Thế giới ghi nhận hơn 19 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo thống kê của worldometers, tính đến 9h30' sáng 7/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 19,25 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 717.680 ca tử vong. Hơn 12,35 triệu bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi và trong số hơn 6,18 triệu bệnh nhân đang được điều trị có hơn 65.200 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 5 triệu ca mắc bệnh và 162.804 ca tử vong. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong, con số cao nhất được ghi nhận trong vòng 3 tháng qua.

Tổng thống Donald Trump ngày 6/8 tuyên bố có khả năng Mỹ sẽ có vaccine phòng bệnh trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới, một dự đoán lạc quan hơn rất nhiều so với thời điểm được các chuyên gia y tế Nhà Trắng đưa ra.

Mặc dù tình trạng dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và làn sóng dịch thứ hai đang diễn ra tại một số bang, song Tổng thống Donald Trump vẫn thúc giục các trường học mở cửa trở lại và đưa mọi hoạt động xã hội trở lại mức bình thường. Cho đến nay, ông Trump vẫn rất lạc quan về sự phục hồi kinh tế khi vaccine được đưa vào sử dụng. Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ có vaccine cũng như các liệu pháp điều trị COVID-19 rất sớm".

Trước đó, ngày 5/8, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ chi 1 tỷ USD để có được 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson nếu hãng này bào chế thành công.

Brazil, vùng dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, trong 24 giờ qua ghi nhận 54.801 ca nhiễm mới và 1.226 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2,9 triệu và 98.644 ca tử vong.

Tại châu Á, Ấn Độ đang là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực và thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil với hơn 2 triệu ca mắc bệnh và 41.638 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm, với 62.170 người mắc mới.

Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho biết, đến nay, nước này đã tiến hành tổng cộng 22,1 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có khoảng 665.000 lượt trong ngày 5/8. Như vậy, tỷ lệ xét nghiệm đã tăng lên mức 15.568 xét nghiệm/1 triệu dân.

Công ty dược phẩm Zydus Cadila của Ấn Độ sẽ bắt đầu giai đoạn 2 quá trình thử nghiệm lâm sàng để xác định tính hiệu quả của vaccine ZyCoV-D trong phòng chống COVID-19. Vaccine này đã được chứng minh là an toàn và đáp ứng tốt trong giai đoạn 1.

Số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã cao hơn nước láng giềng Indonesia và trở thành quốc gia có số ca bệnh cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 6/8, Philippines ghi nhận 3.561 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 119.460 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.150 người sau khi có thêm 28 người chết. Việc gia tăng các ca mắc và ca tử vong mới ở trong và các khu vực xung quanh thủ đô Manila đã buộc giới chức Philippines tái áp đặt lệnh phong tỏa gây ảnh hưởng đến khoảng 1/4 số dân của đất nước gồm 107 triệu người này.

Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 2/8 thông báo phong tỏa 2 tuần đối với thủ đô Manila và các vùng lân cận, khu vực đóng góp 2/3 sản lượng kinh tế của Philippines. Lệnh phong tỏa này có hiệu lực từ ngày 4/8. Philippines tái áp đặt các biện pháp hạn chế sau khi một nhóm bác sĩ và y tá cảnh báo rằng hệ thống y tế của nước này có thể sẽ sụp đổ nếu các ca nhiễm tiếp tục tăng lên.

Tại châu Âu, Nga thông báo có thêm 5.267 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 871.894, cao thứ 4 thế giới. Tổng số ca tử vong tại Nga đã lên tới 14.606 sau khi giới chức thông báo có 116 người tử vong trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc vệ sinh bởi sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm mới trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Đức cho biết hiện tại đã có nhiều ổ dịch nhỏ xuất hiện tại các lễ kỷ niệm của các gia đình hoặc tại nơi làm việc. Theo truyền thông Đức, lần đầu tiên sau 3 tháng, Viện Robert Koch (RKI) đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới tại Đức trong vòng 24 giờ, trước đó, ngưỡng 1.000 ca nhiễm mới trong một ngày lần cuối được xác định vào ngày 7/5.

Slovakia, một trong số các quốc gia có số ca tử vong thấp nhất châu Âu, đã ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong vòng hơn 3 tháng qua với 63 trường hợp. Theo số liệu mới nhất công bố ngày 6/8, tổng số ca bệnh tại Slovakia đã tăng lên 2.480 trường hợp, trong đó 1.824 người đã hồi phục. Tuần trước, quốc gia Trung Âu này ghi nhận ca tử vong đầu tiên kể từ giữa tháng 5, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 29 trường hợp. Tuy nhiên, Bộ Y tế Slovakia cho biết nước này đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tại châu Phi, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực này thông báo, có 10 quốc gia thực hiện các xét nghiệm COVID-19 chiếm 80% các xét nghiệm COVID-19 đang được tiến hành trên toàn châu lục, cho thấy có rất ít xét nghiệm đang được thực hiện ở các nước còn lại tại lục địa rộng lớn này.

Theo CDC châu Phi, số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đang gia tăng mạnh và tiệm cận mốc 1 triệu ca trong tuần này. Các chuyên gia cho rằng, số người được xét nghiệm ở mức thấp tại nhiều nước đồng nghĩa với việc tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 có thể còn cao hơn nhiều so với báo cáo ghi nhận.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/the-gioi-ghi-nhan-hon-19-trieu-ca-nhiem-covid19/403486.vgp