Thế giới chung tay hỗ trợ Ấn Độ đẩy lùi đại dịch COVID-19

Hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Nga, Pháp và Anh gấp rút cung cấp các thiết bị y tế quan trọng để giúp Ấn Độ đối phó làn sóng thứ hai của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang bùng phát dữ dội tại nước này.

Các bình oxy được chuẩn bị để sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các bình oxy được chuẩn bị để sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết các quốc gia đang gửi hàng trăm máy tạo oxy, mặt nạ thở và một lượng lớn oxy lỏng để chung tay xoa dịu tình hình khó khăn mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt.

Trong số những cam kết viện trợ quốc tế đã được đưa ra, dự kiến một phần lớn sẽ đến từ Mỹ sau cuộc điện đàm của Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 26/4. Hỗ trợ của Mỹ nhiều khả năng bao gồm các thiết bị chăm sóc y tế khẩn cấp, thiết bị cung cấp khí oxy y tế và vaccine cũng như thuốc men. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc sử dụng “mọi nguồn lực sẵn có” để tham gia nỗ lực hỗ trợ ngành y tế của Ấn Độ.

Một phần hỗ trợ quan trọng từ Mỹ sẽ là các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vaccine tại Ấn Độ. Mỹ cũng dự kiến sẽ cung cấp ít nhất 10 triệu liều vaccine AstraZeneca sau khi các nhà chức trách "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu sang Ấn Độ. Tổng cộng, Ấn Độ có thể nhận được 60 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Mỹ trong hai tháng tới. Ngoài ra, các cơ quan của Ấn Độ và Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác trong những tháng tới trong vấn đề vaccine và các thiết bị liên quan đến oxy. Trong khuôn khổ Sáng kiến vaccine nhóm Bộ Tứ, tập đoàn tài chính phát triển Mỹ (DFC) sẽ tài trợ cho việc tăng cường đáng kể năng lực sản xuất của Bio E - nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ. Dự kiến, Bio E sẽ có thể sản xuất 1 tỷ liều vaccine COVID-19 đến năm 2022.

Trong khi đó, viện trợ từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới dự kiến sẽ được chuyển đến Ấn Độ theo nhiều giai đoạn. Tuần này, Pháp sẽ gửi 8 nhà máy tạo oxy quy mô lớn lắp đặt nhanh và một số lượng lớn các thiết bị như mặt nạ thở và bơm tiêm điện, và sẽ chuyển 5 côngtennơ chứa oxy lỏng vào tuần tới. Trong khi đó, Đức sẽ cung cấp nhà máy sản xuất ôxy cùng 120 máy trợ thở và các thiết bị bảo hộ như khẩu trang KN95. Hiện Ấn Độ đã nhận được chuyến hàng viện trợ y tế đầu tiên từ Anh gồm 100 máy thở và 95 máy tạo oxy (trong tổng số 495 máy) vào sáng 27/4.

Cũng giống như các quốc gia đối tác lớn khác, Australia ngày 27/4 thông báo sẽ cung cấp cho Ấn Độ 500 máy thở, 1 triệu khẩu trang y tế, 500.000 khẩu trang P2 và N95, và hàng chục nghìn vật dụng bảo hộ khác cho nhân viên y tế tuyến đầu tại Ấn Độ. Singapore đã cung cấp 4 container chứa oxy lỏng. Saudi Arabia cũng đang chuyển 80 tấn oxy lỏng bằng đường biển. Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gửi lần lượt 4 và 6 thùng chứa oxy lỏng; Trung Quốc đã gửi 800 máy tạo oxy và Ireland đang chuyển 70 máy tạo oxy.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cũng đã nhận được các cuộc gọi từ những người đồng cấp Marc Garneau của Canada và Ahmed Nasser Mohammed Al Sabah của Kuwait, trong đó thảo luận về cách thức tăng cường nỗ lực của Ấn Độ để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này sáng 28/4 ghi nhận các mức tăng kỷ lục cả về số ca nhiễm mới lẫn ca tử vong, với gần 361.000 ca COVID-19 và 3.293 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 17,99 triệu, trong khi số người chết do COVID-19 vượt mốc 200.000.

Tình trạng khẩn cấp y tế tại Ấn Độ được đánh giá sẽ gây ra tác động toàn cầu đối với những quốc gia dựa vào nguồn cung vaccine AstraZeneca từ Ấn Độ, và dẫn đến cả nguy cơ xuất hiện những làn sóng lây nhiễm mới trên thế giới. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo việc virus lây lan không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch. Điều đó sẽ đòi hỏi các quốc gia phải nhìn xa trông rộng, không chỉ về cuộc khủng hoảng y tế ở nước mình, luôn cảnh giác trước nguy cơ đại dịch trở nên trầm trọng hơn.

Huy Lê (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-chung-tay-ho-tro-an-do-day-lui-dai-dichcovid19-20210428133346188.htm