Thế giới nhìn về bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đóng vai trò quyết định đối với toàn thế giới. Đó là lý do vì sao các nước trên thế giới đều rất quan tâm diễn biến cuộc đua này. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy sự yêu thích rõ ràng đối với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump lại không nhận được nhiều thiện cảm như vậy.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đóng vai trò quyết định đối với toàn thế giới. Đó là lý do vì sao các nước trên thế giới đều rất quan tâm diễn biến cuộc đua này. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy sự yêu thích rõ ràng đối với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump lại không nhận được nhiều thiện cảm như vậy.

NGA

Nước Nga đóng vai trò nổi bật bất ngờ trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc chạy đua giành ghế tổng thống giữa bà Clinton và ông Trump sau khi xảy ra vụ rò rỉ thư điện tử của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ mà các chính trị gia Mỹ đổ tội cho tin tặc Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó bác bỏ cáo buộc. Một cuộc thăm dò tại Nga mới đây cho thấy, 22% người Nga có quan điểm tích cực hơn về ông Trump, so với 8% dành cho bà Clinton.

MEXICO

Có lẽ, tỷ phú Trump đã khuấy động nhiều bất ổn và phẫn nộ ở Mexico hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ông đưa ra chiến dịch tranh cử bằng cách mô tả người nhập cư Mexico là “kẻ hiếp dâm và cướp của” đồng thời tuyên bố sẽ xây dựng bức tường biên giới với Mexico ngay khi nhậm chức. Người dân Mexico đã phản ứng bằng cách chế nhạo, đả kích và đốt hình nộm ông Trump.

IRAN

Tại Tehran, một điều chắc chắn: cho dù ông Trump hay bà Clinton giành chiến thắng, Iran cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn ở phía trước. Nhưng người Iran thích thú bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng viên tổng thống lần này; và trong động thái chưa từng có, truyền hình quốc gia Iran phát sóng cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng giữa ông Trump và bà Clinton. Và những cáo buộc gian lận bầu cử của ông Trump mang đến cho những người bảo thủ ở Iran cảm giác khoan khoái, nhắc nhở họ về những cáo buộc của Washington rằng, Iran đã gian lận trong cuộc bầu cử 2009.

TRUNG QUỐC

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề bầu cử ở Mỹ và cũng không có bất kỳ cuộc thăm dò chính thức nào được tổ chức ở nước này về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người Trung Quốc rất ghét ông Trump – người liên tục cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng hiếp” Mỹ và tạo ra sự ấm lên toàn cầu như là một “trò lừa bịp”. Một nghiên cứu công bố hồi tháng trước do Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, nếu người Trung Quốc có thể bỏ phiếu, bà Clinton sẽ thắng.

TRIỀU TIÊN

Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Giới lãnh đạo Triều Tiên không công khai nhận xét về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng giới phương tiện truyền thông nước này cho rằng, ông Trump là hy vọng tốt nhất để tạo sự gắn kết giữa Bình Nhưỡng với Washington. Tờ báo Today của Triều Tiên mô tả ông trùm bất động sản này là “chính trị gia khôn ngoan” và “ứng viên tổng thống thông thái”.

NHẬT - HÀN

Rõ ràng, nếu ông Trump chiến thắng, đó có thể sẽ là “cơn ác mộng” đối với Nhật - Hàn, hai đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ. Trong bài phát biểu tranh cử, ông Trump mô tả Hàn Quốc và cả Nhật Bản, nơi có 47.000 lính Mỹ đóng quân, như một “kẻ ăn bám” của Washington trong vấn đề đảm bảo an ninh.

ĐỨC

Nếu bà Clinton chạy đua với ông Trump giành chức tổng thống Đức, vị nữ chính trị gia sẽ giành chiến thắng vang dội. Một cuộc khảo sát hồi tháng 10 tại Đức cho thấy, 86% người Đức sẽ bỏ phiếu cho cựu Ngoại trưởng Mỹ. Bản thân Tổng thống Đức Joachim Gauck cũng từng bày tỏ lo lắng về khả năng ứng viên Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Việc có “một tổng thống Trump” - động thái được cho là sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thêm hỗn loạn - sẽ khiến Đức bị ảnh hưởng rất lớn.

VƯƠNG QUỐC ANH

Anh đã chuẩn bị ăn mừng nếu ứng viên họ yêu thích, bà Clinton chiến thắng. Đối với nước Anh – đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu – việc bà Clinton chiến thắng có nghĩa là một vị tổng thống đáng tin cậy có tình cảm gắn bó hơn với Châu Âu đã lên nắm quyền. Và từ đây, mối lo trong quan hệ sóng gió với Nga, và vấn đề Syria sẽ được giải quyết. London luôn nhìn thấy mối quan hệ thân thiết với Washington như là chìa khóa để chống lại nhận thức rằng, vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) sẽ dẫn đến một chính sách ngoại giao cô lập Anh hơn.

Thanh Văn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_157379_the-gio-i-nhi-n-ve-ba-u-cu-to-ng-tho-ng-my-.aspx