100 năm sau Thế chiến 1 và lời cảnh báo về 'ác quỷ xưa'

Trước hơn 60 lãnh đạo các nước tới dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, Tổng thống Pháp Macron cảnh báo về mối nguy của chủ nghĩa dân tộc đối với hòa bình thế giới.

Lãnh đạo các cường quốc thế giới, với nghĩa vụ gìn giữ hòa bình, đã cùng kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến 1 hôm 11/11. Lễ tưởng niệm được tổ chức ở Pháp lan truyền thông điệp “không bao giờ để tái diễn” chiến tranh, nhưng cũng hé lộ những đường đứt gãy mới trên bản đồ chính trị thế giới.

Sự trỗi dậy của "ác quỷ xưa"

Tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự mong manh của hòa bình cũng như mối nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc và những quốc gia đặt bản thân lên trước lợi ích tập thể. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và hàng chục lãnh đạo các nước yên lặng lắng nghe.

“Ác quỷ xưa đang trỗi dậy lần nữa, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của chúng là mang tới hỗn loạn và chết chóc”, Tổng thống Macron phát biểu.

“Chủ nghĩa yêu nước đối lập hẳn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội chủ nghĩa yêu nước. Bằng việc nói rằng 'lợi ích của chúng tôi là trước nhất, bất chấp những gì xảy ra với nước khác', bạn đang xóa bỏ điều quý giá nhất mà một quốc gia có thể có, thứ mà giúp đất nước tồn tại và trở nên vĩ đại, thứ quan trọng nhất - đó là giá trị đạo đức”, AP dẫn lời ông.

Thông điệp của tổng thống Pháp dường như nhắm vào ông Trump, người ngồi yên, không bộc lộ cảm xúc. Tổng thống Mỹ đã luôn tự hào tuyên bố là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, nếu có cảm thấy mình là mục tiêu mà Tổng thống Macron nhắm tới, ông Trump cũng không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Tổng thống Mỹ đã nói rằng lễ kỷ niệm “rất đẹp”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ lòng kính trọng với những chiến sĩ đã ngã xuống trong Thế chiến I tại Khải Hoàn Môn ở Paris nhân dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc chiến tranh. Ảnh: AP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ lòng kính trọng với những chiến sĩ đã ngã xuống trong Thế chiến I tại Khải Hoàn Môn ở Paris nhân dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc chiến tranh. Ảnh: AP.

Bên cạnh việc cảnh báo về những cái giá phải trả nếu xảy ra xung đột giữa các cường quốc sở hữu kho vũ khí đủ khả năng gây ra Thế chiến 3, lễ kỷ niệm cũng là lời nhắc nhở hân hoan về “trái ngọt” hòa bình. Các em học sinh trung học đã đọc thư do người dân và binh sĩ viết khi sự tĩnh lặng được trả lại trên Mặt trận Phía Tây sau tiếng súng cuối cùng 100 năm trước.

“Tôi chỉ hy vọng những chiến sĩ ngã xuống vì mục đích cao cả đang nhìn xuống, dõi theo thế giới ngày nay”, Chỉ huy binh sĩ Mỹ Charles Normington viết trong lá thư ngày 11/11/1918. “Cả thế giới chịu ơn của những anh hùng không có mặt ở đây để tận hưởng khoảnh khắc niềm vui thực sự này".

Một lần nữa sống lại nhờ thế hệ trẻ, tiếng nói của những người đi trước cùng thống nhất một điều: Làm ơn đừng gây ra sai lầm như chúng tôi. Tổng thống Macron nhắc nhớ lại rằng 1 triệu đạn pháo đã được bắn chỉ tính riêng tại nước Pháp từ năm 1914 đến 1918.

Thời tiết âm u, ẩm ướt của Paris dường như đặc biệt phù hợp với sự kiện kỷ niệm một cuộc chiến tranh trong bùn và nỗi kinh hoàng không dứt.

Mỹ và châu Âu

Lễ kỷ niệm diễn ra muộn hơn giờ chiến tranh kết thúc cách đây 100 năm. (11h sáng). Khi tiếng chuông đánh dấu thời điểm ngừng bắn vang lên khắp Paris và ở nhiều nước bị tàn phá bởi 4 năm giết chóc, Tổng thống Macron và các nhà lãnh đạo vẫn còn đang trên đường đến Khải Hoàn Môn.

Sau khi xuống xe khách, dưới những chiếc ô đen trong một ngày mưa, hàng dài các nhà lãnh đạo, dẫn đầu là ông Macron và phu nhân Brigitte, nối nhau bước trên con đường đá cuội ở Champs Elysees.

Tổng thống Trump tới trên xe riêng, sau khi đoàn xe lướt qua 3 người biểu tình bán khỏa thân vẽ khẩu hiệu phản đối chiến tranh trên ngực. Những người này không rõ bằng cách nào đã vượt qua được nhiều lớp hàng rào bảo vệ nhưng sau đó nhanh chóng được cảnh sát đưa đi.

Người cuối cùng đến lễ kỷ niệm là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông bắt tay và giơ ngón cái với Tổng thống Trump. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngồi ở vị trí danh dự giữa Tổng thống Pháp và Mỹ, tượng trưng cho những người chiến thắng và bại trận giờ đứng cùng nhau, vai kề vai. Trên bầu trời, máy bay chiến đấu nhả khói đỏ, trắng, xanh, vẽ quốc kỳ Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngồi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, vực ngăn cách giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump một lần nữa trở nên nổi bật khi ông Trump tự có lịch trình riêng.

Ông tới thăm một nghĩa trang của Mỹ ở ngoại ô Paris, trong lúc lãnh đạo Pháp, Đức và các nước dự diễn đàn hòa bình, nơi ông Macron một lần nữa cảnh báo về sự hòa hợp đang dần đổ vỡ giữa các nước trong bài phát biểu về di sản kỷ niệm 100 năm kết thúc chiến tranh.

“Liệu đó sẽ là biểu tượng tỏa sáng của hòa bình bền vững giữa các quốc gia hay sẽ là bức ảnh chụp thời khắc đoàn kết cuối cùng trước khi thế giới xuống dốc cùng tình trạng hỗn loạn mới? Điều đó phụ thuộc vào chúng ta”, ông phát biểu.

Trong khi ca ngợi Pháp vì “hai ngày tuyệt vời”, Tổng thống Trump gọi chuyến thăm tới nghĩa trang của Mỹ ở Suresnes là “điểm sáng của chuyến công du”.

Hôm 10/11, Tổng thống Trump vướng chỉ trích sau khi hủy một chuyến đi tới chiến trường Belleau Wood, phía bắc Paris do trời mưa.

Cuộc chiến chạm tới mọi ngóc ngách

Đông đảo hơn 60 lãnh đạo các nước tham dự, cùng yên lặng và suy ngẫm về quá khứ, cho thấy quy mô toàn cầu của “cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến” nhưng hẳn không ai ngờ chỉ hơn 2 thập niên sau, thế giới chứng kiến Thế chiến 2 nổ ra với những tác động thảm khốc hơn.

Ở bán cầu bên kia, Australia và New Zealand tổ chức lễ kỷ niệm kết thúc cuộc chiến tàn bạo đã giết và làm bị thương binh sĩ cùng dân thường với số lượng lớn chưa từng có. Những nước này mất hàng chục nghìn chiến sĩ ở vùng đất châu Âu xa xôi và nhất là trong trận Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915.

Tại trung tâm London, Nữ hoàng Anh Elizabeth II mặc bộ đồ đen đứng trên ban công hướng mắt theo con trai, Hoàng tử Charles, thay bà đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ Cenotaph. Trong Thế chiến 1, 880.000 binh sĩ Anh đã ngã xuống.

Từ trái sang, Công nương xứ Cornwall Camilla, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Công nương xứ Cambridge Kate tại lễ tưởng niệm ở London, Anh. Ảnh: AP.

Được nhớ đến với hình ảnh những hào chiến và lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng, Thế chiến 1 là trận chiến thảm khốc giữa phe Hiệp Ước (Anh, Pháp, Nga, sau có Mỹ) và phe Liên Minh (chủ yếu là Đức, Áo - Hung). 16 triệu người thiệt mạng, thậm chí có lúc hàng chục nghìn người chết chỉ trong một ngày.

Mỹ tham chiến vào tháng 4/1917 nhưng sau hơn một năm đã trở thành chủ thể quan trọng thúc đẩy các đồng minh. Khi chiến tranh kết thúc, nước này có 2 triệu quân lính ở châu Âu và 2 triệu khác sẵn sàng vượt Đại Tây Dương nếu cần. Lực lượng này biến nước Mỹ trở thành cường quốc quân sự lớn để rồi binh lính lại chiến đấu và thiệt mạng vì châu Âu trong Thế chiến 2.

Dù từng là khởi nguồn gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, Đức giờ trở thành ngọn hải đăng dẫn lối cho hợp tác châu Âu và toàn cầu.

Hôm 11/11, bà Merkel đã gặp tổng thống Serbia và người đứng đầu Liên Hợp Quốc, tổ chức ra đời từ tro tàn Thế chiến II. Hồi năm 1914, thanh niên người Serbia, Gavrilo Phrincip, đã ám sát thái tử Áo - Hung tại Sarajevo, kéo theo hàng loạt sự kiện châm ngòi cho Thế chiến nổ ra.

Bên lề lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến I, mâu thuẫn ở Yemen và Syria cũng đã trở thành điểm nóng trong những cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo.

Ngọc Hà
Theo AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-gioi-100-nam-sau-the-chien-1-va-loi-canh-bao-ve-ac-quy-xua-post891594.html