Thế giới Di động 'mắc kẹt' với hàng tồn kho

Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố, dù là doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ nhưng Thế giới Di động (MWG) cũng phải đối mặt với con số hàng tồn kho, nợ phải trả không hề nhỏ.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) tiền thân là Công ty TNHH Thế giới Di động thành lập vào tháng 3/2004. Tới năm 2007, tiếp nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital, công ty chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và đến năm 2009 Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động được thành lập.

"Đế chế" tỷ đô

Trải qua 9 năm phát triển Thế giới Di động từ một doanh nghiệp với doanh thu hơn 86 triệu USD đến hết năm 2017 doanh thu chạm mốc 2,9 tỷ USD, đứng số 1 Việt Nam về thị phần bán lẻ điện thoại di động.

Không chỉ "làm mưa làm gió" mảng bán ẻ điện thoại, Công ty lấn sang mảng điện máy với chuỗi Điện máy Xanh với tốc độ tăng trưởng chóng mặt cả về số lượng cửa hàng và doanh thu. 11 tháng đầu năm 2017, doanh thu chuỗi Điện máy Xanh tăng 124% so với cùng kỳ 2016 đạt 26.091 tỷ đồng, đóng góp 44% vào tổng doanh thu.

Cuối năm 2017, Thế giới Di động đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Mã: TAG) và sắp hoàn tất nâng sở hữu lên 100% cùng thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao tại đây. Trần Anh là hệ thống điện máy có quy mô lớn ở miền Bắc, miền Trung với số lượng 39 siêu thị, chiếm 14% thị phần điện máy trên cả nước. Với việc sở hữu Trần Anh, Thế giới Di động sẽ tiếp tục mở rộng số lượng cửa hàng cũng như thị phần điện máy về phía Bắc và tiến gần đến "giấc mơ 10 tỷ USD".

Ngoài mảng điện máy, công ty đã chính thức mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, để lấn sân sang ngành dược phẩm. Phúc An Khang là chuỗi bán lẻ dược phẩm được thành lập từ năm 2006 với khoảng 20 cửa hàng tại TP.HCM. Khi thương vụ hoàn tất, công ty sẽ mở cửa hàng mới của chuỗi dược phẩm với tên gọi nhà thuốc An Khang.

Trải qua 9 năm phát triển Thế giới Di động từ một doanh nghiệp với doanh thu hơn 86 triệu USD đến hết năm 2017 doanh thu chạm mốc 2,9 tỷ USD, đứng số 1 Việt Nam về thị phần bán lẻ điện thoại di động

Trải qua 9 năm phát triển Thế giới Di động từ một doanh nghiệp với doanh thu hơn 86 triệu USD đến hết năm 2017 doanh thu chạm mốc 2,9 tỷ USD, đứng số 1 Việt Nam về thị phần bán lẻ điện thoại di động

"Đau đầu" với tồn kho

Thế Giới Di Động vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 với kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng so với các kỳ trước. Doanh thu quý 4 của công ty đạt hơn 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 572 tỷ đồng, tăng 33% và 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế cả năm 2017, MWG đạt 66.339 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 48% so với 2016. Lợi nhuận gộp đạt 11.141 tỷ đồng, tăng vọt tới 54% so với năm trước. MWG đạt 2.206 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm, tăng 39% so với năm 2016. Năm 2017, MWG đặt kế hoạch doanh thu 63.280 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Như vậy, MWG đã kịp hoàn thành kế hoạch cho cả năm.

Tuy nhiên, năm 2017, các loại chi phí của công ty đều tăng. Trong đó chi phí bán hàng tăng tới gần 3.000 tỷ đồng, đạt 7.017 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 44%, từ 934 tỷ đồng lên 1.346 tỷ đồng. Còn chi phí tài chính tăng từ 120 tỷ lên 232 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay chiếm tới 227 tỷ đồng.

Một phần đáng chú ý, hàng tồn kho của Thế Giới Di Động tăng hơn 3.200 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng cuối năm, lên 12.050 tỷ đồng. Các kỳ trước, hàng tồn kho của Thế Giới Di Động luôn dưới 10.000 tỷ đồng.

Với việc tồn kho tăng vọt, vay nợ của Thế Giới Di Động cũng tăng lên. Nợ phải trả đến cuối 2017 là 16.904 tỷ đồng trong khi cuối 2016 mới là 11.000 tỷ đồng, mức tăng 53%. Trong đó, nợ dài hạn phát sinh một khoản vay hơn 1.192 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là do phát hành trái phiếu. Nợ vay ngắn hạn chiếm 5.603 tỷ đồng, tăng 17%.

Nguyên nhân khiến tồn kho của Thế Giới Di Động tăng vọt đến từ nhóm hàng Thiết bị điện tử khi "vượt mặt" mặt hàng điện thoại di động trở thành nhóm có giá trị lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho khi tăng từ 3.000 tỷ đồng hồi đầu năm lên trên 5.200 tỷ đồng, trong khi giá trị của điện thoại di động chỉ là hơn 4.100 tỷ đồng.

Sự thay đổi trong cơ cấu hàng tồn kho diễn ra trong bối cảnh thị trường điện thoại đã bão hòa còn thị trường điện máy lên ngôi, các siêu thị Điện Máy Xanh được mở rộng ồ ạt và kéo theo đó là nguồn hàng cũng phải tăng lên để đáp ứng cho các siêu thị. Trong năm qua, đã có hơn 350 siêu thị Điện Máy Xanh mọc lên trên khắp cả nước.

Năm 2018, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu tăng 28% lên 86.390 tỷ đồng còn lợi nhuận tăng 18% lên 2.603 tỷ đồng.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/the-gioi-di-dong-mac-ket-voi-hang-ton-kho-124597.html