình giúp đỡ các nạn nhân của BLHĐ, cũng như giáo dục học sinh cá biệt.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-quyet-tam-day-lui-hiem-hoa-trong-truong-hoc-574860