Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ

Ngày 15-9-2008, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu trở nên căng thẳng với sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers. Cú sốc tài chính diễn ra từ năm 2008 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Mười năm sau, thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ cuộc khủng hoảng mới.

Trận “đại hồng thủy” trong ngành ngân hàng

Ngày 15-9-2008, ngân hàng Mỹ Lehman Brothers Holdings nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của nước này là Merrill Lynch đã tuyên bố sáp nhập với Bank of America với trị giá 50 tỷ USD, do thua lỗ bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trước đó, ngân hàng Bear Stearns cũng đã được bán cho JP Morgan trong tháng 3-2008 với nguyên nhân tương tự.

Ngày 19-9-2008, Chính phủ Mỹ đưa ra kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay thế chấp có tính thanh khoản yếu và các tài sản khác liên quan đến nợ xấu của ngân hàng, tập đoàn tài chính. Tuy nhiên, khi khoản trợ cấp này chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, các chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ đã sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, thậm chí, chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ bị "bốc hơi" tới 1.100 tỷ USD.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo thế giới dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng tài chính mới. (ảnh: lesechos.fr).

Vụ Lehman Brothers vỡ nợ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái. 10 nghìn người mất nhà, 8 triệu người mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 của Mỹ lên tới 10%. Một sự kiện hãn hữu tại Mỹ: Nhà nước phải can thiệp vào các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như quốc hữu hóa một phần ngành công nghiệp xe hơi.

Theo thẩm định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Lehman Brothers phá sản đã kéo theo 29 quốc gia vào cơn bão tiền tệ, từ Island đến Tây Ban Nha, từ Ailen đến Hy Lạp. Trận đại hồng thủy trong ngành ngân hàng đã buộc chính phủ nhiều quốc gia hai bên bờ Đại Tây Dương đưa ra những biện pháp cấp cứu hàng nghìn tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tuy đã làm ngơ không cứu Lehman Brothers, để ngân hàng này phải tuyên bố phá sản, nhưng Washington đã huy động 421 tỷ USD để cứu hãng bảo hiểm AIG, cứu ngân hàng Citigroup, Bank of America hay Fannie Mae-Freddie Mac. Ở bên này bờ Đại Tây Dương, châu Âu bơm 500 tỷ USD cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm 1.200 tỷ USD cho các ngân hàng gặp khó khăn.

Những mầm mống tạo khủng hoảng mới

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã chấm dứt kỷ nguyên thống trị của các ngân hàng. Thay vào đó là các tập đoàn quản lý tài sản. Theo Daniela Gabor, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tây England, các ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng ngày nay tài chính ngày càng được tổ chức chặt chẽ. Ít được biết đến với công chúng, những tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ mới này được gọi tên như BlackRock, Vanguard, State Street... Cả ba tập đoàn trên đang sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá 14 nghìn tỷ USD.

Ngân hàng Lehman Brothers trước ngày phá sản (Ảnh: ledevoir.com)

Tuy nhiên, sau 10 năm, thế giới vẫn đang phải đối mặt với những mầm mống có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng mới. Hãng McKinsey Consulting mới đây đưa ra một báo cáo ảm đạm, theo đó 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một dòng nợ mới đã sinh ra với tốc độ phát triển nhanh chưa từng có. Tổng số nợ trên toàn thế giới (các chính phủ, hộ gia đình và các tập đoàn phi tài chính) hiện đang ở mức gần 170 nghìn tỷ USD (147 nghìn tỷ euro). Từ năm 2007 đến năm 2017, gánh nặng này đã tăng thêm 72 nghìn tỷ USD.

Trong lời cảnh báo đưa ra mới đây, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng, thế giới đang đứng trước nguy cơ bước vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới do chính phủ các nước vẫn chưa thể giải quyết triệt để những nguyên nhân gây cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây đúng một thập kỷ. Theo ông Brown, kinh tế toàn cầu đã thất bại trong việc tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm và một hệ thống giám sát dòng chảy tài chính để có thể chỉ ra tiền ở đâu được cho vay và với điều kiện gì. Cựu Thủ tướng Anh nhận định những hành động chống lại sai phạm trong tài chính chưa đủ cứng rắn và nhiều ngân hàng có thể lại được bảo lãnh trong trường hợp khủng hoảng tương lai xảy ra. Điều đó khiến thế giới dễ bị tổn thương trước bất cứ một cuộc khủng hoảng tài chính mới nào.

PHƯƠNG LINH (theo Le Monde, Franceinfo)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-dung-truoc-nguy-co-khung-hoang-no-549520