Thế giới khan hiếm khoai tây

Việc chuỗi cung ứng khoai tây bị gián đoạn trầm trọng do tác động của dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt. McDonald's Nhật Bản thậm chí phải vận chuyển khoai tây bằng máy bay.

Tình trạng thiếu hụt khoai tây trên toàn cầu đang gia tăng nghiêm trọng - một vấn đề lớn ảnh hưởng đến nhiều chuỗi nhà hàng và những người mê món khoai tây chiên, theo Washington Post.

Một số mặt hàng phổ biến, bao gồm sốt marmite và phô mai kem, đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt. Khoai tây là mặt hàng mới nhất trong danh sách này, không thể phân phối đồng đều đến nhiều quốc gia và các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh.

 Việc đứt chuỗi cung ứng khoai tây gây nhiều tác động lớn cho các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh. Ảnh: The Paradise.

Việc đứt chuỗi cung ứng khoai tây gây nhiều tác động lớn cho các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh. Ảnh: The Paradise.

Tại Nhật Bản, các cửa hàng McDonald’s đã ngừng cung cấp các phần ăn khoai tây chiên cỡ vừa và lớn vào cuối tháng trước, sau khi chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do dịch bệnh và lũ lụt ở Vancouver.

Các nhà sản xuất khoai tây chiên hàng đầu của Nam Phi cảnh báo rằng khoai tây đang bị thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sau đợt sương giá tồi tệ và mưa dày đặc dẫn đến sản lượng địa phương sụt giảm.

Trong tháng này tại Kenya, các cửa hàng KFC đã loại bỏ món khoai tây chiên ra khỏi thực đơn, vì các lô hàng khoai tây đã bị chậm trễ vận chuyển hơn một tháng, do tác động của đại dịch.

KFC Kenya đề xuất cho khách hàng đổi sang các món khác trong thực đơn: Gà, hamburger, soda, xà lách trộn và ugali làm từ ngô để thay thế cho khoai tây chiên trong các phần ăn combo.

Tuy nhiên, các nhà hàng đồ ăn nhanh khác tại Kenya vẫn tiếp tục cung cấp đầy đủ các món ăn cho thực khách, chẳng hạn như Burger King Kenya.

Bên cạnh sự bất tiện, việc thiếu hụt này đã khiến người dân Kenya bất bình ngay trong mùa thu hoạch của họ, vì KFC vẫn phụ thuộc vào khoai tây nhập khẩu thay vì khoai tây địa phương.

Jacques Theunissen, Giám đốc điều hành của KFC tại Đông Phi, cho rằng rất khó để chuyển sang khoai tây Kenya vì các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.

Ông lý giải: “Mọi nhà cung cấp cần phải trải qua quy trình kiểm soát chất lượng QA toàn cầu và chúng tôi vẫn phải thực hiện điều đó ngay cả khi cạn kiệt nguyên liệu, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn đến tay thực khách".

Một số ý kiến trên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay KFC và hỏi rằng tại sao ngay từ đầu KFC không tìm kiếm hợp tác với các nhà cung cấp địa phương.

Giám đốc điều hành Hội đồng Khoai tây quốc gia của Kenya, Wachira Kaguongo, nói với truyền thông địa phương rằng nước này sản xuất 62 giống khoai và khẳng định “với sự sắp xếp hợp lý, quy hoạch phù hợp”, họ có thể đáp ứng cho KFC.

Tại Nhật Bản, các cửa hàng McDonald’s đã ngừng cung cấp các món khoai tây chiên cỡ vừa và lớn vào cuối tháng trước. Ảnh: Bloomberg News.

Dù có đại dịch Covid-19 hay không, tình trạng thiếu khoai tây vẫn xảy ra do thời tiết xấu, mất mùa hoặc tranh chấp lao động.

Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Mỹ là những nhà sản xuất khoai tây hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, năm ngoái, nông dân Mỹ đã tiêu hủy hàng triệu củ khoai tây sau khi giãn cách xã hội, việc đặt hàng tại nhà khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.

Theo một báo cáo vào tháng 11/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vụ khoai tây của Mỹ đã giảm 2% vào năm 2021.

Theo USDA, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ khoai tây ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Nhật Bản có hơn 3.000 cửa hàng McDonald’s, họ nhập khẩu khoai tây được trồng ở Mỹ và gửi bằng tàu biển từ Bắc Mỹ.

McDonald’s Nhật Bản đã xem xét chuyển khoai tây bằng máy bay để đáp ứng nhu cầu cho đến khi nguồn cung dự phòng ở Vancouver được giải quyết. Nhưng sau trận lở tuyết vào đầu tháng một, các lô hàng tiếp tục bị trì hoãn, họ thông báo sẽ tiếp tục bán khoai tây chiên cỡ nhỏ trong ít nhất một tháng tới.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-khan-hiem-khoai-tay-post1288694.html