Thế Giới Di Động bán xoong nồi thu lãi 'khủng'

Kết thúc quý I/2019, Thế giới Di động báo cáo mức tăng trưởng 10% doanh thu và 29% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên nhân tố tăng trưởng chính của MWG lại nhờ hoạt động bán xoong nồi, chảo rán và đồng hồ...

Bán xoong nồi thu tiền “khủng”

Kết quả kinh doanh quý I/2019 của MWG ghi nhận tăng trưởng 10% doanh thu và 29% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, công ty tăng trưởng 22% doanh thu và 55% lợi nhuận sau thuế. Như vậy, MWG đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2019 (đối với mặt hàng điện thoại/điện máy thì quý I và quý IV là thời gian cao điểm).

Đóng góp chính vào doanh thu trong quý I vẫn là ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, phụ kiện... với tỷ trọng 48% tổng doanh thu, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành hàng điện tử, điện lạnh và gia dụng cũng góp tới 41%, khoảng 10.257 tỷ đồng. Ngoài ra, chuỗi cửa hàng bách hóa với ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh tiếp tục gia tăng tỷ trọng lên 7%...

Năm 2019 nhân tố tăng trưởng chính của TGDĐ được xác định từ việc “bán những sản phẩm chưa từng bán”, mà chủ yếu trong đó là xoong nồi, chảo rán và đồng hồ...

Với nhóm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, riêng quý I đã có hơn 10 triệu sản phẩm được bán ra tại các cửa hàng Điện Máy Xanh và mang về cho công ty hơn 1.700 tỷ đồng doanh thu, hiện đóng góp 7% doanh thu tập đoàn, tương đương với mức tăng trưởng 130% về sản lượng, 50% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số cửa hàng của 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không thay đổi nhiều (chỉ tăng 15 cửa hàng trong 1 năm qua). Hầu hết các cửa hàng Điện Máy Xanh mới trong năm qua được chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động, theo đó cửa hàng mới sẽ được tăng diện tích và chuyển sang bán chủ đạo mặt hàng điện máy (trong khi vẫn bán song song điện thoại).

Theo thống kê từ MWG, các cửa hàng được chuyển đổi ghi nhận doanh thu tăng trung bình 40% trong khi chi phí vận hành tăng lên không nhiều. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đâu là chiến lược hợp lý khi thị trường điện thoại đã bão hòa và không còn tăng trưởng, trong khi thị trường điện máy tiêu dùng vẫn còn tăng trưởng khoảng 10% năm. Ngoài tăng trưởng tự nhiên của ngành, thị phần của MWG trong mảng điện máy hiện khoảng 35% và vẫn còn dư địa tăng trưởng đến từ thị phần đang nằm trong tay các cửa hàng điện máy tư nhân (chiếm khoảng 30-40% thị phần).

Mô hình shop-in-shop kinh doanh đồng hồ cũng đã được công ty này đưa vào thử nghiệm tại một số cửa hàng Thế giới Di động tại TP.HCM từ ngày 8/3.

Hiện công ty có 2 cửa hàng, bán trên 50 mẫu đồng hồ thông minh và trên 1.000 mẫu đồng hồ thời trang của hơn 20 thương hiệu, giá sản phẩm dao động chủ yếu trong khoảng 1-6 triệu đồng.

Ước tính, nhóm này đang đóng góp khoảng 7% doanh thu toàn công ty ngay trong kỳ đầu tiên được áp dụng kinh doanh.

Nhờ mảng kinh doanh mới này mà biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng 3 tháng đầu năm của TGDĐ được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận ròng của quý đầu tiên năm nay đạt 4,2%, mức cao nhất tính từ năm 2017.

Bách Hóa Xanh trở mình, sẽ là đầu tàu tăng trưởng?

Về chuỗi Bách Hóa Xanh, nếu như thời điểm quý I/2018, Bách Hóa Xanh lỗ EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) tới 60 tỷ đồng thì chuỗi này đã đạt hòa vốn EBITDA từ cuối quý IV/2018. MWG đặt kế hoạch hòa vốn toàn bộ chi phí trong năm 2019 và Bách Hóa Xanh sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho tập đoàn từ 2020.

Hiện chưa đem lại nhiều lợi nhuận song chuỗi Bách Hóa Xanh được dự đoán sẽ trở mình, trở thành đầu tàu tăng trưởng của MWG.

Hiện chưa đem lại nhiều lợi nhuận song chuỗi Bách Hóa Xanh được dự đoán sẽ trở mình, trở thành đầu tàu tăng trưởng của MWG.

Chiến lược của Thê Giới Di Động về chuỗi Bách Hóa Xanh cũng rất đặc biệt. Trong khi các chuỗi minimart khác đều chọn địa điểm xa chợ truyền thống và tìm cách mở gần nhà dân thì Bách Hóa Xanh chọn cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống khi mở cửa hàng rất gần hay thậm chí là đối diện chợ.

Khảo sát sơ bộ tại một vài cửa hàng Bách Hóa Xanh. VDSC ghi nhận số lượt khách ghé mua mỗi ngày lên tới trên dưới 1.000 khách.

Trong quá trình chuyển đổi mô hình, MWG đã mạnh tay đóng rất nhiều cửa hàng mô hình cũ không thể cải thiện doanh thu do nằm trong hẻm nhỏ hoặc không thể mở rộng, công ty cho biết đã hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ cửa hàng trong Quý I/2019 và sẽ đẩy mạnh mở cửa hàng từ đây đến cuối năm. Trong tháng 3 và tháng 4, công ty đã mở gần 100 cửa hàng Bách Hóa Xanh (tương đương 1 ngày mở trung bình 2 cửa hàng), từng bước hoàn thành mục tiêu đạt 700 cửa hàng trong năm nay.

Song song với cải thiện biên lợi nhuận qua việc tăng cường mua trực tiếp từ nhà cung cấp (bỏ qua đại lý) và đàm phán để có chiết khấu cao hơn, MWG đang nhân rộng Bách Hóa Xanh ra các tỉnh miền Tây và miền Đông, hiện đã có 134 cửa hàng tại các tỉnh ngoài thành TP.HCM.

VDSC nhận định, sau 3 năm thử nghiệm và phát triển, Bách Hóa Xanh đang chuẩn bị trở mình để trở thành đầu tàu tăng trưởng của MWG, giống như những gì mà chuỗi Điện Máy Xanh đã từng làm trong quá khứ.

Hiếu Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/the-gioi-di-dong-ban-xoong-noi-thu-lai-khung-a432339.html