Thế giới đang đi vào 'vùng bão'?

Năm 2008 là năm bi tráng của kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng lan nhanh với phạm vi toàn cầu, gây ra những tổn nhất kinh tế nặng nề.

10 năm sau, dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính mới lại xuất hiện và không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra, như lời các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới nhận định. Thế giới đang cảnh giác với dự báo nguy hiểm này.

"Trăm năm mới có một lần"

Theo lời ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) thì cuộc khủng hoảng 10 năm trước là "hàng trăm năm mới có một lần". Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ.

Bong bóng bất động sản càng lúc càng phình to đã đặt thị trường nhà đất và tiếp đó là tín dụng Mỹ cũng như nhiều quốc gia châu Âu vào thế nguy hiểm. Cho vay dưới chuẩn tăng mạnh là khởi điểm cho quả bong bóng tại thị trường nhà đất. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách.

Dư nợ trong mảng này nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ vào năm 2007. Theo ước tính vào cuối quý III năm 2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với một phần ba các khoản này là nợ khó đòi.

Trước tình hình trên, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính... đã mua lại các hợp đồng thế chấp và biến chúng thành tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu ra thị trường. Chiến lược trên được đưa ra với mục đích giảm rủi ro cho những khoản vay bất động sản. Tuy nhiên, trái lại, nó tạo ra hiệu ứng sụp đổ dây chuyền và khiến rủi ro bị đẩy lên cao hơn.

Cuộc khủng hoảng vì thế lan từ thị trường bất động sản sang thị trường tín dụng, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tràn sang nhiều nước châu Âu khiến nhiều công ty lớn phá sản.

Cơn địa chấn tài chính thực sự nổ ra vào ngày 7-9-2008 khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae buộc phải để chính phủ tiếp quản để tránh khỏi nguy cơ phá sản.

Sự kiện này tiếp tục châm ngòi cho vụ đổ vỡ với những tên tuổi lớn khác. Vào ngày 15-9-2008, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers sau 158 năm tồn tại đã tuyên bố phá sản.

Đúng 10 ngày sau, Washington Mutual tạo nên vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử với tổng tài sản thiệt hại lên tới 307 tỷ đôla. Chính phủ Mỹ buộc phải bơm 85 tỷ đôla vào AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, để tránh cho thị trường tài chính nước này một kết cục tồi tệ hơn.

Rất nhiều người thất nghiệp sau sự kiện sụp đổ tài chính năm 2008. Ảnh: thenational.ae.

Bước vào quý IV năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế được đẩy lên một nấc thang mới khi nền tài chính và kinh tế của nhiều quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.

Xen giữa những sự kiện trên, 9 tháng vừa qua cũng chứng kiến các cơn sốt dầu, lương thực, và lạm phát làm khuynh đảo nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là giá dầu, từ mức 90 đôla/1 thùng vào đầu năm đã leo lên trên 100 đôla rồi xác lập kỷ lục trên 147 đôla một thùng. Giá lương thực khi đó cũng cực đắt đỏ tạo ra căng thẳng khắp nơi, thậm chí cả các quốc gia xuất khẩu lương thực. Nạn lạm phát từ đó cũng xảy ra tràn lan tại nhiều quốc gia.

Nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng báo động đỏ khi đồng tiền mất giá. Nhiều nền kinh tế lớn tuyên bố rơi vào suy thoái. Tình trạng đóng băng của hệ thống tài chính tiếp tục dẫn đến sự giảm sút trong các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân.

Hệ quả của tình trạng trên là nhiều doanh nghiệp phá sản và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia tăng cao, chi tiêu và chỉ số lòng tin của người tiêu dùng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Chỉ trong vài tháng, bức tranh kinh tế thế giới bị che phủ bởi những mảng tối đen đặc.

Đi về cơn bão

10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chúng ta nên đánh giá như thế nào về sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay?

Từ khi Mỹ xảy ra cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn vào năm 2008 đến nay, thế giới đã phải trải qua cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vào năm 2012, 2013, đến năm 2015 và 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi chậm lại do hoạt động tín dụng bị thắt chặt gây ra.

Tuy nhiên, từ năm 2017, nền kinh tế thế giới lại tiến vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định và mạnh mẽ.

Năm 2017 cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới đã đạt trên 3% trong liên tục 8 quý, đây là thời kỳ tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ hiếm thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định về tổng thể, năm 2018 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giống năm 2017, năm 2019 sẽ kém hơn một chút.

Tuy nhiên, mọi điều tốt đẹp mới xuất hiện có vẻ như đã chấm dứt kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Mark Mobius, người có nhiều năm kinh nghiệm ở các quốc gia đang phát triển cho rằng, chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính.

"Không sớm thì muộn khủng hoảng tài chính cũng sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng chúng ta sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ tràn ngập", Mobius nói trong một lần trả lời phỏng vấn ở Singapore.

Tỷ phú Bill Gates cũng có cùng quan điểm: Khủng hoảng tài chính 2008 chắc chắn sẽ quay trở lại.

Những người chèo lái kinh tế Mỹ trong cơn bão tài chính năm 2008 gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Henry Paulson, cùng Timothy Geithner, và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke trong lần “hội ngộ” mới đây cũng nhất trí rằng hệ thống ngân hàng giờ đã vững vàng hơn nhiều so với trước nhưng thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ và đống nợ đang phình to ra, dự kiến sẽ đạt 33 nghìn tỷ USD vào năm 2028, cùng với cái mà họ gọi là hệ thống chính trị "bất thường" của Mỹ có thể gây rắc rối nếu một cuộc khủng hoảng tài chính khác lại tấn công.

Tại sao xuất hiện những dự báo như vậy? Hãng tin CNN phân tích: Tổng thống Donald Trump đang là nhân vật chính khiến trật tự thế giới thay đổi.

Những thay đổi này đang làm lung lay “niềm tin” của thế giới khi ông Trump đang từng bước thực hiện các cam kết của mình là rút Mỹ khỏi các hiệp định toàn cầu mà nước này từng thúc đẩy như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); cũng như đặt câu hỏi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Các ngân hàng rút ra nhiều bài học sau sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Ảnh: Fortune.

Ngoài nguyên nhân Mỹ, các chuyên gia cũng dự báo một số nguyên nhân có thể là quả bom kích nổ cuộc khủng hoảng mới. Thứ nhất là nợ công và nợ thương mại đang ở mức báo động.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta có thể sẽ không thấy sự tái xuất hiện những trường hợp phá sản các ngân hàng như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008 nhưng chúng ta đang chứng kiến nợ công tăng khủng khiếp kể cả ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Italia và giờ là Mỹ Latinh... Quá trình tích lũy nợ công này không thể dừng lại rồi sẽ tới lúc “phát nổ”.

Thứ hai là tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư và cuối cùng là vì các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng phớt lờ các quy tắc của thị trường.

Và như thế, 10 năm nhìn lại, những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Phúc Vinh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/the-gioi-dang-di-vao-vung-bao-512206/