Thế giới đã chậm trong việc ngăn biến chủng Covid-19 xâm nhập?

Việc nhiều quốc gia, trừ Anh và Nam Phi, không đầu tư phân tích trình tự bộ gen của virus khiến các nước bị động và chậm trễ khi ngăn chặn biến chủng nCoV xâm nhập.

Ngày Đông chí có thể đã qua, nhưng ở những nơi Covid-19 vẫn hoành hành, màn đêm dường như kéo dài hơn.

Trong những tuần gần đây, hai biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ chóng mặt ở Anh và Nam Phi. Các đặc điểm đột biến mới khiến hai biến thể này lây lan nhanh hơn chủng virus thông thường.

Tuy biến thể mới của SARS-CoV-2 không gây tử vong nhiều hơn, tỷ lệ lây nhiễm của chủng virus mới tại Anh lại cao hơn gấp 1,5 lần. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi có tỷ lệ lây nhiễm rất cao.

 Nước Anh ghi nhận đợt bùng phát Covid-19 mới do biến thể SARS-CoV-2 gây ra từ tháng 12/2020. Ảnh: Getty.

Nước Anh ghi nhận đợt bùng phát Covid-19 mới do biến thể SARS-CoV-2 gây ra từ tháng 12/2020. Ảnh: Getty.

Biến thể mới lây lan nhanh hơn

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung vào sản xuất, phê duyệt và phân phối vaccine.

Thế nhưng, một thực tế mà các chính phủ cũng cần phải đối mặt là biến thể mới sẽ lan rộng trước khi phần lớn người dân đã được tiêm ngừa. Diễn biến này tăng độ khó cho các nhà hoạch định chính sách, theo nhận định của Economist.

Giới chuyên gia về sinh học tiến hóa không bất ngờ trước biến thể mới, bởi đây là cách hoạt động thông thường của các loại virus. Cơ chế chọn lọc tự nhiên khiến virus phát triển theo hướng dễ lây lan hơn và ít gây tử vong hơn.

Một số loại virus cảm cúm thoạt đầu cũng gây hoang mang như SARS-CoV-2. Chúng đều tiến hóa về sau.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không nên chủ quan, bởi một chủng virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn có thể gây nguy hiểm vì khiến hệ thống y tế quá tải.

Tại Anh, phần lớn dân số bị cách ly xã hội trong nhiều tuần qua. Số bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện ở nước này đang vượt quá mức đỉnh điểm từng được ghi nhận hồi tháng 4/2020. Các y bác sĩ đang phải vật lộn để cứu chữa người bệnh.

Các nước khác trên toàn thế giới đang "cách ly nước Anh" để ngăn chặn biến thể mới của virus.

Ngay sau khi các nhà khoa học Anh công bố phát hiện về biến thể mới vào giữa tháng 12/2020, hơn 50 quốc gia đã áp đặt lệnh cấm du khách từ Anh nhập cảnh. Một số quốc gia cũng áp dụng lệnh tương tự đối với du khách đến từ Nam Phi.

Nhân viên tang lễ khiêng quan tài của một phụ nữ tử vong vì Covid-19 ở Nam Phi ngày 21/7/2020. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, các quy định này chỉ có thể "câu giờ" và làm chậm quá trình lây lan, theo nhận định của Economist.

Vào đầu tháng 11/2020, trước khi lệnh cấm nhập cảnh nói trên được nhiều nước áp dụng, số ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 mới chiếm gần 30% các trường hợp mắc Covid-19 tại thủ đô London - một trong những trung tâm thông lưu quốc tế tấp nập nhất thế giới.

Vì vậy, Economist nhận định không nên ngây thơ cho rằng các ca bệnh mang biến thể mới của virus chưa lan ra toàn châu Âu và các nước khác trên thế giới.

Những tuần gần đây, hàng loạt nước - từ châu Âu sang châu Á, châu Mỹ - công bố phát hiện ca nhiễm biến chủng nCoV mới. Một khi xuất hiện, biến thể mới từ Anh có thể thay thế các chủng SARS-CoV-2 có từ trước chỉ trong vài tuần.

Có nên hoàn toàn trông đợi vào vaccine?

Cho đến nay, khoảng 20 quốc gia ghi nhận một vài ca bệnh có chủng đột biến của virus SARS-CoV-2. Một số nơi cho biết các bệnh nhân này đều từ Anh trở về. Một số nước khác, như Mỹ và Canada, nói người bệnh không có lịch sử đi lại đến những vùng nguy cơ.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở chỗ, hầu hết quốc gia - ngoại trừ Anh và Nam Phi - không đầu tư cho việc phân tích trình tự bộ gen của virus để phát hiện đột biến, theo Economist.

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, số lần Pháp phân tích virus SARS-CoV-2 còn ít hơn so với số lần xứ Wales thực hiện trong một tuần. Hầu hết quốc gia không để mắt đến điều này. Do đó, các biến thể khác của virus có thể đã lây lan mà không bị phát hiện.

Một tín hiệu tích cực là những biến thể này không thể tái nhiễm lên những người đã mắc Covid-19. Hai chủng mới của SARS-CoV-2 cũng không thể kháng các loại vaccine hiện nay.

Nhưng vẫn cần lưu ý rằng khi càng nhiều người được tiêm chủng, quá trình chọn lọc tự nhiên sẽ khiến virus có thể kháng vaccine. Đại diện hãng BioNTech cho biết một khi virus có khả năng này, vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất cần 6 tuần để điều chỉnh và đáp ứng.

Nhân viên chính phủ Mỹ ở bang Ohio được tiêm vaccine Covid-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia giàu có đã tích trữ sẵn vaccine, số lượng này có thể không đủ để ngăn virus lây lan, ít nhất là cho đến mùa hè năm nay.

Việc Anh phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford vào tuần qua có thể mang lại hiệu quả tích cực hơn, nhưng vẫn chậm so với tốc độ lây lan của biến thể mới, Economist nhận định.

Trong khi đó, các nước nghèo hơn và các nước có thu nhập trung bình sẽ phải đối mặt với tình trạng Covid-19 hoành hành trong thời gian lâu hơn thế.

Các quốc gia ở châu Âu và trên thế giới buộc phải đối phó với tình hình dịch bệnh đang thay đổi nhanh chóng này.

Dù quy định phong tỏa nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, giáo dục và sinh kế của người dân, các nhà chức trách phải cân nhắc liệu có nên ưu tiên ngăn chặn Covid-19 lây lan và tránh hậu quả lâu dài với sức khỏe người dân hay không.

Khi nhìn vào tình hình hiện nay, Economist nhận định vẫn có ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng con đường đi qua hầm đang trở nên gian nan hơn rất nhiều.

Toàn cảnh thế giới phong tỏa chống dịch trong năm 2020 Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa lên Vũ Hán vào tháng 1, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Khi dịch bệnh lây lan, các nước trên thế giới cũng bắt đầu phong tỏa.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-da-cham-trong-viec-ngan-bien-chung-covid-19-xam-nhap-post1169386.html