Thế giới dậy sóng vì phát ngôn 'hỗ trợ đảo chính' của ông Bolton

Cộng đồng quốc tế đã dậy sóng sau khi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton nói rằng ông có liên quan đến việc lên kế hoạch cho các cuộc đảo chính.

Trong cuộc trò chuyện trực tiếp trên chương trình “The Lead” của CNN vào ngày 12/7, ông John Bolton đã nhận xét rằng cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại đồi Capitol không phải là “một cuộc đảo chính" và cũng "không được lên kế hoạch cẩn thận”.

John Bolton từng là quan chức an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền Trump. Nhưng sau 17 tháng, ông phải rời đi một cách cay đắng.

“Là một người đã giúp lên kế hoạch cho các cuộc đảo chính, không phải ở đây, nhưng đảo chính ở những nơi khác cần rất nhiều công việc. Đó không phải là những gì Tổng thống Donald Trump đã làm”, ông Bolton nói.

Đối với vị cựu quan chức Mỹ, những nhận xét này chỉ mang tính tham khảo thoáng qua. Nó mang ý nghĩa chỉ trích gay gắt đối với vị cựu tổng thống hơn là một sự thừa nhận trách nhiệm, theo Washington Post.

 Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton lắng nghe Tổng thống Donald Trump nói chuyện với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Ảnh: Washington Post.

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton lắng nghe Tổng thống Donald Trump nói chuyện với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Ảnh: Washington Post.

Phản ứng gay gắt từ quốc tế

Những clip về nhận xét của ông Bolton đã lan truyền trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem trên mọi nền tảng. Chỉ vài giờ sau, nhiều quốc gia đã đưa ra lời lên án gay gắt, đặc biệt là ở những nơi ký ức về hàng thập kỷ can thiệp của Mỹ vẫn chưa phai mờ.

Các nhà quan sát quốc tế cũng đưa ra những suy đoán không chính thức sau phát biểu của ông Bolton.

Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đăng trên Twitter rằng những phát biểu của Bolton cho thấy nước Mỹ là “kẻ thù tồi tệ nhất của nền dân chủ và cuộc sống”. Ông Morales đã bị quân đội lật đổ vào năm 2019 sau cáo buộc gian lận bầu cử.

Ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về phát biểu của ông Bolton.

“Điều quan trọng là phải biết nước Mỹ đã lên kế hoạch đảo chính ở những quốc gia nào khác”, bà Zakharova nói với Sputnik.

Một số người Mỹ nghi ngờ về sự nghiêm túc trong phát ngôn của ông Bolton. Nhưng nhiều người cho rằng đây chỉ là sự xác nhận thêm về những gì họ đã biết.

“Điều này không có gì ngạc nhiên. Việc thừa nhận chỉ đơn giản cho thấy rằng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và lật đổ chính phủ của họ đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn của chính phủ Mỹ. Nó chiếm một phần rất lớn trong cuốn sách quy tắc của Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo ngày 14/7.

Ông Bolton trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ảnh: CNN.

Trong suốt cuộc phỏng vấn, Ông Bolton không nêu rõ những cuộc đảo chính mà ông đã tham gia vào việc lên kế hoạch. Khi người dẫn chương trình Jake Tapper gây sức ép, ông đã chỉ ra nỗ lực lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nhưng không thành công vào năm 2019.

Ông cũng nói thêm rằng nước Mỹ không liên quan quá nhiều đến vụ việc này. Nỗ lực lật đổ ông Maduro “rõ ràng không phải là một cuộc đảo chính”. Chính phủ của Tổng thống Maduro trước đó đã cáo buộc Mỹ giúp thúc đẩy bất ổn chính trị tại Venezuela.

Ông Maduro không đưa ra phản hồi sau bình luận của phía cựu quan chức Mỹ. Tuy nhiên, Samuel Moncada, đại diện thường trực của Venezuela tại Liên Hợp Quốc, đã viết trên Twitter rằng Bolton đã đúng, các cuộc đảo chính mất rất nhiều công sức.

“Với lý do này, ông ấy cũng đã thất bại với các đặc vụ của mình ở Venezuela”, ông Moncada viết.

Bước lùi

Một số chuyên gia về các vấn đề quốc tế cho rằng bình luận của ông Bolton có thể là một bước lùi đối với các chính sách có thiện chí của Mỹ.

“Nó gây tổn hại cho những nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ nền dân chủ của chúng tôi. Chúng tôi đã gặp đủ khó khăn khi đối phó với tuyên truyền của Nga và Trung Quốc”, Larry Diamond, học giả thuộc viện Hoover, Đại học Stanford, nói.

Đối với các nhà phê bình và đối thủ của nước Mỹ, Bolton thường đóng vai trò của một kẻ lừa đảo. Ông đại diện cho điều tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại và chủ nghĩa can thiệp tân bảo thủ của nước Mỹ.

Quan điểm cứng rắn khiến ông Bolton có rất ít bạn bè trên toàn thế giới. Nhưng dường như ông rất thích thú với danh tiếng của mình. Trong một cuốn sách, ông nói rằng việc bị truyền thông Triều tiên gán “cặn bã của loài người” vào năm 2003 là “giải thưởng cao nhất” mà ông nhận được.

John Bolton từng nắm hai vị trí quan trọng. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông đảm nhiệm vai trò kiểm soát vũ khí cấp cao trước khi trở thành Đại sứ tại Liên Hợp Quốc vào năm 2005. Bolton là người ủng hộ chính trong cuộc đổ bộ Iraq năm 2003 lật đổ Saddam Hussein.

John Bolton ngồi trước Thượng viện khi được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc năm 2005. Ảnh: AFP.

Sau chính quyền Bush, Bolton không còn được tham gia vào việc hoạch định chính sách đối ngoại. Ông chấp nhận vị trí tại các tổ chức tư vấn cánh hữu Washington, làm việc với một công ty cổ phần tư nhân và đóng vai trò là cộng tác viên của Fox News.

Ông trở lại văn phòng chính phủ vào tháng 4/2018 với tư cách là Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump. Nhưng ông không trụ được lâu và phải rời Nhà Trắng vào tháng 9/2019.

Chính sách đối ngoại dưới thời Trump gây tranh cãi rất lớn. Ông Trump đã tweet rằng bất chấp Bolton có danh tiếng “diều hâu”, vị tổng thống có quan điểm “mạnh mẽ hơn” về Cuba và Venezuela.

Quan điểm khó chấp nhận

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, truyền thông địa phương ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã liên kết những phát biểu mới nhất của ông Bolton với nỗ lực lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thất bại vào tháng 7/2016.

Vào thời điểm đó, ông Bolton không nắm giữ vị trí nào trong chính phủ nhưng luôn chỉ trích Tổng thống Erdogan gay gắt.

Takvim, một tờ báo ủng hộ chính phủ, đã chỉ ra những tuyên bố ủng hộ âm mưu đảo chính của ông Bolton vào năm 2016. Tờ báo lưu ý rằng ông Bolton đã phát biểu ủng hộ các nhóm người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng.

Ông Bolton cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách “tái lập vương quốc Hồi giáo Ottoman”. Bolton cũng chỉ trích ông Erdogan không ủng hộ cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003.

“Nếu ông ta chết, tôi sẽ không rơi nước mắt. Tôi không nghĩ ông ta là bạn của nước Mỹ”, ông Bolton nói.

Ông Bolton cùng Tổng thống Bush tại Phòng Bầu dục năm 2006. Ảnh: BBC.

Ông Bolton đã ủng hộ rất nhiều cuộc đảo chính trong quá khứ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với Al Jazeera, ông nói rằng các cuộc đảo chính đôi khi có thể là “một cách cần thiết để thúc đẩy lợi ích của Mỹ”.

“Tôi nghĩ Mỹ nên có khả năng đó”, ông Bolton nói. Ông đề cập đến Iran và Triều Tiên là hai quốc gia mà Mỹ nên tập trung vào.

Ông cũng bảo vệ cuộc lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh vào năm 1953. Vụ đảo chính được dàn dựng bởi CIA.

Một số cựu nhân viên tình báo Mỹ đã đáp trả nhận xét của Bolton bằng sự chế giễu.

“Bolton chưa bao giờ liên quan đến một cuộc đảo chính nào. Bất kỳ ai nghĩ rằng việc thúc đẩy các cuộc đảo chính là một ý tưởng hay đều là những người chưa đủ trải đời”, Milton Bearden, người giám sát các hoạt động bí mật của Mỹ ở Afghanistan vào những năm 1980, viết trên Twitter.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-day-song-vi-phat-ngon-ho-tro-dao-chinh-cua-ong-bolton-post1335613.html