Thế giới đang nghèo đi vì COVID-19

Thế giới đang đứng trước một cuộc 'khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo' bởi đại dịch COVID-19 đang đẩy toàn cầu vào một môi trường 'đầy bất trắc'. Từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020-2021.

COVID-19 gây ra hậu quả thảm khốc hơn Lehman Brothers

''Dịch COVID-19 cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới", đó là nhận định của IMF trong báo cáo công bố hôm 24-6-2020. GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9 % so với hồi năm 2019. Để so sánh, IMF chỉ ra rằng, trong trận đại hồng thủy tài chính hồi năm tháng 9-2008 với vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ, GDP toàn cầu chỉ mất 0,1%.

Khác biệt quan trọng giữa vụ Lehman Brothers phá sản và đại dịch COVID-19 lần này là tất cả các đầu tầu kinh tế của thế giới hồi 2008-2009 đã không bị "hỏng" cùng lúc như dưới tác động của COVID-19.

Dịch COVID-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại khu EU và Vương quốc Anh biến mất.

Dịch COVID-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại khu EU và Vương quốc Anh biến mất.

Nhìn vào những cột trụ kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ với dự báo tăng trưởng đang từ 6,9% năm ngoái rơi xuống còn 1%. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ là -8% trong năm nay. Tổng sảm phẩm nội địa tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm hơn 10%.

Trước đó, OECD cũng đưa ra những kết luận tương tự. 6% GDP của 37 nước thành viên OECD có nguy cơ bị "bốc hơi" vì COVID-19 và tệ hơn nữa là nếu dịch tái phát, khiến các quốc gia lại phải áp dụng giãn cách xã hội thì thiệt hại ước tính sẽ lên tới 7,6%.

Theo bà Laurence Boone, chuyên gia kinh tế tại OECD, các dự báo đều bi quan bởi thế giới đang đứng trước nhiều ẩn số. Vì vậy mà OECD đã phác họa ra hai kịch bản khác nhau. thứ nhất là thế giới đang trải qua khủng hoảng lớn gấp đôi so với biến cố hồi 2008-2009; thứ hai đây là lần đầu tiên toàn cầu bị tấn công cùng lúc, không một khu vực nào được yên ổn. Chúng ta đang đứng trước nhiều bất trắc, cho nên tổ chức OECD lập ra hai kịch bản để tìm cách đối phó hiệu quả nhất.

Trong 60 năm hoạt động, OECD lần đầu tiên ghi nhận trong thời bình mà nhân loại lại bị "nghèo đi" và COVID-19 gây trở ngại cho tiến trình "hội nhập kinh tế của thế giới", kèm theo đó là những tác động tai hại về mặt xã hội. Mức đo lường đầu tiên là nạn thất nghiệp. Khủng hoảng về y tế lần này đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 10% trong vòng vài tuần lễ. Với tại Anh hay Pháp, OECD dự báo sẽ có đến 15% dân số trong tuổi lao động bị gạt ra ngoài.

"Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả, là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng chúng ta vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị virus SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch. Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp", ba Laurence Boone nói.

Hãng tư vấn McKinsey cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh biến mất. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực EU sẽ tăng vọt từ mức 6% lên hơn 11% và tình trạng thất nghiệp cao sẽ còn duy trì trong nhiều năm nếu như dịch bệnh không sớm được kiểm soát.

Tan biến những nỗ lực của ASEAN

Theo báo cáo của IMF, nhóm 5 nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vốn rất năng động sẽ trông thấy GDP bị giảm đi mất 2%.

"Tăng trưởng bị suy yếu, đà phục hồi chậm chạp" là đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo được cập nhật hồi tháng 6-2020, GDP tại các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương đang từ 5,4% năm 2019 giảm xuống còn 0,1% trong năm nay. ADB cũng lưu ý rằng, đối với các quốc gia mà ngành du lịch đem về một nguồn thu nhập lớn, các nền kinh tế càng tập trung vào các dịch vụ giải trí, nhà hàng ... tác động của COVID-19 "càng tai hại hơn".

Theo bà Laurence Boone, dịch COVID-19 đã để lại ít nhất là ba bài học cho các quốc gia."Đã có nhiều mối căng thẳng trong trao đổi mậu dịch trước khi dịch COVID-19 bùng nổ. Chúng ta đã thấy chính những rào cản thuế quan đã đặt ra nhiều vấn đề, thí dụ như thiếu hụt loại giấy để sản xuất khẩu trang y tế.

Chuỗi sản xuất của thế giới đã thực sự trong thế bị động. Chúng ta bắt buộc phải tự hỏi cần làm những gì để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Theo tôi, chúng ta có thể rút ra được ba bài học chính.

Thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh để một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng. Thứ hai, chúng ta đã ỷ lại và lơ là với việc tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Bài học thứ ba là đối với một số lĩnh vực, chúng ta cần có những nhà máy và đơn vị sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay trong khối EU".

Dù là châu Âu hay châu Á, việc cả thế giới đã lần lượt và ít nhiều phải tạm đóng cửa các sinh hoạt trong một thời gian đã để lại những vết hằn và những món nợ khổng lồ. Hoạt động trong một số lĩnh vực, như trong ngành hàng không, khó có thể trở lại như xưa, cho tới khi nào giới y khoa tìm ra được thuốc trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.

Ngọc Trang (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/the-gioi-dang-ngheo-di-vi-covid-19-601702/