Thế giới 2019 nhiều xáo trộn

2/3 thời gian của năm 2019 đã đi qua, người ta cho rằng đây là khoảng thời gian 'nhiều xáo trộn vì thế giới cần được sắp xếp lại'. Tất nhiên, những sự việc sẽ còn tiếp diễn, những gì đang rất nóng hôm nay thì ngày mai có thể sẽ hạ nhiệt, và ngược lại. Tuy nhiên, cũng có thể nhìn nhận một số sự kiện nổi bật.

Trung Quốc được cho là nền tảng công xưởng làm nên sự thịnh vượng của Apple trong một suốt thập kỷ.
Ảnh: Nikkei Montage/Reuters.

1. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tới thời điểm này, rất khó đoán định kết cục của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngày 22/8, Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả nếu Washington không thực hiện các hành động “sửa sai”. “Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định sẽ triển khai thêm các mức thuế 10% và 5% lên 75 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Danh sách hàng hóa nằm trong đợt áp thuế mới này bao gồm: Các sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, lúa mỳ, ngô và cao lương, thịt bò, thịt lợn và dầu thô. “Thêm 25% và 5% thuế sẽ một lần nữa được áp dụng lên xe hơi và linh kiện xe hơi từ Mỹ… từ ngày 15/12/2019”- Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo.

Quyết định này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 21/8 rằng, ông là “người được chọn” để trừng phạt Trung Quốc sau nhiều năm “gian lận thương mại”. Sau những động thái từ Bắc Kinh, ngày 23/8, ông Trump đã đáp trả bằng cách tăng 5% thuế đối với 550 tỉ USD hàng hóa nước này, trong động thái ăn miếng trả miếng mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump cho biết Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện đang được áp dụng với 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc lên 30% so với mức 25% hiện tại, bắt đầu từ 1/10.

Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm.

2. Kinh tế toàn cầu suy giảm

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục suy yếu, là mức thấp nhất kể từ năm 2010. WTO cảnh báo triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục theo đà đi xuống nếu cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt và các nước thất bại trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đáp ứng với tình hình thế giới.

Các chuyên gia kinh tế WTO dự đoán tăng trưởng thương mại trong năm 2019 có thể giảm xuống mức 2,6%, thấp hơn so với mức 3% của năm trước đó. Đặc biệt, giá vàng thế giới leo thang mang tính “lịch sử” đã khiến việc giao thương giữa các nền kinh tế rất dễ bị tổn thương do vàng là loại tài sản đầu tư an toàn; trong khi giá dầu có xu hướng sụt giảm mạnh đẩy kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái.

Nga bị G7 gạt ra “khỏi chiếu”, nhưng chưa khi nào G7 lại cần đến Nga như hiện nay để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nhóm. (Biếm họa của Alfredo Martirena trên Cartoonstock).

Nga bị G7 gạt ra “khỏi chiếu”, nhưng chưa khi nào G7 lại cần đến Nga như hiện nay để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nhóm. (Biếm họa của Alfredo Martirena trên Cartoonstock).

3. Thượng đỉnh G7 và lời mời cho nước Nga

Thượng đỉnh G7 lần này diễn ra cuối tháng 8 tại Pháp, giới quan sát tập trung vào vai trò của Nga (nước đã rời khỏi G8 từ năm 2014), với câu hỏi: Bao giờ Nga quay lại nhóm “các ông lớn”? Sở dĩ người ta đặt vấn đề như vậy bởi trước đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên cương vị Chủ tịch luân phiên của nhóm, cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đều “chìa bàn tay thân ái về phía Nga”. Người ta nhận thấy, nếu muốn giải quyết được đa phần những vấn đề cấp thiết đặt ra lâu nay cho G7 thì nhóm này không thể không cần đến sự tham gia của Nga; tuy nhiên nội bộ G7 hiện nay rất có thể sẽ bị phân hóa về việc mời Nga trở lại nhóm.

Dù sao đi nữa, động thái kể trên cho thấy tới thời điểm này người ta đành phải thừa nhận vai trò quan trọng của nước Nga, nhất là với châu Âu.

4. Tình thế “nhùng nhằng” trên bán đảo Triều Tiên

Từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, cuối tháng 2/2019, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu sáng sủa hơn. Tuy rằng, nói như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton thì “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị đầy đủ cho các cuộc đàm phán tiếp theo ở cấp thấp hơn và sẵn sàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần ba với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào thời điểm phù hợp”. Còn nói về quan hệ giữa hai bên, ông Trump cho rằng “không ai giận dữ”.

Thông tin từ chính giới Hàn Quốc, Nhật Bản- hai quốc gia nằm trong “tầm đạn” của Triều Tiên, thì rất cần phải có một thỏa thuận bằng văn bản, nếu không thì khu vực này vẫn “nằm trên thùng thuốc nổ”.

5. Brexit- Không còn gì phải bàn

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson, khẳng định rằng tới thời điểm chót là ngày 31/10 tới, nước Anh sẽ ra đi khỏi Liên minh châu Âu (EU). Còn tương lai giữa hai bên sẽ được “định hình sau”. Như vậy, với hành động mạnh mẽ của ông Boris Johnson, những gì được cho là chia rẽ nước Anh đã tạm khép lạ. Người Anh đã không còn lựa chọn, mà thay vào đó là chấp nhận.

Sự chia tay của nước Anh khỏi EU đã là việc “không còn gì phả bàn”.

Với EU, sự quyết liệt của tân Thủ tướng nước Anh cũng đặt họ vào “thế đã rồi”, có nghĩa là EU không có cơ hội “ra giá” với nước Anh, mà chỉ còn biết ngồi đợi “mặc cho con tạo xoay vần”. Theo giới quan sát, việc nước Anh “dứt điểm” với EU không có lợi cho cả hai phía, và rằng để có lại được quan hệ nồng ấm sẽ còn phải mất một thời gian rất dài, đủ để cho “vết thương lòng thành sẹo”.

Tin giả vừa lợi dụng lại vừa làm tổn thương mạng xã hội.

6. Vấn nạn tin giả

Chưa khi nào thiên hạ lo lắng về nạn tin giả (Fake News) đến như hiện nay. Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội trền nền tảng vượt trội của công nghệ thông tin càng khiến cho tin giả hoành hành, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như được cho là góp phần thao túng kết quả bầu cử, kích động bạo lực, khoét sâu xung đột sắc tộc, chia rẽ xã hội, bất ổn chính trị… ở nhiều nước. Các trang web và mạng xã hội hiện đang tràn ngập thông tin không được kiểm chứng. Để ứng phó, Hãng Thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đã thành lập một nhóm chuyên trách có tên gọi D-Watch theo dõi các trang web và mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook và Twitter, liên tục từ 9h đến 23h hàng ngày. Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đã thành lập 1 ủy ban kiểm chứng thông tin. Theo đại diện Yonhap, kiểm chứng thông tin hiện trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới truyền thông Hàn Quốc. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) - ông Mustafa Ozkaaya: Hãng đã phải lập Hệ thống theo dõi ảnh (PTS) riêng bằng bộ mã hóa nhân viên của bộ phận IT.

Tin giả vừa lợi dụng lại vừa làm tổn thương mạng xã hội.

Một người phụ nữ dắt chú chó của mình đi qua đài phun nước ở thành phố Lyon (Pháp) để giảm nhiệt, khi nhiệt độ vượt mốc 39 độ C.

7. Nắng nóng bất thường thiêu đốt châu Âu

Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính này một rõ rệt. Mùa hè này các nước Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đều nóng như thiêu như đốt. Kể từ cuối tháng 6 (kéo dài hơn 1 tháng), nhiệt độ trung bình ở Pháp lên tới 35 độ C. Cá biệt có ngày lên tới 41 độ C. Người ta nói rằng, châu Âu không còn là “vùng đất mát mẻ”, “vùng đất an toàn” nữa mà đang dần bị “lửa địa ngục thiêu đốt”.

Giới khoa học khí tượng cho biết, trong vòng 200 năm qua, mùa hè 2019 đối với châu Âu là “kinh hoàng” nhất.

Thế Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/the-gioi-2019-nhieu-xao-tron-tintuc446176