Thế giới chứng kiến nắng nóng dai dẳng kỷ lục

Theo hãng AP, từ vùng Bắc cực lạnh giá đến Nam Mỹ truyền thống oi bức, nhiều khu vực ở Bắc bán cầu đang chứng kiến tình trạng nắng nóng khắc nghiệt trong những ngày hè.

Tại Mỹ, đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ tăng mạnh ở nhiều khu vực và độ ẩm cao đã khiến hầu hết người dân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.

Nắng nóng kéo dài. Ảnh: AP

Nắng nóng kéo dài. Ảnh: AP

"Ngày 23/6, ít nhất 8 bang của Mỹ đã chứng kiến mức nhiệt 37,8 độ C, thậm chí là chạm mức nhiệt cao kỷ lục của nước này trong thời gian qua", Cơ quan Khí hậu quốc gia Mỹ cho biết.

Mức nhiệt tăng kỷ lục vào ngày 23/6 đã khiến người dân Mỹ phải chứng kiến đợt nắng nóng oi bức. Các nhà khoa học cho biết mức nhiệt cao diễn ra là tín hiệu mới nhất của biến đổi khí hậu ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

"Bởi mức nhiệt cao, những người không đủ tiền mua điều hòa hay làm việc ngoài trời chỉ có lựa chọn duy nhất là phải chịu đựng", chuyên gia khí hậu học và Giáo sư trong tổng số Khoa học Khí quyển tại Đại học Texas A&M - Andrew Dessler nói.

Sau khi chứng kiến 3 ca tử vong vì sốc nhiệt, Chicago đã thay đổi quy tắc làm mát trong thời tiết nắng nóng kỷ lục.

Ở Macon, Georgia, nhiệt độ đạt 40,6 độ C vào ngày 22/6. Đến ngày 23/6, nhiệt độ tiếp tục đạt đỉnh là 40 độ C, mức kỷ lục trong ngày. Ngay cả Minneapolis cũng liên tục duy trì mức hơn 38 độ C từ đầu tuần này.

Ông Marc Chenard, nhà khí tượng thủy văn ở Trung tâm Dự báo Thời tiết cho rằng, có lẽ chỉ ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc mới không phải chứng kiến những đợt nắng nóng "như thiêu như đốt" hiện tại. Vào ngày 23/6, nhiều bang của Mỹ như Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, Georgia, Florida, Arizona và California đã chứng kiến mức nắng nóng trên 38 độ C. Các bang Bắc và Nam Carolina, Kentucky và Tennessee cũng phải hứng chịu mức nhiệt này.

"Đợt nắng nóng này đã kéo dài trong hơn một tuần qua", ông Chenard nhấn mạnh.

Nắng nóng hơn so với mọi năm

Theo ông Maximiliano Herrera, người theo dõi mức nhiệt độ kỷ lục toàn cầu cho biết thành phố Norilsk của Nga đã chứng kiến mức nhiệt 32 độ C vào ngày 23/6, chạm mốc ngày nóng nhất trong tháng 6 và cũng là ngày nóng nhất của cả năm. Trong khi đó, một số thành phố của Nhật Bản như thành phố Nobeoka cũng đang chứng kiến mức nhiệt cao nhất vào tháng 6 (khoảng 36,1 độ C) và thành phố Turpan, Trung Quốc cũng ghi nhận mức 46,5 độ C. Chuyên gia Herrera nói rằng nắng nóng khiến anh không có thời gian để ăn hay ngủ và liên tục phải theo dõi tình hình thời tiết hiện tại.

Thêm vào đó, đợt nắng nóng ở châu Âu cũng đang gây ra cháy rừng ở Đức và Tây Ban Nha. Giáo sư khí tượng học của Đại học Bắc Illinois Victor Gensini cho biết những gì đang xảy ra trong đợt nắng nóng sớm này đúng như dự báo về hiện tượng trái đất đang nóng lên.

"Nhiệt độ trái đất đang ấm lên toàn cầu với mức trung bình khoảng 1,1 độ C và chúng ta đang dự đoán tình trạng ấm lên hơn 2,2 độ C trong thế kỷ này", ông Dessler nói. "Tôi thực sự không thể tưởng tượng được điều đó tồi tệ như thế nào".

Các quốc gia châu Âu chứng kiến đợt nắng nóng bất thường dẫn tới cháy rừng trên quy mô rộng. Theo hãng AP, Tây Ban Nha và Đức đang phải vật lộn đối phó với tình trạng cháy rừng trong bối cảnh đợt nắng nóng bất thường xảy ra ở nhiều quốc gia châu Âu. Mức nhiệt hơn 40 độ C cũng được ghi nhận ở nhiều khu vực của Tây Ban Nha trong suốt tuần qua. Đức cũng chứng kiến nhiệt độ lên tới 38 độ C ở các bang phía đông Brandenburg, Thuringia và Sachsen. Các thành phố như Cottbus, bang Brandenburg, nhiệt độ là 38,7 độ C, mức cao nhất trong tháng 6 ở Đức.

"Do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng sẽ bắt đầu đến sớm hơn và sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan hơn trong thời gian tới", bà Clare Nullis, phát ngôn viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới tại Geneva, cho biết.

"Ở Raleigh, Bắc Carolina, nhiệt độ đang chạm mức gần 38 độ C và thường thì thành phố chỉ đạt mức nhiệt này trong một ngày/năm. Tuy nhiên, năm nay, mức nhiệt này đến sớm và lâu hơn", nhà khí hậu học liên bang Kathie Dello cho biết.

"Ở đông nam Mỹ, nhiều người thiếu khả năng tiếp cận hệ thống làm mát đủ và ổn định hoặc không đủ khả năng sử dụng hệ thống làm mát trong các hộ gia đình. Bệnh tật và tử vong do nắng nóng là một trong những rủi ro sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng khi khí hậu thay đổi", bà Kathie Dello nhấn mạnh.

Theo ông Chenard, sắp tới một số vùng của Mỹ có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết ít nhất phải bước vào đầu tháng 7, khí hậu mới mát hơn chút nhưng chắc chắn, mùa hè sẽ vẫn nóng hơn so với mọi năm./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/the-gioi-chung-kien-nang-nong-dai-dang-ky-luc-20220624111621719.htm