Thế giới Hồi giáo: Những vết rạn trăm năm

Những mối hiềm khích, những sự chia rẽ, những xung đột đến mức độ bất khoan dung trong lòng thế giới Hồi giáo Trung Đông - Bắc Phi hiện tại thường được lý giải trên cơ sở là một nguyên nhân dễ nắm bắt nhất: Sự khác biệt về giáo lý mang tính khởi thủy, giữa hai hệ phái Hồi giáo chính: Sunnite và Shi'ite.

Song, thực ra, nếu lần ngược lại dòng lịch sử cận đại, sẽ có nhiều khía cạnh khác cũng rất đáng chú ý, về những mâu thuẫn trầm tích trong nội tại cộng đồng các quốc gia Hồi giáo - Arab.

Cái chết lâm sàng của Đế quốc Ottoman

Đó chính xác là điểm bắt đầu của tiến trình vẽ lại bản đồ Trung Đông. Mà không chỉ Trung Đông, những mảnh vỡ của đế quốc một thời oanh liệt ấy cũng còn in hằn lên cả phần bản đồ thế giới ở Tây Á hay Đông Nam Âu.

Từ bán đảo Balkan đến dãy Kavkaz, từ Biển Đen đến vùng Sừng châu Phi bên bờ Hồng Hải, hàng loạt quốc gia non trẻ thoát thai từ đống tro tàn của thứ quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ ấy.

Tất cả những sử gia danh tiếng nhất của thời cận đại đều đã viết về họ - đế quốc kế thừa đế quốc Hồi giáo của Giáo chủ Mohammed, những chiến binh từng khiến cả châu Âu run sợ, xóa sổ đế quốc Đông La Mã, lấn át đế chế Habsburg (Áo - Hung), nắm quyền khống chế khu vực mệnh danh là "ngã ba thế giới".

Tiêu biểu, có thể nhắc đến Will Durant, với bộ Lịch sử các nền văn minh kinh điển. Và ở Việt Nam, trên căn bản là những trước tác của ông, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng bỏ rất nhiều tâm sức khắc họa những chuỗi thăng trầm, của cả Ottoman lẫn những mảnh vỡ kế thừa nó, qua khá nhiều tác phẩm biên khảo lịch sử.

Nhưng, chúng ta không nhất thiết phải nhắc đến cả một câu chuyện dài đầy sắt máu và tiếng gươm khua, kể từ khi những chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ (mà nguồn cội trong thư tịch Hán văn cổ phương Đông gọi là Đột Quyết) đầu tiên trỗi dậy.

Quốc vương Ibn Seoud bên Tổng thống Mỹ Roosevelt.

Câu chuyện của chúng ta lần này chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVIII, khi đế quốc Ottoman đã suy bại, đã để mất lãnh thổ Hungary và Transylvania (Romania hiện tại) vào tay nước Đức, đã phải chịu dâng hải cảng Azov cho nước Nga, đã mất miền Tây Ukraine vào tay Ba Lan…, và bị Nga hoàng Nicolas I gọi một cách miệt thị là "con bệnh của châu Âu".

Trước đó, đến lúc bị đày ra đảo Saint Helene, Napoleon Bonaparte vẫn còn tiếc nuối: "Đáng lẽ tôi phải cùng nước Nga chia đôi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, Constantinople (Istanbul ngày nay) đã luôn cứu Ottoman. Nó làm chúng tôi lúng túng. Chiếc chìa khóa đó quá quý giá! Một mình nó cũng có giá trị bằng cả một đế quốc rồi. Ai có được nó, sẽ có thể là bá chủ của thế giới".

Và dĩ nhiên, chẳng ai để cho người khác một mình độc chiếm "chiếc chìa khóa" mở thông Biển Đen với Địa Trung Hải, nối Đông Âu với châu Á ấy. Các cường quốc Anh, Pháp, Nga, Đức kiềm chế lẫn nhau, nhưng cũng đồng lõa với nhau để duy trì một chính quyền trung ương Thổ Nhĩ Kỳ yếu ớt.

Hệ quả của nó, đương nhiên, là tiến trình ly khai giành độc lập của các vùng lãnh thổ. Và trong tiến trình ấy, những thứ lợi ích vô song - đòn bẩy của mọi toan tính chính trị trong lịch sử loài người - xuất hiện.

Năm 1869, khi kênh đào Suez nối Hồng Hải với Địa Trung Hải (công trình liên kết của nước Pháp thời Napoleon III và Ai Cập - lúc đó vẫn còn là thuộc địa của đế quốc Ottoman) khánh thành, đến cả một người mơ mộng như thi sĩ Pháp Lamartine cũng nhận thấy: Nếu phải chiến đấu với chúng ta cả thế kỷ trên Địa Trung Hải thì nước Anh cũng sẵn sàng, chứ họ quyết không để con kênh này lọt vào tay người khác.

Và năm 1909, nước Anh tìm thấy dầu hỏa ở Ba Tư (Iran ngày nay), rồi thành lập công ty Dầu lửa Ba Tư (Persian Oil).

Bốn năm sau, năm 1913, một cuộc "chiến tranh dầu lửa" bùng nổ. Khi ấy, đế quốc Ottoman đã mất đến hơn một nửa lãnh thổ, chỉ còn quyền kiểm soát bán đảo Tiểu Á, vùng Anatolia và Trung Đông.

Những dòng "vàng đen" trở thành chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của một thiết chế quyền lực đã đến giờ hấp hối. Iraq, Kuwait, Qatar, Bahrain… liên tục phát hiện những mỏ dầu, hấp dẫn đám cường quốc tư bản hành động quyết liệt hơn, theo cách mà học giả Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Bán đảo Ảrập - thảm kịch Hồi giáo và dầu lửa (xuất bản năm 1968), nhận xét: "Vì kênh đào Suez mà Ai Cập mất chủ quyền, thì bây giờ, vì những mỏ dầu lửa mà đế quốc Thổ sẽ phải cáo chung. Các bác sĩ Âu châu cho con bệnh Thổ sống dai dẳng vậy kể đã lâu quá rồi".

Và cuối cùng, năm 1920, điều gì phải đến cũng đến. Ottoman đứng về phe Đức - Áo - Hung trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, phe thua cuộc. Anh và Pháp, những kẻ chiến thắng, cắt xẻ tan nát những phần còn sót lại của cái đế quốc chỉ còn trên danh nghĩa ấy.

Vùng Thrace ở Tây Bắc bán đảo Tiểu Á cho Hy Lạp. Một mảnh Tây Nam trên bờ Địa Trung Hải cho Italy. Miền Armenia được trở thành quốc gia độc lập. Phía dưới Armenia trở thành khu tự trị Kurdistan cho người Kurd. Pháp chiếm hết cả Iraq lẫn Syrie ngày nay, trong khi Anh chiếm hết cả Iran lẫn duyên hải bán đảo Arab, bên bờ vịnh Persic.

Những điều khoản này thuộc về cái gọi là Hiệp ước Serves, một hiệp ước nhục nhã mà hoàng đế Mahomed VI bắt buộc phải ký, chính thức xác nhận sự sụp đổ của đế quốc Ottoman.

Trong cả chặng đường này, đã nổi lên những điểm nhấn vẫn sẽ còn tiếp tục trở thành tiền đề chia rẽ cho Trung Đông cũng như thế giới Hồi giáo cho đến tận bây giờ: Những vị trí địa lý yết hầu, nguồn lợi từ dầu mỏ, lòng kiêu hãnh bị tổn thương, những khoảng trống quyền lực cùng tham vọng quật khởi...

Và đặc biệt, chi phối tất cả mọi vận động: Những tính toán nhằm cạnh tranh ảnh hưởng cũng như giành giật lợi ích trên bàn cờ địa chính trị khu vực này, của các đại cường.

Lãnh thổ đế quốc Ottoman năm 1863.

Cuộc quật khởi của Kemal

Không còn thuộc đế quốc Ottoman đã tan rã, nhưng hầu hết những quốc gia Hồi giáo ở khu vực nhìn ra ba châu lục (Âu - Á - Phi) lúc ấy vẫn còn phải vượt qua những chặng đường không ít gian nan, để có được nền độc lập đích thực cho mình.

Trên hành trình đó, không chỉ một lần, giữa họ đã phát sinh xung đột với nhau, về cả tầm ảnh hưởng lẫn lợi ích. Thông qua sự nghiệp chính trị của những "người hùng" một thuở, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được những vết rạn nứt còn âm thầm tồn tại đến tận bây giờ. Và đối chiếu với hiện tại, không phải là không có những nét tương đồng nhất định.

"Người hùng" đầu tiên của khối Hồi giáo - Arab cần phải nhắc tới, không thể ai khác, là Mustafa Kemal - người được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tôn xưng là "Ataturk" (người cha của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại).

Xuất thân là một quân nhân, một sĩ quan quân đội thấm đẫm tinh thần tự tôn Ottoman, ông "đau lòng nhìn Anh chiếm cứ Darnaelles và Bosphore, Pháp chiếm Istanbul, Ý đóng quân ở Pera" khi Đệ nhất thế chiến kết thúc. Trong cuộc chiến đó, ông từng ba lần đẩy lui liên quân Anh - Pháp khi trấn thủ Darnaelles.

Ngay khi Hiệp ước Serves được ký, Mustafa Kemal đã hiệu triệu được toàn dân nổi dậy hậu thuẫn cho mình, trong thế kẹt giữa làn đạn của cả triều đình lẫn phe ngoại cường Anh - Pháp - Ý.

Cũng may, ông bắt tay được với nước Nga Xôviết non trẻ (vốn cũng đang cần lan tỏa tầm ảnh hưởng và tư tưởng cách mạng), để nhận được một số vũ khí cần thiết. Cũng may, Anh - Pháp - Ý đã khá mỏi mệt sau Thế chiến I, nên đẩy Hy Lạp (đang khao khát một vị thế mới sau khi thoát ách thuộc địa Ottoman) lên tuyến đầu.

Hy Lạp đại bại. Không cường quốc nào tiếp tục động binh. Nước Pháp đứng ra làm trung gian đàm phán. Năm 1922, vua Thổ Nhĩ Kỳ bị phế truất. Năm 1923, các cường quốc phương Tây triệt thoái hết quân đội. Mustafa Kemal trở thành một biểu tượng giành độc lập của thế giới Hồi giáo.

Nhưng đầu tiên, ông trở thành một nhà "độc tài sáng suốt" của riêng nước Thổ Nhĩ Kỳ, vô cùng độc đoán, vô cùng táo bạo, và thậm chí cứng rắn đến tàn nhẫn. Sau khi truất phế vương quyền (chế độ Sultanat), ông lật nhào cả thần quyền (chế độ giáo chủ Hồi giáo Califat).

Nhà nước của ông là một nhà nước hoàn toàn có tính cách thế tục, điều hết sức khác biệt so với những người láng giềng Arab giành độc lập sau đó. Ông bỏ lịch Hồi giáo, đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang dùng lịch phương Tây thông dụng.

Bên cạnh đó, ông sẵn sàng theo đuổi các biện pháp mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Hai triệu người Hy Lạp bị đuổi khỏi đất Thổ Nhĩ Kỳ, và đổi lại, những người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hy Lạp cũng buộc phải trở về.

Những người nước ngoài (Ai Cập, Syria, Ba Tư, Arab…) sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa nhập tịch phải có những dấu hiệu phân biệt với người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ ở y phục. Những điều này, ở nhiều góc độ, khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ thời điểm lập quốc ấy đã có tính cách khá biệt lập và "bất cần".

"Bất cần" là điều thể hiện rõ nhất qua chính sách đối ngoại nhất quán của Mustafa Kemal. Năm 1923 ấy, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia kiệt quệ, quốc khố trống rỗng, dân số sụt giảm chỉ còn khoảng 10 triệu người. Song, Kemal nhất định không nhận bất cứ khoản đầu tư được mời chào nào, dù là để đẩy nhanh tiến trình tái kiến thiết đất nước.

Ông khẳng định: "Cách dễ dàng nhất để mất độc lập là nhận tiền của người khác!".

Ông áp dụng triệt để một chính sách nội trị "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt, để đưa đất nước vượt qua cơn khốn khó ấy. Ông cũng may mắn, vì như học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá: "Thực dân thời đó chưa nham hiểm, quỷ quyệt như thời nay".

Và, ông từ chối việc tiếp nhận vai trò "ngọn cờ Thánh chiến" chống Thiên Chúa giáo phương Tây, vai trò mà những phần tử Hồi giáo cực đoan gợi ý cho ông. Sau khoảng bảy tám năm, đất nước của Mustafa Kemal thực sự đã hồi sinh.

Lawrence, Ibn Saud và Saudi Arabia hiện đại

Sau Kemal, người thứ hai cần phải nhắc đến với những tác động mạnh mẽ vào hành trình tìm kiếm độc lập của các nước thuộc cộng đồng Hồi giáo lại không phải là một người Arab, mà là một người Anh - Thomas Edward Lawrence (1888-1935), một nhân vật huyền thoại.

Xuất phát điểm trong tư tưởng của Lawrence rất đơn giản: Nếu Bộ tổng tham mưu quân đội Anh ở Ai Cập cho rằng cần điều động thêm quân đội để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ (trong Đệ nhất thế chiến), thì với ông, tốt nhất là nên khích động tinh thần độc lập của người Arab.

Vì vậy mà ông - một con người tài hoa mẫn tiệp, một nhà phiêu lưu đầy tính nghệ sĩ, một tâm hồn gắn bó với văn hóa Arab - đã tự biến mình thành một người Arab đúng nghĩa. Chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ, một người châu Âu nào được yêu mến bởi cộng đồng Arab đến thế.

Từ những năm 1915-1916, ông đã trở thành bộ não của những cuộc quật khởi trên bán đảo Arab. Ông chỉ huy những cuộc đột kích quân Thổ. Ông suy tôn Faycal - con trai của quốc vương La Mecca Hussein - làm thủ lĩnh, làm ngọn cờ tập hợp.

Ông dẫn đầu những cuộc du kích chiến, vận động chiến, và cuối cùng chiếm được Damas (thủ đô Syria hiện tại) - một đô thị cực kỳ quan trọng của thế giới Hồi giáo.

Và khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc, căn cứ vào một lời hứa từ phía nước trong chiến tranh, căn cứ vào tuyên bố của Tổng thống Mỹ Wilson về "quyền dân tộc tự quyết", Lawrence chờ đợi đoạn kết viên mãn cho những người Arab mà ông yêu mến và gắn bó: Syria sẽ thuộc về Faycal; vùng Thượng Lưỡng Hà cho Zeid; và vùng Hạ Lưỡng Hà cho Abdullah.

Ba vùng đó hợp thành một liên bang, dưới quyền cai trị của Hussein, nghĩa là cha con Hussein sẽ làm chủ gần trọn bán đảo Arab trong tư cách là quốc gia độc lập.

Song, nước Anh nuốt lời. Bởi vì, nước Pháp đòi phần của mình ở Trung Đông, và sẵn sàng đẩy vào tay nước Anh cả quyền ủy trị Lưỡng Hà lẫn Palestine. Quân Pháp tiến đánh Damas năm 1920. Người Anh im lặng. Faycal bị đuổi khỏi thành đô của mình.

Tất cả câu chuyện này trở thành nỗi ám ảnh ông đến tận cuối đời, khi ông qua đời vì một tai nạn, lúc toàn bộ quyền lực của gia tộc Hussein ở La Mecca (thuộc Saudi Arabia hiện tại, để phân biệt với những Hussein khác) đã sụp đổ, trong sự hờ hững của người Anh.

Lawrence của Arab – một hình ảnh huyền thoại đã được khắc họa trong cả văn học lẫn điện ảnh thế giới.

Sai lầm ấy của Lawrence - quá ngây thơ trước những toan tính chính trị của các cường quốc - đã không lặp lại ở một người hùng Arab khác: Ibn Saud.

Ibn Saud là vương hiệu của Abdul Aziz, thuộc dòng dõi hoàng gia tại kinh thành Riyadh (thủ đô Saudi Arabia hiện tại). Kể từ khi trở lại được ngôi vua (năm 1906) sau những trầm luân kinh khủng đã từng nhấn chìm cả gia tộc mình, ông đã thấu hiểu được tầm quan trọng của sự khôn khéo trong đường lối ngoại giao, ở một khu vực mà tất cả mọi cường quốc đều nhòm ngó như Trung Đông.

Từng bị nước Anh lạnh nhạt, nhưng Ibn Saud vẫn giữ quan hệ ngoại giao với người Anh, đặt cơ sở cho việc từng bước tập trung lực lượng, từng bước mở rộng lãnh thổ, thống nhất (sáp nhập hoặc đàn áp) các nhóm Arab rời rạc thành một khối.

Đệ nhất thế chiến, cả hai phe ở châu Âu đều ve vãn Ibn Saud. Ông giữ quan hệ với tất cả, nhưng chẳng hứa hẹn gì với ai. Chiến tranh kết thúc, xuất kỳ bất ý, đúng như phong cách cầm quân đặc trưng của mình, Ibn Saud tiến thẳng tới La Mecca, đánh đuổi nhà Hussein.

Sự đã rồi, nước Anh đành công nhận đây "là chuyện riêng của người Arab, và nước Anh sẽ không can thiệp, theo đúng tinh thần dân tộc tự quyết".

Chỉ chờ có thế, Ibn Saud tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng không dân tộc Hồi giáo nào khác có thể bảo đảm tự do cho thánh địa La Mecca, khi trong số họ không có một dân tộc nào tự do. Người Ấn Độ, người Iraq, người Transjordanie (Jordanie ngày nay) và người Ai Cập đều bị Anh thống trị. Lebanon và Syria là thuộc địa của Pháp. Tripolitane (Lybia) là thuộc địa của Ý. Chỉ có mình tôi xứng đáng làm chủ đất thánh này!".

Nghĩa là, khác với Mustafa Kemal, giương cao ngọn cờ Hồi giáo chính thống, Ibn Saud giành lấy vị thế người lãnh đạo của cả cộng đồng.

Khi ông đưa quân xuống gần vùng Yemen (phía Nam bán đảo Arab), người Anh phải điều đình với ông. Nhờ vậy, Oman và Yemen được trao quyền độc lập. Ông trở thành nhà vua của một quốc gia rộng lớn, mang tên Saudi Arabia (Quốc gia Arab của dòng họ Saud).

Ông chấn hưng luân lý Hồi giáo. Ông lấy những điều răn trong Kinh Coran làm pháp luật, và áp dụng cả những điều khoản khắc nghiệt nhất (như ăn trộm lần đầu thì chặt một tay, tái phạm thì chặt nốt tay kia, giết người thì đền mạng).

Nhờ đó, Jean Paul Penez, một học giả Pháp, phải thốt lên: "Tội sát nhân hay cướp bóc ở Saudi Arabia trong một năm ít hơn ở Paris trong một ngày".

Rồi dầu hỏa cũng đã được tìm thấy ở Saudi Arabia, năm 1930. Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Nga, Nhật…đều cử đại diện tới đặt vấn đề đầu tư khai thác. Ibn Saud chọn công ty Gulf Oil của Mỹ, lý do là bởi chủ nghĩa biệt lập cũng như khoảng cách địa lý với nước Mỹ khi đó không đe dọa đến chủ quyền của Saudi Arabia.

Ông đã sớm xác định: "Độc lập về chính trị làm gì, nếu không có độc lập về kinh tế?".

Ông đẩy mạnh các chương trình giáo dục, bởi muốn thấy người Arab tự khai thác tài nguyên, chứ không cần nhờ đến các cường quốc. Ông quá hiểu những cạm bẫy của những dòng tiền đầu tư từ tài phiệt nước ngoài.

12 năm sau, nhân các diễn biến của Đệ nhị Thế chiến, Ibn Saud khôn khéo bắt tay với Mỹ, xóa sạch toàn bộ tàn dư ảnh hưởng của đế quốc Anh trên bán đảo Arab.

Thông qua những hợp đồng khai thác dầu mỏ, từ đó đến hiện tại, Saudi Arabia luôn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông. Và bởi vậy, họ cũng luôn luôn là cường quốc hàng đầu khu vực, có thể áp đặt chính kiến của mình lên những người láng giềng.

Tiêu biểu, có thể nhắc tới cuộc bao vây cấm vận Qatar vẫn còn đang tiếp diễn, mà Saudi Arabia là lãnh tụ. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa họ với Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng mặn mà.

Câu chuyện không hồi kết

Mustafa Kemal và Ibn Saud là những người tiên phong, trong tiến trình giành độc lập cho những phần của thế giới Hồi giáo từng được gom cả vào đế quốc Ottoman.

Họ đều đã tự phải cố gắng phát huy cao nhất thực lực ít ỏi của mình, và cũng đều phải chống chọi với những tính toán "chia chác" lợi ích (vị trí địa lý và dầu mỏ) cũng như tầm ảnh hưởng của các cường quốc, để tìm ra được con đường thành công.

Trong hành trình đó, để bảo đảm lợi ích cho dân tộc mình, tổ quốc mình, họ cũng không ngại ngần xâm phạm vào lợi ích của những dân tộc khác, đất nước khác.

Sau họ, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một loạt quốc gia Hồi giáo Trung Đông - Bắc Phi nữa đón nhận độc lập: Ai Cập, Algeria, Iraq, Iran, Lybia…

Lần này, bên cạnh những nỗ lực cá nhân, bên cạnh những "người hùng" kiểu Nasser (tổng thống đầu tiên của Ai Cập), còn có sức tác động rất lớn từ bối cảnh chung, trong một thế giới bị cuốn vào Chiến tranh Lạnh, đồng thời tinh thần giải phóng dân tộc dâng đến cao trào, mà đỉnh điểm là chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu" của quân dân Việt Nam ở tận rìa phía Đông của châu Á.

Song, những mầm mống chia rẽ trong cộng đồng Hồi giáo từ xa xưa, cho đến giờ cũng vẫn còn đó. Kể cả sự xuất hiện của một quốc gia Do Thái - Israel - trong lòng thế giới Arab cũng không xóa nhòa được những khoảng cách.

Mối hiềm khích giữa các gia tộc lâu đời, mâu thuẫn giữa các thuộc địa cũ với đế quốc cũ, xung đột giữa những chủng tộc, khác biệt về giáo lý… thậm chí còn có những lúc đã lại được đào sâu thêm bởi chất xúc tác vô cùng nguy hiểm: Nguồn lợi dầu mỏ. Iraq tiến quân thôn tính Kuwait vì thế, mà suy tàn cũng vì thế.

Trên tất cả, không còn như ngày ấy, các đại cường mỗi lúc một can thiệp sâu hơn, tinh vi hơn và thậm chí quyết liệt hơn vào cục diện khu vực này.

Họ cần những mâu thuẫn để bảo đảm, củng cố và tăng cường vị thế của mình. Họ cần những cuộc xung đột "thử nghiệm" cho tiến trình tái sắp xếp trật tự thế giới, để gây sức ép và để đàm phán, để "ra giá" và để "trả giá".

Syria đang sa lầy trong tấn thảm kịch ấy, một cuộc chiến tranh ủy nhiệm được quốc tế hóa. Và ở đó, không chỉ có cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ, mà Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia cũng đang làm tất cả để giành lấy địa vị cường quốc hàng đầu khu vực cho mình…

Đông Thiên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/24cuthang__-the-gioi-hoi-giao-nhung-vet-ran-tram-nam-509002/