Thế giới đối phó với hiểm họa về khủng bố hạt nhân

(Toquoc)-Hội nghị Seoul khẳng định lại ý chí chính trị ở mức cao nhất của cộng đồng quốc tế đối với việc tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.

Trong hai ngày 26 và 27/3, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với sự tham gia của nguyên thủ quốc gia đến từ 53 nước và lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, tiếp theo Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất tại Oasinhtơn năm 2010, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Obama. Sáng kiến này kế tiếp Hội nghị thượng đỉnh giải trừ quân bị hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2009.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thân mật bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi lễ chào đón tại trung tâm Coex ở thủ đô Seoul, trước thềm Hội nghị Thưởng đỉnh Hạt nhân lần thứ hai

Những hiểm họa hạt nhân khôn lường

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mối đe dọa về một cuộc đại chiến tranh hạt nhân đã giảm đi nhiều, nhưng an ninh thế giới đối mặt với đặc điểm mới. Nguyên liệu hạt nhân ngày càng bị phân tán, các kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân được truyền bá rộng rãi khiến cho tình hình an ninh quốc tế đối mặt với cục diện phức tạp và gay go hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vấn đề an ninh hạt nhân của thế giới hiện nay khó kiểm soát và khó dự đoán hơn rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Các nước như Ấn Độ, Pakixtan bước vào “câu lạc bộ nước lớn hạt nhân”, Bắc Triều Tiên tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân, các nước như Iran cũng có ý đồ sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo đó, nguyên liệu hạt nhân ngày càng bị phân tán, các kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân được truyền bá rộng rãi.

Tổ chức tư vấn Sáng kiến Nguy cơ hạt nhân có trụ sở tại Washington cho biết, hiện có hàng nghìn tấn nguyên liệu hạt nhân trên thế giới và số nguyên liệu này được cất giữ tại hàng trăm địa điểm ở hơn 30 nước. Một số địa điểm được bảo vệ tốt, còn nhiều nơi khác thì không, khiến số nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng để sản xuất vũ khí này có khả năng bị đánh cắp và bán trên thị trường chợ đen cho các tổ chức khủng bố. Các kho vũ khí hạt nhân hiện nay tại các nước như Pakistan đang bị đe dọa bởi những kẻ khủng bố, tham nhũng và những kẻ thánh chiến quá khích. Hoặc Nga hiện vẫn có kho vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất thế giới, luôn dễ bị đe dọa. Tuy nhiên, nguyên liệu phóng xạ - thành phần chính của “bom bẩn”, được cất giữ tại hàng nghìn nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, bệnh viện, ngân hàng máu, các nhà máy chế biến thực phẩm trên khắp thế giới - dễ rơi vào tay các đối tượng khủng bố nhất.

Theo báo cáo của một số cơ quan chuyên môn, tính đến năm 2011, toàn thế giới có tổng cộng 1.600 tấn urani làm giàu với nồng độ cao và 500 tấn plutoni đã phân tách, đủ để chế tạo khoảng 100.000 đầu đạn hạt nhân, đặc biệt là urani làm giàu dùng cho dân dụng đang tồn tại các vấn đề hết sức nổi cộm như số lượng nhiều, phân tán rộng và quản lý lỏng lẻo… Từ năm 1993 đến năm 2011, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã có tới 2.100 lần đưa ra báo báo liên quan đến các vấn đề hạt nhân và các sự kiện như rò rỉ, trộm cắp hay có được nguyên liệu có tính phóng xạ một cách trái phép…

Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo giới lãnh đạo Mỹ về nguy cơ khủng bố hạt nhân trong tương lai. Những kẻ khủng bố hoặc một quốc gia ngang ngạnh có thể có vũ khí hạt nhân và đe dọa giết chết hàng triệu người chỉ trong một vụ tấn công. Rủi ro lớn nhất xuất phát từ “bom bẩn”, tức là một cuộc tấn công phóng xạ độc hại. Những kẻ khủng bố có thể sử dụng nguyên liệu hạt nhân công nghiệp hoặc thương mại thông thường để tạo ra hoảng loạn, đe dọa sức khỏe của hàng vạn người trong một thời gian dài, làm cho cả thành phố không thể ở được, gây tổn thất hàng tỷ USD và phá hủy nền kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ các đối tượng khủng bố có được nguyên liệu này để làm bom vẫn rất cao. Chỉ cần 0,01% dự trữ nguyên liệu hạt nhân thế giới bị đánh cắp là đủ tạo ra một thảm họa toàn cầu. Những kẻ khủng bố đã tỏ ra quan tâm đến việc có được các nguyên liệu cần thiết để sản xuất cả bom phóng xạ bẩn và bom hạt nhân. Trước khi bị tiêu diệt hồi tháng 5/2011, Osama bin Laden và al-Qaeda đã tìm cách có được vũ khí hạt nhân và có thể đã thử nghiệm với số lượng hạn chế các nguyên liệu hạt nhân.

Có số liệu cho biết, nếu những kẻ khủng bố cho nổ một quả bom, chứa một thanh phóng xạ côban dài khoảng 30 cm, lấy từ một nhà máy chiếu xạ thực phẩm ở khu vực Hạ Manhattan (Niu Yoóc), thì một khu vực rộng khoảng 1.000 km2, trải rộng trên 3 tiểu bang sẽ bị ô nhiễm.

Nếu phát nổ tại nhà ga trung tâm New York, một quả bom có sức công phá 10 kiloton (bằng 2/3 sức công phá của quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản) có thể giết chết ngay 500.000 người, làm bị thương hàng trăm nghìn người khác, phá hủy vĩnh viễn khu vực Hạ Manhattan và buộc phải sơ tán toàn bộ thành phố Niu Yoóc. Thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Lượng nguyên liệu để sản xuất một quả bom hạt nhân thô là khá nhỏ. Với một thiết kế phát nổ hiệu quả, chỉ cần 4 kg plutoni và 12 kg urani được làm giàu cao là đủ. Để sản xuất một quả bom ít hiệu quả, nhưng vẫn có sức công phá mạnh, những kẻ khủng bố sẽ cần 48-60 kg urani được làm giàu cao.

Việc các phần tử khủng bố và các tổ chức tội phạm quốc tế có được nguyên liệu hạt nhân và tạo ra các vụ nổ hạt nhân hoặc tìm cách phá hoại các cơ sở hạt nhân đang tạo ra thách thức ngày càng nghiêm trọng. Một năm trước, trận động đất ở vùng biển phía Đông Nhật Bản đã gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với an ninh kỹ thuật hạt nhân dân sự.

Những nội dung cấp bách

Hội nghị Thượng đỉnh tại Seoul lần này sẽ lấy vấn đề an ninh hạt nhân làm trọng tâm, nguyên thủ các nước sẽ tập trung thảo luận về việc tăng cường an ninh và phòng ngừa các hoạt động khủng bố đối với nguyên liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân. Hội nghị sẽ đánh giá lại những tiến bộ mà cộng đồng quốc tế đã đạt được trong lĩnh vực an ninh hạt nhân kể từ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Washington, đưa ra các biện pháp an ninh hạt nhân mới.

Ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đi thăm Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Ông Obama cũng dành 10 phút tại đài quan sát Ouellette, dùng ống nhòm quan sát một ngôi làng của Triều Tiên cách đài quan sát khoảng 12km

Sau các phiên họp toàn thể, Hội nghị sẽ ra “Thông cáo Seoul”. Hy vọng sẽ có được các kết quả cụ thể trong các mặt sau: một là thể hiện ý chí kiên định của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống hoạt động khủng bố hạt nhân, ủng hộ hoạt động của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, IAEA trong nỗ lực ngăn chặn việc tinh chế, gia công các vật chất hạt nhân có thể dùng vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân; hai là rút bài học từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hy vọng đạt được các biện pháp trong việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân dân sự và phòng ngừa các sự kiện khủng bố có tính phóng xạ; ba là thông báo thành quả mới nhất trong việc cắt giảm nguyên liệu hạt nhân và cam kết mới nhất của các nước tham dự.

Phía Hàn Quốc hy vọng “Thông cáo Seoul” còn bao hàm các nội dung liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song khó có thể dự đoán được liệu các bên có đạt được sự nhất trí trong vấn đề này hay không.

Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam tích cực chung sức với cộng đồng quốc tế ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân và tham gia thực hiện các biện pháp an ninh hạt nhân mới. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị An ninh Hạt nhân toàn cầu. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này tại Seoul.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho cho biết bên lề Hội nghị Hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lê Myung-pak sẽ có cuộc tiếp xúc song phương bàn về nhiều vấn đề, trong đó có dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ ga tại Việt Nam. Đại sứ nói Seoul “trông đợi sự tham dự tích cực của Việt Nam qua đó góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác năng lượng nguyên tử hạt nhân vì mục đích hòa bình”. Ngoài vấn đề hạt nhân, Hàn Quốc và Việt Nam cũng sẽ thảo luận về quốc phòng, công nghiệp năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng./.

Nguyễn Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/102656/the-gioi-doi-pho-voi-hiem-hoa-ve-khung-bo-hat-nhan.aspx