Thế giới chống kẹt xe và ô nhiễm như thế nào?

Nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Bangkok, Manila, Singapore... Không chỉ thế, nạn ô nhiễm môi trường cũng xảy ra trầm trọng tại Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Chính phủ những nước đó đã đối phó với vấn nạn nhức nhối này như thế nào?

Giải pháp nào để hạn chế kẹt xe?

Chính quyền mỗi đô thị đều căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, phải lựa chọn những giải pháp riêng để xử lý nạn kẹt xe gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Singapore là một trong những thành phố áp dụng hiệu quả việc thu phí sử dụng đường bộ nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân.

Tại Bangkok (Thái Lan) số xe đã nhiều hơn số người: Hiện có khoảng 8,9 triệu xe, trong khi dân số chính thức chỉ gần 6 triệu người. Mặc dù thế, con số những người lưu thông trên đường phố Bangkok mỗi ngày lên đến 17 triệu người, và chỉ có 40% trong số họ sử dụng các phương tiện công cộng. Để giải quyết vấn nạn kẹt xe trầm trọng, chính quyền Thái Lan đã có nhiều biện pháp hạn chế việc sở hữu xe hơi, vốn đã được đề xuất từ cuối năm 2015 bao gồm: Người mua xe phải chứng minh mình có nơi đậu xe mới được mua, phạt nặng những người đậu xe gây ách tắc, tăng phí đậu xe ở trung tâm thành phố...

Bên cạnh việc hạn chế xe hơi, Thái Lan đang tích cực cổ vũ người dân đạp xe bằng cách xây làn đường riêng cho xe đạp, tổ chức ngày hội đi xe đạp... Tuy nhiên, sau tất cả các biện pháp, kẹt xe thâm căn cố đế vẫn là một trong những điều khó chịu nhất cho dân bản địa và những du khách đến Bangkok.

Chính phủ Philippines giảm kẹt xe ở thủ đô Manila - nơi có nạn kẹt xe kinh khủng nhất thế giới, bằng... cáp treo. Manila với tổng số dân hơn 20 triệu người, là một bài toán nan giải về nạn kẹt xe, nay vẫn chưa có lối ra cho chính quyền và các cơ quan liên đới. Rất nhiều biện pháp đã từng được cân nhắc, từ phổ biến đến ý tưởng điên rồ. Có thể kể đến những sáng kiến như xây thêm đường, tăng thuế cho những gia đình mua chiếc xe thứ hai hoặc ba, thậm chí xây một... thủ đô mới để đưa toàn bộ công chức về đó.

Thêm một biện pháp nữa: Chủ xe hơi không thể muốn lái xe ra đường ngày nào tùy ý, mà phải căn cứ vào số cuối cùng trong số đăng ký xe, theo đó, nó sẽ quy định ngày nào chủ xe có thể lưu thông trên đường, và mỗi con số chỉ có một số ngày nhất định được phép tham gia giao thông. Tiến xa hơn, vào tháng 6/2016, một lãnh đạo ngành giao thông Philippines nêu đề xuất sử dụng... cáp treo để giúp giảm áp lực lưu thông trên đường phố.

Tại Rangoon (thủ đô của Myanmar cho đến năm 2006), sau khi Myanmar mở cửa thị trường cho phép các nhà nhập khẩu xe tư nhân được tham gia, nước này đối mặt với bài toán giao thông khó khăn. Giá xe hơi giảm mạnh, ngay cả những gia đình trung lưu cũng mua được xe. Lượng xe hơi tăng đột biến gây ra nạn kẹt xe, trong khi hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng vẫn chưa được cải thiện. Và biện pháp trước mắt của chính phủ là kêu gọi người dân hãy sử dụng các phương tiện lưu thông công cộng, song song với biện pháp kêu gọi chủ không lái xe hơi ra đường vào những giờ cao điểm.

Chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) lại có sáng kiến hạn chế lượng xe cộ bằng cách giới hạn cấp phép đăng ký ô tô mới. Tháng 6/2016, trong số 2,7 triệu đơn đăng ký qua mạng, chỉ có 1/725 số đơn được duyệt cấp phép. Biện pháp này đã được áp dụng từ tháng 1/2011, rất có hiệu quả. Những người không may mắn phải chọn một giải pháp khác: Mang xe ra tỉnh, thành bên ngoài Bắc Kinh đăng ký, rồi theo quy định, phải xin một giấy phép gọi là “giấy ra vào Bắc Kinh”, và mỗi tuần họ phải lên cảnh sát để gia hạn giấy phép này! Để giải quyết nạn kẹt xe hữu hiệu hơn, chính quyền đang cân nhắc cả việc thu phí ùn tắc để hạn chế người dân tham gia giao thông vào giờ cao điểm.

Kẹt xe hơi trong giờ cao điểm tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc.

Vì sợ ô nhiễm, dân làng Nickerson (Mỹ) từ chối dự án 300 triệu USD

Người dân tại làng Nickerson, bang Nebraska, Mỹ đã thẳng thừng từ chối dự án xây dựng khu chế biến gà trị giá 300 triệu USD, do lo ngại khi bắt đầu đưa vào hoạt động, nó sẽ tác động đến môi trường và cuộc sống của tất cả mọi người. Thoạt tiên, chính quyền địa phương nghĩ rằng, ngôi làng Nickerson là vị trí hoàn hảo để xây dựng nhà máy chế biến thịt gà bởi nó có thể tạo ra 1.100 việc làm, trong khi dân số nơi đây chỉ khoảng 400 người. Tuy nhiên, khi kế hoạch bị rò rỉ, thay vì hồ hởi đón chào dự án 300 triệu USD, người dân nơi đây đã bừng bừng nổi giận biểu tình phản đối.

Họ phản đối là phải. Không lo lắng sao được khi những chiếc xe tải gầm rú suốt ngày đêm cùng mùi hôi thối từ nhà máy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình, bản thân, con cái của họ. Chưa kể, số công nhân do nhà máy tuyển cùng những người nhập cư đến làng để làm việc, chắc chắn sẽ làm đảo lộn tất cả, từ truyền thống đến giờ giấc sinh hoạt, nếp sống, cùng các mối quan hệ khác của dân làng.

Theo Jackie Ladd - một người dân sống ở Nickerson đã hơn 30 năm: Mọi người đều chống lại điều đó vì trên thực tế sẽ không có bao nhiêu chỗ làm cho người bản địa. Do vậy, dân làng đã bỏ phiếu chống lại việc xây dựng dự án triệu đô, và chủ công ty đã phải tìm một địa điểm khác để thay thế.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trên khắp nước Mỹ, nhiều khu vực nông thôn đã từ chối các dự án tương tự về chế biến thịt hay các thứ khác. Họ sợ chúng làm ô nhiễm môi trường sống.

Thủy Tiên (Theo Reuters, 10/2016)

_NTD_So 69_4

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/the-gioi-chong-ket-xe-va-o-nhiem-nhu-the-nao-d47653.html