Thế giới có trên 17,8 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 1/8 (giờ Việt Nam), trên toàn cầu có tổng cộng 17.822.102 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 684.137 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Số ca bình phục là 11.214.474 ca và vẫn còn 65.578 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Số ca tử vong ở Mỹ đã lên tới 156.813 trường hợp trong tổng số 4.708.522 ca nhiễm. Trước đó, theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, trong toàn bộ tháng 7 vừa qua, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã tăng trên 25.000 ca và số ca nhiễm tăng gấp đôi ở 19 bang của nước này. Mỹ đã ghi nhận 1,87 triệu ca nhiễm mới trong tháng 7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 4,5 triệu ca, tăng 69%. Trong khi số ca tử vong trong tháng 7 tăng 20% lên gần 154.000 ca.

Mức tăng cao nhất trong tháng 7 được ghi nhận ở Florida với trên 310.000 ca nhiễm mới. Tiếp đến là bang California và Texas với mỗi bang có thêm khoảng 260.000 ca. Ba bang này đều ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi trong tháng 6. Số ca nhiễm tăng hơn gấp đôi cũng được ghi nhận ở Alabama, Alaska, Arizone, Arkansas, Georgia, Hawaii, Idaho, Mississippi, Missouri, Montana, Nevada, Oklahoma, Oregon, Nam Carolina, Tennessee và Tây Virginia.

Trong khi đó, bang Connecticut, Massachusetts, New Jersey và New York là những nơi có mức tăng thấp nhất với số ca nhiễm mới tăng 8% hoặc ít hơn. Còn tại bang Arizona, Florida và Texas, tình hình dịch bệnh có vẻ ổn định sau khi tăng mạnh về số ca nhiễm. Giới chức y tế Mỹ lo ngại dịch bệnh đã chuyển sang khu vực Trung Tây từ những người tới đây nghỉ Hè.

Cũng tại khu vực Bắc Mỹ, Mexico thông báo ghi nhận thêm 688 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 46.688 ca trong tổng số 424.637 ca mắc COVID-19. Như vậy, Mexico đang là nước có số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil - quốc gia cũng đã có tới 92.568 ca tử vong, trong tổng số 666.298 ca nhiễm COVID-19.

Các thống kê trên cho thấy châu Mỹ vẫn đang là điểm nóng nhất và chịu nhiều tổn thất về người nhất thế giới trong đại dịch COVID-19

Tình hình dịch bệnh tại châu Á cũng rất đáng lo ngại, ngày 1/8, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo đã phát hiện thêm 472 ca mắc COVID-19. Đây là mức cao nhất kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020 và là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới liên tục phá đỉnh. Như vậy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Tokyo cho đến thời điểm này là 13.163 người, trong đó chỉ riêng trong tháng 7 đã có 6.466 người mắc mới, mức cao nhất trong một tháng.

Trong bối cảnh Tokyo đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, kể từ ngày 1/8, chính quyền thủ đô Tokyo đã một lần nữa yêu cầu các quán bar và cửa hàng karaoke đóng cửa sớm (vào lúc 22 giờ tối) để hạn chế sự lây lan của virus SARS-COV-2. Bên cạnh đó, theo Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, chính quyền thành phố có thể sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh khác đóng cửa sớm hơn. Ngoài ra, bà Koike cảnh báo “nếu tình hình tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô”.

Cùng ngày, tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân ở nhà trong 2 tuần trong bối cảnh địa điểm du lịch nổi tiếng này đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng. Okinawa ngày 31/7 thông báo thêm 71 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 395 ca, trong đó có 248 ca là các binh sĩ trong lực lượng Mỹ đồn trú ở tỉnh này.

Tính trên cả nước Nhật Bản, đến nay nhà chức trách đã ghi nhận khoảng 35.200 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1. Số ca nhiễm đã gia tăng sau khi chính quyền trung ương dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua.

Tại Hàn Quốc, người đứng đầu giáo phái Tân Thiên Địa, giáo phái có liên quan tới 5.000 ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã bị bắt với cáo buộc cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của chính phủ.

Tòa án quận Suwon, phía Nam thủ đô Seoul, đã phát lệnh bắt giữ đối với Lee Man-hee, người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa. Các công tố viên nghi ngờ ông Lee Man-hee đã khai báo không trung thực về danh sách tín đồ cũng như thông tin về các địa điểm tụ họp của giáo phái khi giới chức y tế yêu cầu trình báo hồi tháng 2, thời điểm ổ dịch lớn nhất này của Hàn Quốc bùng phát. Ngoài ra, ông Lee Man-hee cũng bị cáo buộc biển thủ 5,6 tỷ won (4,68 triệu USD) ngân sách của giáo phái này và tổ chức các sự kiện tôn giáo ngay cả khi không được phép từ năm 2015 đến 2019.

Giáo phái Tân Thiên Địa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận do có liên quan tới hầu hết các ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc hồi đầu năm nay. Một trong những nhà thờ của giáo phái này ở thành phố Daegu đã trở thành ổ dịch đầu tiên làm bùng phát dịch COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC) cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở nước này trong cùng ngày đã giảm xuống còn khoảng 30 ca trong bối cảnh quốc gia trên đang nỗ lực hơn để hạn chế hạn chế số ca "nhập khẩu" và lây nhiễm trong cộng đồng ở những người đi nghỉ mát tại các khu cắm trại.

Theo KCDC, Hàn Quốc đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 23 ca nhập khẩu và 8 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 14.336 ca. Mặc dù cố ca mắc mới này giảm so với 36 ca của ngày hôm trước, song giới chức y tế nước này vẫn đang nâng cao cảnh giác do những quan ngại về khả năng lây nhiễm bệnh từ nước ngoài và trong cộng đồng trong thời gian nghỉ Hè. Cũng theo trung tâm trên, số ca mắc COVID-19 nhập khẩu ở Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã tăng lên mức 2 con số do sự lây lan từ những lao động của nước này trở về từ Iraq và Nga.

Trong khi đó, giới chức y tế Trung Quốc ngày 1/8 cho biết đã nhận được báo cáo về 45 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới được xác nhận ở nước này trong ngày 31/7, trong đó có 39 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Cụ thể, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong số 39 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 31 ca ở khu tự trị Tân Cương và 8 ca ở tỉnh Liêu Ninh. Ngoài ra còn có 6 ca "nhập khẩu". Tổng số ca mắc COVID-19 mới nói trên giảm mạnh so với 127 ca một ngày trước đó, trong đó có 23 ca không có triệu chứng, tuy nhiên hiện không có ca nào tử vong hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc đã mở một bệnh viện dã chiến với 500 giường nhằm tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh thành phố này đang nỗ lực chống chọi với một làn sóng lây nhiễm mới.

Hong Kong đã từng là hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch, với việc các ca lây truyền trong cộng đồng đã kết thúc từ đầu mùa Hè. Tuy nhiên, từ tháng 7, mầm bệnh đã trở lại. Hơn 2.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận từ đầu tháng 7, tương đương 60% tổng số ca nhiễm tại đặc khu này kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên cuối tháng 1. Việc mở cửa một bệnh viện dã chiến được thực hiện một ngày sau khi Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo hoãn cuộc bầu cử lập pháp sang năm sau nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong ngày 1/8, Hong Kong đã ghi nhận 125 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, thành phố này ghi nhận trên 100 ca nhiễm mới mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.396. Số ca tử vong tăng 7 ca trong ngày 1/8, lên tổng số 31 ca.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã ghi nhận thêm 4.963 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất trong một ngày. Bộ Y tế nước này cho biết tổng số ca nhiễm đã lên tới 98.232 ca, trong khi số ca tử vong tăng 17 trong ngày 1/8 lên mức 2.039 ca. Trong khu vực ASEAN, Philippines chỉ đứng sau Indonesia về số ca nhiễm và tử vong. Tính đến nay, Indonesia có 109.936 ca nhiễm, trong đó có 5.193 ca tử vong. Campuchia cũng ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới trong ngày 1/8. Trong số 5 ca mới có một bệnh nhân nam người Indonesia và 4 bệnh nam nam người Campuchia từ Pakistan nhập cảnh. Như vậy, Campuchia hiện có 239 ca nhiễm, trong đó 164 người đã khỏi bệnh.

Tại châu Âu, hai nguồn tin trong ngành hàng không Nga cho biết các quan chức nước này đang thảo luận về khả năng nối lại toàn bộ các chuyến bay quốc tế với các quốc gia khác từ ngày 11/8, song vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Do nguy cơ lây lan dịch COVID-19, từ cuối tháng 3, Nga đã hạn chế hoạt động vận tải hàng không quốc tế. Ngoại lệ duy nhất là các chuyến bay đưa người Nga bị kẹt ở nước ngoài về nước cũng như đưa các công dân nước ngoài cần được về quê hương. Thủ tướng Mikhail Mishustin ngày 24/7 thông báo nối lại một phần các chuyến bay từ ngày 1/8. Ba quốc gia đầu tiên Nga nối lại các chuyến bay là Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Tanzania. Một nguồn thạo tin cho biết ở giai đoạn tiếp theo dỡ bỏ các hạn chế, Nga đang xem xét nối lại các chuyến bay tới Maldives và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tại Hy Lạp, nước này đã quyết định mở lại 6 cảng biển chính của mình cho các du thuyền, lần đầu tiên kể từ mùa du lịch bị cắt ngắn do dịch bệnh. Tuy nhiên, dự kiến sẽ không có du thuyền nào cập cảng trong 3 tuần tới.

Trong bức thư gửi Hiệp hội Du thuyền quốc tế (CLIA) và 3 hãng lữ hành lớn, Bộ trưởng Du lịch Harry Theoharis cho biết cảng Piraeus ở thủ đô Athens và các cảng Rhodes, Iraklio, Volos, Corfu và Katakolo sẽ được phép mở cửa đón du khách. Sau khi cập các cảng biển trên, các du thuyền được phép đi bất cứ đâu trong lãnh thổ Hy Lạp, nhưng phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở từng địa phương.

Đến nay, giới chức Hy Lạp đã thông báo gần 4.500 ca nhiễm và 206 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ bảo vệ dân sự Hy Lạp Nikos Hardalias cho biết nước này sẽ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở cả những không gian công cộng ngoài trời, nơi không thể tuân thủ giãn cách xã hội phù hợp.
Trong khi đó, quốc gia thuộc khu vực Trung Đông là Kuwait đã cấm mọi chuyến bay thương mại tới 31 quốc gia được cho là có nguy cơ cao lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cục Hàng không dân dụng Kuwait ngày 1/8 cho biết lệnh cấm trên sẽ áp dụng từ ngày 18/8 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Trong danh sách có Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Philippines, Leban, Sri Lanka, Trung Quốc, Iran, Brazil, Mexico, Italy, Iraq...

Lệnh cấm được ban bố đúng ngày Kuwait bắt đầu nối lại một phần các chuyến bay thương mại. Cơ quan trên cho biết sân bay quốc tế Kuwait sẽ vận hành khoảng 30% công suất từ ngày 1/8, và tăng dần trong các tháng tiếp theo.

Kuwait hiện ghi nhận gần 67.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 400 ca tử vong. Nước này đã bắt đầu kế hoạch mở cửa trở lại theo 5 giai đoạn kể từ tháng 6. Hiện lệnh giới nghiêm một phần vẫn đang có hiệu lực.

Thanh Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-co-tren-178-trieu-ca-mac-covid19-20200801211850907.htm