Thế Giới Di Động với mong muốn 'bán cả thế giới' có thành hiện thực?

Hơn một thập kỷ xây dựng từ cửa hàng đầu tiên đến đế chế bán lẻ tỷ USD, TGDĐ đang có một hệ sinh thái bán lẻ với mong muốn 'bán cả thế giới', nhưng liệu điều này có còn thuận lợi.

Tháng 9/2017, cửa hàng kinh doanh đầu tiên (89A Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM) của Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ) đóng cửa, với lý do trả mặt bằng. Bước sang năm 2018, hệ thống thegioididong.com đã ghi nhận việc giảm số lượng lần đầu tiên trong lịch sử thành lập, với việc đóng 7 cửa hàng kinh doanh (một số cửa hàng chuyển sang chuỗi Điện Máy Xanh).

Còn quá sớm để nói về thoái trào, nhưng cũng là cột mốc nhìn lại hơn một thập kỷ doanh nghiệp này từ một cửa hàng được đầu tư 1 tỷ đồng đến “đế chế” bán lẻ tỷ USD. Liên tục mở chuỗi tìm kiếm tăng trưởng, mô hình của TGDĐ đã tăng nhanh cùng lúc ở cả 3 chỉ tiêu: Số cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận.

Cú nước rút thần tốc về độ phủ

Ông Nguyễn Đức Tài, nhà đồng sáng lập ra TGDĐ, từng ví doanh nghiệp của mình như một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển. Thực tế ông đã chứng minh được điều này, với tốc độ mở chuỗi và địa bàn ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng.

Năm 2018, lần đầu tiên chứng kiến chuỗi thegioididong.com giảm số lượng cửa hàng.

Năm 2018, lần đầu tiên chứng kiến chuỗi thegioididong.com giảm số lượng cửa hàng.

Để đạt được mức tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm, TGDĐ cũng đã thị uy, càn quét và "tận diệt" những đối thủ nhỏ lẻ với số lượng cửa hàng khủng. Gia tốc mở chuỗi đạt đỉnh vào năm 2016, khi chỉ trong 4 tháng của năm này, doanh nghiệp đã mở thêm 154 cửa hàng thegioididong.com.

Tốc độ mở thêm cửa hàng này thậm chí còn vượt cả 6 tháng đầu năm trước đó (chỉ gần 100 siêu thị).

Hơn một thập kỷ khuynh đảo thị trường bán lẻ di động, điện tử Việt Nam TGDĐ vươn mình trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực. Có thể thấy, chiến lược phát triển chuỗi siêu thị "nhiều, nhanh nhưng nhỏ" của TGDĐ đem lại những kết quả khả quan.

Thậm chí trước thời điểm doanh nghiệp bắt đầu đóng các cửa hàng đầu tiên trong đà tăng trưởng, thì mức độ gia tăng chuỗi cũng rất ấn tượng. Trong 11 tháng của năm 2017, TGDĐ đã mở thêm 668 siêu thị mới, với 117 siêu thị thegioididong.com, 351 siêu thị Điện Máy Xanh và 200 siêu thị Bách hóa Xanh. Kết quả này đưa tổng số siêu thị đang hoạt động của công ty lên 1.923 siêu thị, tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm.

Sang đến năm 2018, con số tổng cửa hàng đã lên đến 2.160.

Cũng trong 11 tháng của năm 2017, doanh thu của hệ thống đạt gần 59.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đã có sự phân hóa đáng kể khi tốc độ tăng trưởng doanh thu của chuỗi Thegioididong.com chỉ 14%, còn Điện Máy Xanh tăng trưởng 124%. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy chuỗi thegioididong.com bắt đầu bão hòa và chững lại, thậm chí trong tháng 1/2018, chuỗi này còn báo cáo kết quả tăng trưởng âm.

Ngay sau đó, 7 cửa hàng điện thoại cũng đóng cửa, kết thúc một chu kỳ tăng trưởng tịnh tiến về số lượng cửa hàng.

Đại diện TGDĐ cho rằng số lượng cửa hàng thegioididong.com sụt giảm không phải vì đóng cửa, mà vì chuyển đổi sang cửa hàng Điện máy Xanh, vì nhận thấy có khả năng mở rộng quy mô, kinh doanh thêm ngành hàng điện máy (tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, gia dụng…). Nhưng như vậy, những cửa hàng này được tính là Điện máy Xanh và không tính vào các cửa hàng thegioididong.com nữa.

Hệ sinh thái bán lẻ và mong muốn "bán cả thế giới"

Trong một thập kỷ tăng trưởng thần tốc, dáng dấp của ông lớn trên thị trường bán lẻ được TGDĐ cụ thể hóa bằng việc gia tăng loại hình kinh doanh, với chuỗi ngành hàng thứ 2 là chuỗi Điện Máy Xanh (tiền thân là Dienmay.com) vào năm 2012. Chỉ 2 năm sau đó, chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh khai sinh. Cùng thời điểm là trang thương mại điện tử vuivui.com điền tên TGDĐ vào sân chơi này.

Mới đây, với việc thâu tóm một doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, có lẽ lãnh đạo TGDĐ toan tính cho tương lai của một doanh nghiệp có hệ sinh thái bán lẻ đa dạng hơn. Tuy nhiên, thương vụ này đã hết hấp dẫn ngay sau khi thực hiện, vì thị trường không đủ lớn như kỳ vọng. TGDĐ thậm chí bỏ ý định mua đứt chuỗi này, theo như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài mới đây.

Nhiều ý kiến nhận định có thể thị trường di động cũng tăng trưởng tới ngưỡng bão hòa nên lãnh đạo TGDĐ mở rộng loại hình kinh doanh, với mục đích tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới.

Điều đáng chú ý là TGDĐ vẫn không cho phép mình đi ra khỏi ranh giới bán lẻ, nhưng trong nội biên thì thực sự đã có nhiều thay đổi. Doanh số vẫn tăng đều các năm, và điều đặc biệt con số thực tế luôn nằm cao hơn mức kế hoạch. Sự chuyển mình của TGDĐ cũng được thể hiện rõ nét khi cơ cấu doanh thu cũng bắt đầu dịch chuyển.

Nếu như trước đây chuỗi cửa hàng thegioididong.com là “quân át chủ bài” mang doanh thu về cho hệ thống, thì nay lại là Điện Máy Xanh. Hiện nay siêu thị điện máy này đã có mặt trên 63 tỉnh thành.

Trong báo cáo mới nhất, doanh thu tháng 4 của chuỗi điện máy đạt 3.776 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. So với tháng 4 năm ngoái, Điện Máy Xanh đã có thêm 326 cửa hàng cùng với 35 siêu thị Trần Anh sau thương vụ thâu tóm năm ngoái. Tổng số cửa hàng Điện Máy Xanh hiện là 719 cửa hàng (bao gồm Trần Anh).

Ông Nguyễn Đức Tài, nhà đồng sáng lập ra TGDĐ, từng ví doanh nghiệp của mình như một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển.

Điện Máy Xanh tăng trưởng nhanh đến mức, lãnh đạo TGDĐ cũng thừa nhận rằng Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh chính là tương lai của TGDĐ.

Tuy nhiên, nếu Điện Máy Xanh đang phát triển đúng như kỳ vọng thì Bách Hóa Xanh đang có phần loay hoay trong chiến lược phát triển.

Gia nhập thị trường năm 2015, một năm sau đó, Bách Hóa Xanh có hơn 40 siêu thị tại TP.HCM, và được kỳ vọng sẽ là nguồn thu chính của trong tương lai. Nhà bán lẻ này đặt mục tiêu phát triển Bách Hóa Xanh lên khoảng 300 cửa hàng, xây dựng trung tâm phân phối (DC) tiên tiến…

Qua năm 2017, thực tế chuỗi này có gia tăng cửa hàng, nhưng chỉ đóng góp 2% doanh thu. Trong chiến lược của mình, Ban lãnh đạo TGDĐ vẫn muốn sử dụng Bách Hóa Xanh làm mũi tấn công chính năm 2018, với mục tiêu mở thêm 1.000 cửa hàng.

Nhưng tham vọng này đang gặp trở ngại lớn, khi chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn duy trì trạng thái lỗ liên tục. Mục tiêu mở 1.000 cửa hàng năm 2018 phải giảm xuống còn 500 cửa hàng và đã phải đóng 3 cửa hàng không hiệu quả. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây nhất, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng chiến lược cho Bách Hóa Xanh là "hơi vội vàng".

Những cú hích cho tăng trưởng yếu dần

Ai cũng thừa nhận TGDĐ thể hiện được năng lực quản trị và duy trì đà tăng trưởng đều đặn. Nhưng để đạt được điều này ở tốc độ cao như vậy, doanh nghiệp này cũng được tạo động lực bởi các cú hích tài chính. Sự trợ lực của nhiều định chế tài chính lớn đã giúp nhà bán lẻ này tự tin tiến về phía trước, thậm chí trong thời gian gần đây họ đã tính toán đến việc “chinh phạt” thị trường bằng những cuộc thâu tóm.

Mục tiêu mở 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh năm 2018 đã giảm xuống còn 500 của hàng.

Sau khi khai sinh ra cửa hàng đầu tiên, việc ổn định mô hình kinh doanh chỉ giúp TGDĐ phát triển thêm 4 cửa hàng trong gần 2 năm sau đó. Nhưng giai đoạn bùng nổ nhất là sau khi Mekong Capital đầu tư 5 triệu USD vào năm 2007. Điều này giúp công ty nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng trong các năm sau (lên 15, 30, 40 cửa hàng qua các năm 2007, 2008, 2009), với tốc độ tăng trưởng tương ứng về doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2014, TGDĐ bắt đầu thể hiện tham vọng lớn khi niêm yết 62,7 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vốn hóa doanh nghiệp thời điểm đó là 5.000 tỷ đồng. Ngay lập tức, cổ phiếu MWG của TGDĐ trở thành "hàng nóng" trên thị trường, với thị giá hiếm khi dưới mức 100.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm còn tiếp cận mốc 200.000 đồng/cổ phiếu.

Đó là động lực lớn mở ra kỷ nguyên tỷ USD rực rỡ rất nhanh sau đó của doanh nghiệp (năm 2015 cán mốc doanh thu 1 tỷ USD), cùng với việc cho ra mắt các chuỗi mới như Bách Hóa Xanh hay thương mại điện tử. Lãnh đạo TGDĐ vẫn thường tự tin, rằng giới hạn tăng trưởng không phải là việc quá khó để giải quyết. Bởi trong không chỉ tự tay mở chuỗi mà họ bắt đầu “thu phục” đối thủ với chiến lược M&A.

Tuy nhiên gần đây, với việc thoái vốn của nhiều định chế tài chính phần nào tác động đến đà tăng trưởng của doanh nghiệp. Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất có lẽ là giá cổ phiếu MWG đã giảm 20% kể từ đầu năm.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, Quỹ ngoại CDH Electric Bee Limited hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu 1,24 triệu cổ phiếu MWG sang cho 2 quỹ ngoại khác, là Magna Umbrella Fund Public Limited (với 906.908 cổ phiếu) và Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company (332.716 cổ phiếu).

Trước đó, Mekong Enterprise Funf II cũng bán hết 5 triệu cổ phiếu MWG cuối cùng nắm giữ, với mức giá 165.000 đồng/cổ phiếu, thoái hết vốn tại TGDĐ. Quá trình Mekong Enterprise II thoái vốn kéo dài đến gần 4 năm, ngay trước khi nhà bán lẻ này niêm yết trên HoSE (năm 2014).

Trong một chia sẻ trước đây, ông Nguyễn Đức Tài "tếu táo": “TGDĐ như một con báo, tăng tốc rất nhanh và sau đó là đuối”.

Trong bối cảnh đó có thể là một lời nói đùa, nhưng có khi đó là một động thái cảnh giác của ông lớn bán lẻ này trước tốc độ tăng trưởng quá nhanh, và quy mô hoat động ngày càng được mở rộng.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-gioi-di-dong-voi-mong-muon-ban-ca-the-gioi-co-thanh-hien-thuc-post845018.html