Thế giới nỗ lực giảm ô nhiễm do ngành hàng không

Lo ngại lượng khí thải từ động cơ máy bay dân dụng ngày càng lớn, nhiều giải pháp và phương án đã được đưa ra nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm do ngành hàng không gây ra trên toàn cầu.

Ảnh: iStock

Dữ liệu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy các chuyến bay thương mại trên toàn cầu đang phát thải khí CO2 với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với những thập niên trước, trong đó lượng nhiên liệu tiêu thụ tăng thêm 44 triệu lít/ngày, tức 16.000 triệu lít/năm. Với đà này, các chuyên gia dự báo ngành hàng không sẽ sớm đạt “thành tích” mỗi năm bơm 1 tỉ tấn CO2 vào bầu khí quyển, nhiều hơn lượng phát thải khí CO2 của 135 quốc gia trên thế giới cộng lại. Được biết, năm 2018, ngành hàng không dân dụng thế giới phát thải 918 triệu tấn CO2.

Đáng nói là ngành hàng không dân dụng tạo ra giá trị rất thấp từ mỗi tấn CO2 thải ra. Tài liệu cho thấy ngành này phát thải khoảng 1.200 gr CO2 trên mỗi USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà nó tạo ra. Ngay cả nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào than đá như Trung Quốc cũng chỉ phát thải 1/3 con số trên, do vậy hàng không dân dụng bị cho là một trong những ngành bẩn nhất thế giới. Từ năm 2005, ngành này đã gây ra khoảng 5% hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ngành hàng không thương mại thế giới đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050 so với mức của năm 2005. Mặc dù có nhiều giải pháp, bao gồm máy bay điện, song Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) nhận thấy phi cơ sử dụng nhiên liệu sinh học là phương án duy nhất để đạt mục tiêu nói trên. Các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus cũng đang cạnh tranh trong việc cung cấp phương tiện sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.

Trong khi đó, nhiều người quan tâm đến vấn đề khí hậu chuyển sang đi bằng xe lửa hoặc tàu bè và hạn chế đi máy bay để ngành hàng không giảm phát thải CO2.

►Hồi sinh xe lửa đêm châu Âu

Chuyến xe lửa đêm đầu tiên đi từ Vienna (Áo) đến Brussels (Bỉ) trong vòng 16 năm đã khởi hành hôm 19-1. Có mặt trên xe là những hành khách thông thường và cả các chính trị gia Áo và châu Âu, những người hy vọng đường tàu này có thể là hình mẫu trong bối cảnh lục địa già nỗ lực đạt những mục tiêu về khí hậu.

Cuối năm 2016, công ty đường sắt Áo OeBB đã thực hiện bước đi mạo hiểm khi mua các xe lửa đêm từ nhà điều hành của Đức. Nay tuyến xe lửa đêm của OeBB lại phù hợp với tham vọng của Chính phủ Áo là đưa nước này đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2040. Theo trang web ecopassenger.org, bay từ Vienna đến Brussels thải ra 152,8kg CO2 trên mỗi hành khách, so với chỉ 35,5kg khi đi bằng xe lửa. Dự kiến cuối năm nay, OeBB sẽ đưa vào khai thác 27 đoàn xe lửa đêm và mở tuyến mới Vienna-Amsterdam (Hà Lan). Số lượng hành khách đi xe lửa trong năm 2019 đã tăng 10% và nguyên nhân là do một bộ phận người dân lo ngại cưỡi “chim sắt” để lại dấu chân CO2 nặng nề cho khí hậu.

Tuy chỉ mới có một hãng đường sắt nối lại xe lửa đêm, song nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ rộ lên tại châu Âu trong thời gian tới.

Ở Thụy Điển, số lượng khách đi máy bay trong năm 2019 giảm 4% so với năm trước đó. Stockholm cũng đang tìm cách khuyến khích mở nhiều chuyến xe lửa đêm và tuyến Malmo - Cologne (Đức) cò thể sớm đi vào hoạt động. Thụy Điển cũng là quê hương của nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg và phong trào “xấu hổ khi đi máy bay”. Thunberg phản đối mạnh mẽ việc di chuyển bằng máy bay, thường xuyên ưu tiên các phương tiện khác thân thiện với môi trường hơn như xe lửa và thuyền.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Euro News)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/the-gioi-no-luc-giam-o-nhiem-do-nganh-hang-khong-a117618.html