Thế giới ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm COVID-19 trong ngày

Trong ngày 1/10, toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 19/9 (319.406) và là ngày có số ca nhiễm mới gần với con số kỷ lục nhất được ghi nhận vào ngày 18/9 (322.689).

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 11h30' ngày 2/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 34.481.669 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.027.653 ca tử vong. 1/5 số ca nhiễm và tử vong được ghi nhận tại Mỹ (7.494.671 ca nhiễm và 212.660 ca tử vong). Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới với 6.394.068 ca, trong khi Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ 2 sau Mỹ là 144.767 ca.

Xét theo khu vực, châu Á hiện là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với 10.754.650 ca, Bắc Mỹ đứng thứ 2 với 8.956.834 ca. Khu vực Nam Mỹ đứng thứ 3 với 8.144.605 ca nhiễm, trong khi châu Âu đứng thứ 4 với hơn 5 triệu ca. Châu Phi hiện ghi nhận gần 1,5 triệu ca, trong khi số ca nhiễm ở châu Đại Dương hiện là 31.4074 ca.

Tại châu Á, sau Ấn Độ, các nước như Iran, Iraq, Bangladesh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Pakistan đều đã ghi nhận hơn 310.000 ca nhiễm.

Tại tâm dịch châu Á, Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo tiếp tục tạm đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, biện pháp hạn chế này không áp dụng đối với các chuyến bay chở hàng hóa quốc tế cũng như các chuyến bay đặc biệt được DGCA cấp phép.

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ấn Độ vẫn quyết định nới lỏng thêm một số biện pháp hạn chế để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền liên bang đã cho phép các bang mở lại trường học và rạp chiếu phim. Bang phát triển nhất Ấn Độ Maharashtra tuyên bố cũng sẽ cho phép các quán bar, quán ăn và nhà hàng hoạt động bình thường trở lại.

Tại Bắc Mỹ, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sau Mỹ là Mexico ghi nhận 743.216 ca nhiễm. Những nước như Canada, Panama và CH Dominica đều ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm. Những con số tương tự của Nam Mỹ cao hơn nhiều. Brazil bị ảnh hưởng nhiều nhất với 4.89.229 ca nhiễm, Colombia và Peru đã ghi nhận hơn 810.000 ca nhiễm, trong khi Argentina có 765.002 ca. Con số này ở Chile đã lên tới 464.750 ca.

Tình hình ở châu Âu cũng khá nghiêm trọng. Nga là nước ảnh hưởng nhiều nhất. Nước này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục trong ngày 1/10, với 8.945 ca - cao nhất kể từ ngày 12/6 vừa qua. Như vậy, tổng cộng đã có 1.185.231 người tại Nga mắc COVID-19 (cao thứ 4 thế giới), trong đó có 20.891 ca tử vong. Thị trưởng Moskva - ông Sergei Sobyanin đã ra lệnh cho các doanh nghiệp tại thành phố này điều động tối thiểu 30% số nhân viên làm việc từ xa kể từ ngày 5/10 để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Theo ông Sobyanin, số người mắc COVID-19 nhập viện ở Moskva đã tăng khoảng 5.000 người/tuần và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này tại Moskva lần đầu tiên tăng lên mức trên 19%.

Sau Nga là Tây Ban Nha với 778.607 ca, Pháp với 577.505 ca, Anh có 460.178 ca trong khi Italy là 317.409 ca, Đức là 295.530 ca và Ukraine đã ghi nhận 213.028 ca.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 1/10 đã ban hành sắc lệnh gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại khu vực thủ đô Madrid, bao gồm lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực trong 48 giờ tới. Hiện thủ đô Madrid là địa phương duy nhất ở Tây Ban Nga có tỉ lệ lây nhiễm cao, 780 ca/100.000 người, trong khi tỉ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác của nước này là 300 ca/100.000 người. Tây Ban Nha hiện là nước có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nước thành viên EU và nước này đang ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19 với hơn 760.000 ca nhiễm, bao gồm 31.000 ca tử vong.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran ngày 1/10 cho biết khu vực thủ đô Paris đã vượt qua 3 ngưỡng cảnh báo tối đa về tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Veran tiết lộ nhà chức trách Pháp sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu diễn biến của đại dịch COVID-19 trong khu vực lên tới mức cảnh báo cao nhất.

Tại châu Đại Dương, bang Victoria - bang đông dân thứ hai của Australia và cũng là tâm dịch tại nước này - đã ghi nhận ca tử vong thứ 800 do COVID-19 dù số ca mắc mới duy trì ổn định. Hiện bang Victoria chiếm 90% trong tổng số 886 ca tử vong do COVID-19 trên toàn Australia. Giới chức y tế bang cũng công bố thêm 15 ca mắc mới, theo đó số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần giảm xuống mức dưới 16 ca. Số ca mắc trong ngày giảm sau khi chính quyền thủ phủ Melbourne của bang Victoria áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các biện pháp này dự kiến sẽ duy trì hiệu lực cho đến khi số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần tại bang giảm xuống dưới 5 ca.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2 trên cả nước Australia có dấu hiệu giảm, bang Queensland thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các quán rượu, địa điểm ăn uống và câu lạc bộ có thể tăng gấp đôi số lượng khách được phục vụ ngoài trời, trong khi số lượng người tham dự các sự kiện ngoài trời có thể lên tới 1.000 người.

Tại châu Phi, 3 nước đứng đầu là Nam Phi với 676.084 ca, Maroc với 126.044 ca và Ai Cập ghi nhận 103.317 ca.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/the-gioi-ghi-nhan-hon-300000-ca-nhiem-covid19-trong-ngay/409275.vgp