Thế giới bị sốc khi Liên Xô chinh phục xong Bắc Cực

Trạm nổi đầu tiên của Liên Xô không chỉ mang lại những dữ liệu khoa học độc đáo mà còn mang lại nguồn thu ngoại tệ.

Trạm nổi "Bắc Cực-1". 1937 / RIA Novosti

Schmidt chống lại quan điểm của Amundsen

Trong lịch sử, nước Nga thường làm những việc mà thế giới phải thừa nhận là không thể làm nổi.

Nhà thám hiểm vĩ đại người Anh James Cook tuyên bố rằng: không có lục địa nào tồn tại ở Nam Cực, và giả sử nếu có thì con người cũng không thể tiếp cận được nó vì không thể nào xuyên qua lớp băng vĩnh cửu.

Tất cả đều tin vào nhận định của Cook trừ người Nga.

Vào năm 1820, không nghe theo những giả thiết của Cook, các con tàu Thaddeus Bellingshausen và Mikhail Lazarev đã đi xa hơn ông ta và phát hiện ra Nam Cực.

Nhà thám hiểm lỗi lạc Roald Amundsen là người đã khám phá ra Nam Cực.

Và trong khi bay qua Bắc Cực trên chiếc khinh khí cầu máy "Na Uy", ông cho biết: "Chúng tôi không phát hiện ra bất kỳ địa điểm thích hợp nào để đáp xuống trong suốt chuyến bay dài từ Svalbard đến Alaska.

Không hề có chỗ nào! Và ý kiến của chúng tôi là: không nên bay sâu vào những cánh đồng băng này, cho đến khi các thiết bị bay trở nên hoàn hảo tới mức không phải sợ nếu như phải hạ cánh bắt buộc!"

Đến giữa những năm 1930, kỹ thuật hàng không trên thế giới vẫn còn chưa được tân tiến. Nhưng vẫn có những con người cho rằng những cảnh báo của Amundsen (chính bản thân ông cũng bị mất tích ở Bắc Cực) không liên quan gì đến họ. Và đó chính là những người đàn ông dũng cảm của nước Nga.

4 thành viên của đoàn thám hiểm tại trạm nổi "Bắc cực-1"

Tháng 2/1936, Otto Schmidt - một trong những người tích cực nhất và là nhà tổ chức chính công cuộc nghiên cứu Bắc cực của Liên Xô, trong một cuộc họp tại điện Kremlin đã trình bày kế hoạch thám hiểm bằng đường không đến Bắc Cực và thành lập các trạm nghiên cứu tại khu vực đó.

Trên thế giới chưa có ai dám làm điều tương tự như thế. Hơn nữa, những lời của Amundsen như một tuyên ngôn rõ ràng về sự bất khả xâm phạm của khu vực này.

Nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô đã tin tưởng vào Otto Schmidt, mặc dù vài năm trước chiếc tàu thám hiểm "Chelyuskin" đã hy sinh, có liên quan tới những quyết định sai lầm của Schmidt.

Dự án mới của Schmidt đã được thông qua, và chính phủ đã ký lệnh tổ chức một đoàn thám hiểm đến Bắc Cực vào năm 1937, sử dụng máy bay để cung cấp trang thiết bị và đồ dùng cho các trạm nghiên cứu ở trên đó.

Những nhà thám hiểm vùng cực được đào tạo giống như đào tạo những phi hành gia sau này.

Cuộc thám hiểm cần phải thu thập những dữ liệu cho phép tiếp tục chinh phục tuyến đường ở biển Bắc cũng như ở Bắc Cực nói chung.

Ngoài ra, chính các trạm nghiên cứu nổi của Liên Xô ở Bắc Cực đã tuyên bố quyền ưu tiên của Liên Xô trong việc thăm dò và phát triển khu vực này.

Người Nga một lần nữa đã làm những việc chưa có ai trên thế giới từng làm, và những việc như vậy luôn luôn tăng cường uy tín của một cường quốc.

Đúng là, nếu như cuộc thám hiểm thất bại. Và tệ hơn nữa, nếu các thành viên trong đoàn thám hiểm hy sinh, thì ngược lại, điều đó sẽ biến thành những tổn thất nghiêm trọng đến uy tín quốc gia. Nhưng nếu như không chấp nhận rủi ro thì không thể trở thành người tiên phong được.

Trạm trung chuyển để tấn công lên vùng cực được đặt trên đảo Rudolph thuộc quần đảo Franz Josef Land vào mùa hè năm 1936. Các con tàu đã chở vật liệu xây dựng, vật tư và thiết bị cho trạm trung chuyển tương lai.

Các nhà thám hiểm vùng cực Peter Shirshov và Ivan Papanin đặt trên xe trượt tuyết toàn bộ “gia tài” của một ngôi nhà ở trên trạm nổi "Bắc cực-1". Năm 1937 Ảnh: RIA Novosti

Người ta chuẩn bị cho cuộc thám hiểm cẩn thận không kém gì chuẩn bị cho một chuyến bay vào vũ trụ sau hơn một phần tư thế kỷ. Chiếc lều cho nhân viên ở do nhà máy cao su Moscow thiết kế.

Khung của nó được làm bằng các ống nhôm dễ tháo rời; tường làm bằng nhiều lớp bạt, giữa các lớp bạt được xếp 2 lớp lông tơ của loài nhạn biển, sàn bằng gối cao su.

Có 2 đài vô tuyến điện – 1 đài chính và 1 đài khẩn cấp - được chế tạo đặc biệt tại Phòng thí nghiệm vô tuyến điện ở Leningrad. Những chiếc xe trượt tuyết được chế tạo ở một xưởng đóng tàu, còn thực phẩm thì do Viện Kỹ sư Thực phẩm Công cộng sản xuất.

Phi đội máy bay dự kiến chở đoàn thám hiểm lên Bắc Cực được biên chế 4 máy bay bốn động cơ ANT-6-4M-34R của hãng hàng không "Aviaarktika" và 1 máy bay trinh sát hai động cơ R-6 (ANT-7).

Chỉ huy của đội bay là Anh hùng Liên Xô Mikhail Vodopyanov, một trong những người đã đi cứu cuộc thám hiểm "Chelyuskin". Việc lãnh đạo chung được giao phó cho Otto Schmidt.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/the-gioi-bi-soc-khi-lien-xo-chinh-phuc-xong-bac-cuc-3359063/