Thế giới đón 'siêu trăng máu nở hoa' cực dài

Siêu trăng máu đạt đỉnh vào lúc 4h11'28 sáng 16/5 (theo giờ GMT). Phần lớn châu Mỹ, châu Phi và một phần châu Âu sẽ thuận lợi quan sát được hiện tượng này.

Trăng máu. (Ảnh: NASA)

Trăng máu. (Ảnh: NASA)

Đây sẽ là một trong những lần "biến hình" ngoạn mục nhất của Mặt Trăng trong năm 2022, và cũng khiến các nhà thiên văn khắp thế giới tranh cãi về việc nó có "đủ chuẩn" siêu trăng hay không.

"Siêu trăng máu nở hoa" là cái tên được kết hợp bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là siêu trăng: đó không phải một định nghĩa chính thức trong thiên văn, nhưng được xác định tạm theo định nghĩa của nhà chiêm tinh học Richard Nolle vào năm 1979: khi trăng tròn lúc nó tiến đến điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo được 90% hoặc hơn, nó sẽ được gọi là siêu trăng vì sẽ trông to hơn bình thường.

Theo EarthSky, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 22h27 ngày 15/5 theo giờ ET (cách tính múi giờ Miền Đông, khu vực châu Mỹ), còn nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 23h29 giờ ET. Nguyệt thực một phần sẽ kết thúc lúc 0h53 sáng theo giờ ET ngày 16/5 và nguyệt thực toàn phần sẽ kết thúc lúc 1h55 giờ ET ngày 16/5.

Theo NASA, nguyệt thực xảy ra khi Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời thẳng hàng, với Mặt trăng đi qua bóng của Trái đất.

Khi trăng tròn di chuyển vào bóng của Trái đất, nó sẽ tối đi, nhưng sẽ không biến mất. Ánh sáng Mặt trời đi qua bầu khí quyển của Trái đất chiếu sáng Mặt trăng một cách ấn tượng, khiến nó có màu đỏ - đó là lý do tại sao đây thường được gọi là "Trăng máu".

Noah Petro, trưởng Phòng thí nghiệm Địa chất, Địa vật lý và Địa hóa học của NASA, cho biết không phải ai cũng có thể nhìn thấy nguyệt thực toàn phần.

Bản đồ quan sát "siêu trăng máu nở hoa". (Ảnh: SPACE)

Theo tuyên bố từ NASA, năm nay thế giới chỉ đón 2 siêu trăng vào tháng 7 và 8. Nhưng nhà khoa học NASA đã về hưu Fred Espenak thì khẳng định với tờ Space, trăng tròn tháng 5 và tháng 6 cũng là siêu trăng, bởi quỹ đạo của Mặt Trăng không ổn định.

Quỹ đạo của tháng 5 và 6 cho phép nó gần Trái Đất về khoảng cách không kém trăng tháng 7 và 8, dù chỉ mới suýt soát điểm mốc 90%. Quan điểm này được nhiều nhà khoa học khác trên thế giới ủng hộ.

Trăng tròn tháng 5 cũng sẽ là trăng máu, tức nguyệt thực toàn phần. Theo Time and Date, nguyệt thực lần này rất dài, bắt đầu vào 1 giờ 32 phút 05 giây theo giờ GMT, đạt đỉnh lúc 4 giờ 11 phút 28 giây, kết thúc vào lúc 6 giờ 50 phút 49 giây sáng 16/5. Người quan sát sẽ thấy nó chuyển dần từ nguyệt thực một phần sang đỏ hoàn toàn, trong đó giai đoạn toàn phần kéo dài hơn 1,5 giờ.

Điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ không quan sát được trăng máu, bởi toàn bộ quá trình sẽ kéo dài từ 8 giờ 32 phút đến 12 giờ 55 phút ngày 16/5 theo giờ Việt Nam, rơi vào buổi sáng. Khu vực quan sát được trăng máu là phần lớn châu Mỹ, châu Phi và một phần châu Âu.

Tuy nhiên ngay đêm nay, người Việt Nam vẫn có thể chiêm ngưỡng siêu trăng kỳ ảo vào tối 16/5.

Đây cũng sẽ là trăng tròn có cái tên lãng mạn nhất trong năm, theo cách gọi của các quốc gia Âu-Mỹ: Flower Moon, tức "Mặt Trăng của mùa hoa nở", bởi đây là thời điểm cây cối khắp nơi nở hoa sau vài tháng đầu xuân dần ấm áp.

Anh Vũ (T/H)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/the-gioi-don-sieu-trang-mau-no-hoa-cuc-dai-168480.html