Thế giới hối hả lo bảo đảm an ninh năng lượng

Chưa bao giờ việc xây dựng và chuẩn bị kế hoạch hình thành các đường ống dẫn khí đốt trong nội bộ châu Âu cũng như giữa hai lục địa Á-Âu lại nhộn nhịp như thời gian gần đây.

Ngày 12/6 Thổ Nhĩ Kỳ đã khai trương một đường ống dẫn đưa khí đốt từ Azerbaijan tới châu Âu.

Dự án đường ống dẫn khí xuyên Anatolia (TANAP) có trị giá 8,5 tỷ USD; một đầu kết nối với hệ thống đường ống Nam Caucasus dẫn khí đốt từ 2 mỏ khai thác trên biển Caspia của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ; đầu còn lại kết nối với hệ thống đường ống dẫn xuyên biển Adriatic dẫn khí qua Hy Lạp và Albania để tới Italy.

Việc khai trương TANAP đã góp phần hoàn thiện dự án dẫn khí Á-Âu mang tên hành lang khí đốt phía nam trị giá 40 tỷ USD đã đi vào vận hành từ cuối tháng 5 vừa rồi.

Trước đó, Nga và Đức bắt đầu triển khai dự án Nord Stream 2 (còn gọi là Dòng chảy phương Bắc 2) có chiều dài 1.225 km, xuất phát từ vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức, trong đó có 85 km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức.

Dự án trị giá 9,5 tỷ euro này là liên doanh của các tập đoàn Gazprom (Nga), Engie (Pháp), OMV AG (Áo), Royal Dutch Shell (Anh) và Uniper and Wintershall (Đức).

Đáng chú ý, mới đây, tờ Business Standard đưa tin Nga và Pakistan đã hoàn tất bản nghi nhớ để tiến hành "nghiên cứu khả thi" một đường ống dẫn khí đốt dưới biển.

Theo đó, dự án này sẽ đi qua 4 nước là Pakistan, Iran, Nga, Ấn Độ.

Các dự án trên cho thấy, tuy đã có rất nhiều đường ống dẫn khí đốt nhưng cả Nga cũng như các nước châu Âu, châu Á đang tập trung mọi nỗ lực để giải quyết bài toán năng lượng do nhu cầu ngày càng gia tăng ngay trong nội bộ châu Âu cũng như xuyên lục địa Á-Âu. Những kế hoạch này cũng lường trước đế tránh những tác động xấu khi xảy ra biến cố có thể diễn ra trong bất cứ hoàn cảnh nào trong tương lai.

Tuyết Minh (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/the-gioi-hoi-ha-lo-bao-dam-an-ninh-nang-luong/338949.vgp