Thế giới đón giao thừa trong không khí im ắng chưa từng thấy vì Omicron

Biến thể Omicron đang phủ bóng đen lên các lễ hội chào đón năm mới 2022. Giới chức trách trên thế giới đã hủy hoặc thu hẹp các sự kiện chào đón giao thừa vào đêm 31-12 giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt do tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể này.

Chính quyền TP. New York (Mỹ) vẫn tổ chức nghi lễ thả cầu pha lê Waterford vào tối 31-12 để đánh dấu thời khắc chuyển sang năm mới 2022 nhưng hạn chế số người tham dự. Ảnh: westtnewss.com

Kêu gọi người dân đón giao thừa ở nhà

Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian bảy ngày qua, với gần một triệu ca nhiễm được phát hiện trung bình mỗi ngày trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 29-12, theo dữ liệu của Reuters.

Hàng chục nước ghi nhận số ca nhiễm cao chưa từng thấy trong 24 giờ qua, gồm Argentina, Úc, Bolivia, Mỹ, Pháp và Ý, khi biến thể Omicron lây lan nhanh như “cháy rừng”.

Dù các nghiên cứu cho thấy biến thể này ít gây tử vong hơn so với một số biến thể trước đó, nhưng nhiều cơ quan y tế trên thế giới khuyến cáo người dân cách tốt nhất để chào đón thời khắc giao thừa năm 2022 là ở nhà, hạn chế tiếp khách và nếu có thì tốt nhất là tất cả đều được tiêm phòng.

Đầu tuần này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi mọi người suy nghĩ lại về kế hoạch tổ chức tiệc tùng của họ trong dịp năm mới. Ông nói: “Tốt nhất là bạn nên hủy bỏ kế hoạch đó ngay bây giờ và ăn mừng sau đó hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này”.

Hôm 29-12, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói rằng các buổi họp mặt gia đình đón năm mới với tất cả thành viên đều đã tiêm chủng có thể an toàn nhưng cảnh báo các buổi tiệc tụ tập đông người vẫn còn quá nguy hiểm.

Ông nói: “Nếu kế hoạch của bạn là đi dự một bữa tiệc đêm giao thừa có từ 40-50 người và mọi người ôm hôn, chúc nhau một năm mới hạnh phúc giữa tiếng chuông giao thừa, tôi thực sự khuyên bạn không nên làm điều đó trong năm nay”.

Nhiều người dân đã nghe theo lời cảnh báo của giới chức trách y tế và hủy đặt chỗ tổ chức tiệc tùng đón năm mới ở các nhà hàng, khách sạn. Jose Antonio Aparicio, Chủ tịch Hosteleria Madrid, một hiệp hội khách sạn-nhà hàng ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), cho biết: “Các đơn hủy đặt chỗ khiến doanh nghiệp khách sạn và nhà hàng ở Madrid thiệt hại khoảng 350 triệu euro, tức khoảng 3% doanh thu hàng năm của họ”. Tại Ý, các chủ nhà hàng và quán rượu đã kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ sau khi ghi nhận khoảng 25-30% số khách đặt chỗ ăn tối đêm Giao thừa đã bị hủy bỏ.

Tại châu Âu, nơi gần một triệu người đã chết vì Covid-19 trong 12 tháng qua, các buổi hòa nhạc và màn bắn pháo hoa truyền thống thu hút hàng ngàn người xuống đường trong dịp năm mới, đã bị hủy bỏ ở hầu hết các thành phố lớn, gồm London, Paris, Zurich, Brussels, Warsaw và Rome.

Tuy nhiên, bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, một số nơi vẫn lên kế hoạch tổ chức các sự kiện chào đón năm mới, bao gồm Sydney (thuộc bang New South Wales của Úc), một trong những thành phố lớn đầu tiên trên thế giới thông báo tổ chức lễ hội bắn pháo hoa truyền thống ở Nhà hát Con sò và cầu cảng Sydney.

Hàng ngàn người dự kiến đổ xô đến các điểm quan trọng bên bến cảng Sydney để xem các màn pháo hoa kéo dài 12 phút để chào năm mới. Thủ hiến bang New South Wales, Dominic Perrottet kêu gọi mọi người “ra ngoài và tận hưởng năm mới” dù số ca nhiễm Covid-19 ở bang này tăng gần gấp đôi, lên mức kỷ lục 21.151 vào hôm 31-12. Năm ngoái, bang New South Wales cấm mọi người tụ tập xem bắn pháo hoa khi số ca nhiễm chỉ vài trăm.

New York (Mỹ) cũng thông báo vẫn tổ chức lễ hội chào đón năm mới ở Quảng trường Thời Đại, tuy nhiên, sẽ hạn chế số người tham dự để chứng kiến quả cầu pha lê Waterford nặng gần sáu tấn được trang hoàng với hơn 30.000 ngọn đèn LED được thả từ đỉnh xuống chân đáy của một cột cờ để đánh dấu thời khắc chuyển sang năm mới 2022.

Tại New Zealand, nơi biến thể Omicron chưa lây lan trong cộng đồng, giới chức trách vẫn đề phòng bằng cách hủy một số màn bắn pháo hoa bao gồm một địa điểm bắn pháo hoa nổi tiếng từ mái tòa tháp Sky Tower ở TP. Auckland. Thay vào đó, chính quyền chỉ đánh dấu thời khắc năm mới với màn trình diễn ánh sáng chiếu vào tòa tháp này và một số công trình nổi bật khác của thành phố này.

Hàng loạt nghi lễ đón năm mới bị hủy bỏ ở châu Á

Do múi giờ quốc tế chênh lệch nhau nên những nước ở châu Á và Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên bước sang năm mới.

Nghi lễ rung chuông giao thừa ở Tháp chuông Bosingak tại Seoul bị hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp, thay vào đó, giới chức trách ghi hình sẵn nghi lễ này để phát trực tuyến và trên truyền hình. Ảnh: Yonhap

Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nghi lễ rung chuông giao thừa ở Tháp chuông Bosingak bị hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp do số ca nhiễm Covid-19 tăng tăng vọt.

Thay vào đó, giới chức trách ghi hình sẵn nghi lễ này và sẽ phát trực tuyến và trên truyền hình vào thời khắc giao thừa.

Trước đây, nghi lễ này thu hút hàng chục ngàn người dân đổ ra đường để thưởng lãm. Năm ngoái là lần đầu tiên nghi lễ rung chuông ở Seoul bị hủy kể từ năm 1953.

Giới chức trách Hàn Quốc cũng đóng cửa nhiều bãi biển và các địa điểm du lịch dọc theo bờ biển phía đông đất nước, nơi người dân thường đổ xô đến để đón những tia nắng mặt trời đầu tiên của năm mới. Hôm 31-12, Hàn Quốc thông báo sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần.

Một họa sĩ đang hoàn thiện bức tranh tường đón năm mới được vẽ trên ngôi nhà của mình ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Tại Ấn Độ, hàng chục triệu người dân lên kế hoạch đón năm mới tại nhà vì giới chức trách áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm và các biện pháp khác kể từ ngày 30-12 để hạn chế mọi người tham gia các lễ hội, tiệc tùng chào đón năm mới ở các thành phố lớn bao gồm New Delhi và Mumbai.

Tại Thái Lan, giới chức trách vẫn cho phép tổ chức tiệc tùng đêm giao thừa và bắn pháo hoa nhưng áp dụng các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. Các nghi lễ cầu nguyện trong đêm giao thừa, thường được tổ chức tại các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Thái Lan, sẽ được tổ chức trực tuyến. Giới chức trách muốn kìm hãm đà lây lan của biến thể Omicron đồng thời muốn tránh tác động nặng nề đối với lĩnh vực du lịch của đất nước.

Tại Indonesia, nhiều người dân cũng đã từ bỏ các lễ hội đón năm mới truyền thống của họ để có một buổi tối yên bình hơn tại nhà, sau khi chính phủ cấm nhiều sự kiện chào đón giao thừa. Tại thủ đô Jakarta, các màn bắn pháo hoa, và các cuộc tụ tập đông người bị cấm.

Tấm bảng thông báo không tổ chức bắn pháo hoa vào đêm 31-12-2021 được đặt ở Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: Getty

Chính phủ Singapore cũng hủy bắn pháo hoa ở vịnh Marina trong năm thứ hai liên tiếp để hạn chế tập trung đông người, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Tại Philippines, chính phủ cấm đốt pháo đêm giao thừa để tránh xảy ra các vụ thương vong. Siêu bão Rai xảy ra cách đây hai tuần đã quét sạch tài sản thiết yếu của hàng chục ngàn người trước thềm năm mới. Hơn 400 người thiệt mạng do bão Rai và ít nhất 82 người vẫn mất tích. Nửa triệu ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy. Hàng trăm ngàn người dân sẽ phải đón giao thừa tại các trung tâm trú ẩn hoặc các ngôi nhà tạm vừa mới dựng lên sau bão.

Tại Hồng Kông, khoảng 3.000 người đã lên kế hoạch tham dự buổi hòa nhạc đêm giao thừa với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm nhóm nhạc nam Mirror. Buổi hòa nhạc sẽ là sự kiện chào đòn thừa lớn đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2018, sau khi các sự kiện tương tự bị hủy vào năm 2019 do bất ổn chính trị và vào năm ngoái vì đại dịch.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc đại lục, chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ hàng loạt sự kiện đón giao thừa bao gồm một buổi trình diễn ánh sáng hàng năm dọc sông Hoàng Phố ở trung tâm thành phố vốn thường thu hút hàng trăm ngàn khán giả.

Không có kế hoạch nào cho các lễ đón năm mới ở Bắc Kinh, nơi các ngôi chùa nổi tiếng đã bị đóng cửa hoặc bị hạn chế ra vào kể từ giữa tháng 12. Chính quyền Bắc Kinh kêu gọi người dân tránh rời thủ đô nếu có thể và yêu cầu xét nghiệm đối với những du khách đến từ các khu vực có dịch bệnh.

Các ngôi chùa nổi tiếng ở các thành phố Nam Kinh, Hàng Châu và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã hủy bỏ nghi lễ “rung chuông cầu may” trong đêm giao thừa.

Theo AP, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/the-gioi-don-giao-thua-trong-khong-khi-im-ang-chua-tung-thay-vi-omicron/