Thế giới 2019 - nhiều xáo trộn và toan tính lớn

Nhìn lại thế giới trong năm 2019, nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên khắp các lĩnh vực đều có chung nhận định: 2019 là năm nhiều xáo trộn nhất, bất ổn nhất và ít hy vọng nhất trong lịch sử tính từ thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Vì thế, năm 2020 được dự báo sẽ là năm tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường...

Nước Mỹ và cuộc xáo trộn toàn cầu

Điểm lại toàn bộ tiến trình cả năm 2019 trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự... nhiều chuyên gia thừa nhận trong cụm từ ngắn gọn: Thế giới hiện đang ở trong tình trạng lộn xộn và có thể tiếp tục kéo dài tình trạng này trong một nguy cơ cao hơn mà nguyên nhân xuất phát từ nước Mỹ. Nước Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có những tính toán "khó hiểu" khi tiếp tục rút khỏi vai trò truyền thống như một lực lượng giữ ổn định.

Có thể nói, Washington đã gây ra các xáo trộn khi rút ra khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, trong đó có Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - "tiền thân" của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - nhằm tự do hóa thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ cũng đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được thiết kế nhằm "đóng băng" các tham vọng hạt nhân của Iran. Việc Washington chỉ trích JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran là nguyên nhân gây mất ổn định hơn nữa cho khu vực bất ổn nhất thế giới.

Song hành với những lệnh "rút" khỏi nhiều tổ chức và định chế quốc tế quan trọng là cuộc dấn thân chưa xác định điểm kết thúc trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cho thấy các bất ổn của một trật tự toàn cầu mong manh sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020. Sự ảm đạm này còn được tăng thêm bởi những diễn biến của cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung và rủi ro của việc chia cắt công nghệ trên thế giới.

Trong khi đó, tình hình nội bộ Mỹ cũng có những xáo trộn chưa từng có trong lịch sử. Theo trang mạng thehill.com, đảng Dân chủ đang gặt hái một loạt chiến thắng về chính sách trong nhiều thỏa thuận quan trọng với Nhà Trắng và đảng Cộng hòa, khi khép lại năm đầu tiên kiểm soát Hạ viện. Những chiến thắng lớn đã đến khi Hạ viện tập trung vào việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump - một điều mà cuối cùng có thể đã giúp cho đảng này đảm bảo về một số chiến thắng trên khía cạnh lập pháp.

Hạ viện Mỹ với nhiều thành viên đảng Dân chủ tập trung vào việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN.

Hạ viện Mỹ với nhiều thành viên đảng Dân chủ tập trung vào việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN.

Đảng Dân chủ đã giành được chiến thắng trước đảng Cộng hòa bằng cách giữ nguyên bản "Sửa đổi Dickey", đảm bảo nghiên cứu trên sẽ được sử dụng để thúc đẩy việc kiểm soát súng đạn. Tăng thêm tiền cho việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu, an ninh bầu cử và điều tra dân số năm 2020. Thực thi vấn đề lao động đối với Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Vấn đề dược phẩm trong thương mại.

Những cuộc chiến không hồi kết

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tái tập trung những nỗ lực của quân đội Mỹ để đối phó với những mối đe dọa từ các cường quốc lớn như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, giống như chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Barack Obama trước đây, chính sách của ông Trump về an ninh quốc gia đã bị “đánh chìm” trên phần lớn khu vực Trung Đông vốn đang cần sự hỗ trợ của các cường quốc hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân được chỉ ra liên quan tới tiền. Với khoản nợ quốc gia 23.000 tỷ USD, Mỹ không còn sức lực để tiếp tục vai trò “cảnh sát toàn cầu”. Washington phải chọn cách để các đồng minh khu vực lấp những khoảng trống ở một số lĩnh vực nhất định. Việc Mỹ giảm sự hiện diện ở nhiều khu vực có giá trị chiến lược cùng sự trì trệ trong chính sách tiếp tục đẩy Mỹ sa lầy ở nhiều khu vực rộng lớn. Trải dài từ Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho tới châu Âu hay cả châu Mỹ và châu Phi.

Ngoài yếu tố quân sự, an ninh, trên mặt trận kinh tế, nước Mỹ cũng đóng vai chính. Thỏa thuận đình chiến mà Trung Quốc và Mỹ vừa đạt được có thể giúp tạm thời ngăn chặn một tình huống nguy hiểm nhưng nhìn tổng thể nó lại “thua xa” các mục tiêu đàm phán của cả hai bên. Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11-2016, mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên hỗn loạn.

Trong lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump giành thắng lợi bằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mang tính “lịch sử” với Trung Quốc thì “kẻ thua cuộc” lớn nhất trong mùa Giáng sinh 2019 đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuần trước, Mỹ đã ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán mới của WTO và thông qua thỏa thuận với Trung Quốc, Washington muốn thể hiện rằng chủ nghĩa đơn phương có thể tạo ra kết quả nhanh chóng cho Mỹ hơn những gì WTO đã làm trong nhiều thập kỷ qua.

Sau chưa đầy 2 năm áp thuế trừng phạt với lượng hàng hóa trị giá khoảng 500 tỷ USD, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sơ bộ về một loạt chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ, mua bán nông sản, dịch vụ tài chính và tỷ giá hối đoái. Đó là cái mà các nhà kinh tế gọi là thương mại bị kiểm soát (trái ngược với thương mại tự do) - mà ở đó một quốc gia áp đặt các cam kết cụ thể với quốc gia khác qua thuế quan, hạn ngạch và các hạn chế khác.

Tuy nhiên, với việc làm vậy, người ta lo sợ rằng chính quyền ông Trump đang thúc đẩy sự trở lại thời kỳ tiền WTO, khi Mỹ đạt được các mục tiêu bằng việc đe dọa và áp đặt trừng phạt với các đối tác thay vì theo đuổi tự do hóa thương mại cùng có lợi tại một “tòa trọng tài” như WTO. Với ban phúc thẩm WTO bị tê liệt, Mỹ giờ đây thông báo rằng họ sẽ giải quyết vấn đề trực tiếp với Ấn Độ.

Trước đó, Mỹ đã kiện Ấn Độ lên WTO về tăng thuế hàng hóa nhập khẩu. Kết quả là giờ đây, không gì có thể ngăn chặn các nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia các cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” leo thang vào năm 2020 và xa hơn thế.

Một thế giới nhiều bất ổn

Tại sao nói thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu? Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 gây ra sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu nhưng những hậu quả của nó chỉ giới hạn ở các chính phủ và các tổ chức cho vay quốc tế. Năm 2019, tình hình rất khác. Các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối sự phân chia bất bình đẳng các lợi ích của quá trình toàn cầu hóa, suy giảm niềm tin, bất ổn xã hội ở những nơi trước đây từng bình yên trong thời gian dài.

Sự bất bình đang gây ra các cuộc biểu tình tại nhiều nơi cách xa nhau trên thế giới. Tình trạng tham nhũng cũng đang ngày càng lan rộng. Nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới chính là tình trạng người dân không cảm thấy họ được chia sẻ các lợi ích của một giai đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tháng 1-2019, tổ chức Oxfam đưa ra báo cáo rằng 26 người giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản tương đương tài sản của một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu.

Trong khi tổng tài sản của các tỷ phú này tăng 2,5 tỷ USD mỗi ngày trong năm 2018, tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới lại giảm 500 triệu USD mỗi ngày. Rõ ràng, khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng trên khắp thế giới, lên tới mức không còn cơ sở cho việc biện hộ rằng một mô hình tăng trưởng kinh tế có lợi cho số ít người đang đem lại lợi cho tất cả mọi người.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung còn lâu mới thực sự chấm dứt khi mỗi bên đều có tính toán của riêng mình. Ảnh: CNBC.

Thêm vào đó, tình trạng bất bình đẳng và giận dữ đang gia tăng. Giáo sư Henry Carey của Đại học bang Georgia, Mỹ, thừa nhận có sự khác biệt trong các nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn cục bộ hiện đang lan rộng trên thế giới. Mà nguyên nhân có đặc điểm chung là nhiều người đã chán ngấy với tình hình bất bình đẳng gia tăng, tham nhũng và tăng trưởng kinh tế chậm chạp... do việc cả thế giới trở nên đô thị hóa hơn, các thành phố đang quá tải chính là nơi phát sinh làn sóng bất ổn toàn cầu.

Vào năm 1950, chỉ có 2 thành phố lớn có dân số trên 10 triệu người, đó là New York và Tokyo. Ngày nay, có tới 25 siêu đô thị như vậy. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới hiện nay là 7,7 tỷ người, trong đó 4,2 tỷ, tương đương 55%, sinh sống ở các thành phố và các khu vực đô thị khác. Dự kiến sẽ có thêm 2,5 tỷ người chuyển tới các thành phố ở các nước nghèo vào năm 2050.

Một nhân tố không thể không nhắc tới là bất ổn của tình hình khí hậu trên toàn cầu. Những bất ổn về biến đổi khí hậu đã trở nên phổ biến và có khả năng gây nhiều thách thức lớn hơn đối với chính phủ các nước. Trong khi đó, những nước giàu nhất, có nền công nghiệp phát triển nhất lại đang bị chỉ trích là thờ ơ với các mối quan ngại về biển đổi khí hậu mà cụ thể nhất chính là hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Nam Phi đã thất bại toàn diện.

Viện Brookings chỉ ra rằng chủ nghĩa đa phương phát triển, GDP toàn cầu tăng và tỷ lệ người dân sống trong nghèo đói tuyệt đối giảm nhiều sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Nhưng, điều nghịch lý là chính thời kỳ này đã tạo ra mầm mống của những thách thức hiện nay. Những tiến bộ trong công nghệ và toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi các rào cản thương mại thấp, đã giúp GDP toàn cầu tăng lên nhưng cũng dẫn đến sự thay đổi về sinh kế của tầng lớp trung lưu.

Nhìn ở một góc độ khác, năm 2019 không thể không ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến quyết liệt với tham nhũng. Hội nghị toàn thể của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 1 đã yêu cầu rất rõ ràng việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính. Khi một năm sắp qua đi, những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đánh giá lại những thành tựu của “năm chống tham nhũng tài chính”.

Theo nhật báo Pháp trị (Trung Quốc), năm 2019, tần suất đưa tin trong chuyên mục điều tra trên trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc về các vụ “ngã ngựa” của các cán bộ, quan chức trong lĩnh vực tài chính đã gia tăng đáng kể. Ngoài những “hổ lớn” từ các đơn vị tài chính trung ương còn có hàng loạt quan chức tham nhũng từ các cơ quan tài chính địa phương bị “ngã ngựa” trong năm nay. Ngay cả các quan chức tài chính cấp cao đã nghỉ hưu nhiều năm cũng khó thoát.

Nước Mỹ hiện không có một chiến lược rõ ràng ở nhiều khu vực khiến tình trạng bất ổn toàn cầu thêm gia tăng. Ảnh: foreignpolicy.

Tính đến ngày 15-12, ít nhất đã có 40 cán bộ trong lĩnh vực tài chính bị điều tra trong năm 2019. Trong số đó, các ngân hàng vừa và nhỏ tại địa phương đã trở thành “khu vực gánh hạn nặng”, hơn một nửa số cán bộ tài chính bị điều tra là của các ngân hàng thương mại thành phố và ngân hàng thương mại nông thôn. Một số nhà phân tích cho rằng rủi ro tham nhũng của các ngân hàng đó là không nhỏ.

Ngoài các ngân hàng, cơn bão tài chính năm nay cũng đã thổi vào các cơ quan quản lý giám sát tài chính. Ngăn chặn rủi ro tài chính trong những năm gần đây đã chính thức được coi là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đã được đặt ở vị trí số 1 trong “3 trận địa công kiên” kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10-2017.

Giới chức Trung Quốc đã khẳng định rằng chống tham nhũng tài chính sẽ vẫn duy trì cường độ cao và trạng thái sức ép cao, đối tượng bao gồm các cơ quan quản lý, giám sát. Có thể dự báo, thời gian tới sẽ còn nhiều quan chức tham nhũng trong lĩnh vực tài chính và hệ thống giám sát, quản lý tài chính “lộ diện”.

Ở góc độ khu vực, năm 2019 cho dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vấn đề Biển Đông vẫn thu hút sự quan tâm, chú ý. ASEAN vẫn được xem như "chiến trường" của các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Bởi, khi hai nước có những tầm nhìn và kiến trúc khu vực đối lập nhau như vậy, việc ASEAN chịu ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Để tránh thiệt hại, ASEAN chỉ còn cách là quy tụ cả hai siêu cường này trong các diễn đàn đa phương của khối; tạo cơ hội cho hai bên đối thoại song phương.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/the-gioi-2019-nhieu-xao-tron-va-toan-tinh-lon-576439/