Thế Dũng - Minh Tâm: Sông vẫn chảy dưới trời

Anh chị ngồi đó, an nhiên, tự tại và có phần giản dị. Hai gương mặt từng trải lộ rõ nét tài hoa của những người trí thức Việt Nam, đã có nhiều năm sinh sống ở Châu Âu.

Tại nước Đức, không riêng gì cộng đồng người Việt mà cả những người Đức trong giới kinh doanh nhà hàng hầu như ai cũng biết đến chị. Biết và nể phục, và cảm động về một người đàn bà Việt Nam, một luật gia có hạng làm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, một lĩnh vực đòi hỏi sự khắt khe, chăm chút, đúng nghĩa của sự làm dâu trăm họ. Chị là Trần Thị Minh Tâm, còn anh là nhà thơ Thế Dũng, một người bạn văn của chúng tôi.

Anh chị đến với nhau như một mối lương duyên tiền định, như những dòng sông chảy dưới trời. Thơ Thế Dũng chính là con người anh. Âm thầm, mãnh liệt và chứa chất tâm can của một người chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống: Ôi đường gươm tuyệt mệnh! Nói chi thêm?/ Thế đất ấy xoáy bao vòng sóng cuốn?/ Rùa thông thái thủy chung đành nuốt giận/ Vì thủa ấy thường dân phải ở quá xa thành (Cổ Loa thành bi tráng một thời vua). Ôi con đường tuổi ấy quá ngây thơ/ Đom đóm múa cứ tưởng là tinh tú/ Phấp phỏng chờ nhau bao lần tim muốn vỡ/ Ngóng vệt đèn gầm như ngóng bình minh/ Ngủ trong lửa Trường Sơn nghe thác réo tên mình/ Tiếc chỉ có một thời trai trẻ (Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau).

Lý giải về sự hợp lưu của anh chị tôi như nhìn thấy những dòng sông bổ sung nước cho nhau cùng băng mình ra biển bỏ mặc những rác rến, củi cành, ghềnh đá bãi bồi mà thầm thĩ trong một công cuộc rướm máu cần lao nghệ sĩ. Đừng tưởng những người kinh doanh không là nghệ sĩ. Họ tỉnh táo hơn người thường đã đành nhưng ở họ còn có một sự nhạy cảm khác thường. Họ luôn biết lắng nghe những mạch đập nhỏ nhất từ cuộc sống.

Chị Tâm tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1980, sau 5 năm làm cán bộ nghiên cứu tại Bộ Tư pháp ở Hà Nội, năm 1986, chị trở lại Đức và trái tim nhiều lửa của chị đã rẽ mạch đập một cách khác thường. Chị nhận lời cầu hôn với một Tiến sĩ Toán học người Đức khi đã có chồng và cô con gái đang trở thành thiếu nữ. Một quyết định táo bạo như là định mệnh.

Nhà thơ Thế Dũng (trái) và tác giả bài viết.

Nhà thơ Thế Dũng (trái) và tác giả bài viết.

Người Đức gọi chị là "Người đàn bà mang điện thế 1.000 volt". Đã từng có một bộ phim tài liệu dài 45 phút của Đài truyền hình ARD của nữ đạo diễn nổi tiếng Ulrike Baur làm về cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của chị.

Hiện tại chị đang điều hành tập đoàn nhà hàng ăn uống với gần 50 cơ sở mang biểu tượng hình chùa Một Cột và biển hiệu Asia Snack hoặc Thái-Nippon-Bar tại Đức.

Chị cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy chế biến một số loại thực phẩm tại ngoại ô Berlin. Niềm tin và khát vọng nào cho chị được ngần ấy sức lực trong ngần ấy năm giời vượt qua vô vàn khó khăn thử thách nơi trời Âu để có một ngày an nhiên tự tại và cả tự hào nữa trong thành quả mồ hôi nước mắt của mình? Tuy không nói ra nhưng tôi biết chắc chị rất tin vào đạo Phật. Cả cuộc đời quá nhiều thăng trầm hoán đổi của chị để nhận ra chân lý của đạo Phật nằm ở trong chính tâm mình.

Nhìn anh chị chăm sóc nhau, thậm chí là giận dỗi mới thấy nơi không phải Tổ quốc mình, những con dân đất Việt luôn phải cố gắng gấp nhiều lần những người thường để có được vị trí đứng, có được thương hiệu và sự kính trọng của người nước ngoài bản xứ.

Thời gian nát đá tan vàng nhưng niềm tin và ngọn lửa trong trái tim người luôn còn mãi. Khởi thủy từ ước mơ phải có bằng được những nhà hàng ăn uống của người Việt tại nước Đức, chị đã dồn toàn bộ tâm trí của mình trong mấy chục năm ròng, tạo bằng được thương hiệu cho chính mình.

Chắc chắn cái buổi khai sinh ra món Chinapfanne và thương hiệu Asia-Snack chị đã khóc. Không phải những giọt nước mắt chảy ra ngoài mà phải là những giọt mặn mòi như máu nóng chảy vào tim. Chị có quyền tự hào và chị có quyền kiêu hãnh từ những gì chị tạo lập ra từ đôi bàn tay và trí tuệ của mình.

Kinh doanh nhà hàng ăn uống tại Đức không chỉ khó vì sự sành ăn của người châu Âu, sự khác biệt về văn hóa ẩm thực giữa các sắc tộc, các màu da mà còn là cơ chế kinh doanh tại nước Đức rất khắt khe và tất cả đều phải được thể hiện dưới góc độ của pháp luật.

Những người Việt Nam dường như không quen với điều này. Đó là điểm yếu khó sửa chữa nhất của người Việt trong hành trình hòa nhập trở thành công dân thế giới. Nhưng với chị, điều này lại là thế mạnh. Không chỉ bởi từ ngành học của mình mà chị Trần Thị Minh Tâm dường như bẩm sinh đã là người tuyệt đối chấp hành và ưa thích luật pháp bất kể nó khắt khe đến mấy.

Tôi luôn nghĩ chị day dứt với Hà Nội và trái tim chị luôn thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu tiên của chị cũng phải là ở đây và đứa con gái mang đậm cá tính của chị chắc chắn cũng phải được sinh ở Hà Nội. Cây có cội, nước có nguồn, những dòng sông có chảy mãi bên trời nó cũng sẽ biết đường tìm về nơi đã sinh sôi và giáo dưỡng mình. Điều này dường như nằm rất sâu trong trái tim nhạy cảm của chị.

Nhà thơ Thế Dũng luôn im lặng và cặm cụi. Họ đến với nhau cũng đã thấm thoắt gần 30 năm. Lý giải điều này thế nào nhỉ? Mà cũng chẳng phải lý giải làm gì bởi trí tuệ con người không phải lúc nào cũng dò được ngọn nguồn mạch đập của trái tim.

Thế Dũng gần đây đến với thiền. Người đàn ông này cũng kì lạ không kém gì người đàn bà kia. Bôn ba, phiêu bạt và cũng đầy khuất khúc. Chàng trai xứ Đông quê Hải Dương từng vào chiến trường đánh giặc, làm thơ, dạy học và bây giờ thì đã là phó tổng giám đốc tập đoàn của vợ. Thế Dũng mắc bệnh nghiện đọc thơ, cả của mình cả của thiên hạ. Sức đọc của anh quả là khủng khiếp. Sức viết cũng ghê người.

Gần hai mươi tập sách đủ mọi thể loại từ thơ, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, tùy bút và đối thoại văn chương… đã thay anh trình bày cuộc đời mình lên mặt giấy.

Thơ Thế Dũng đau một mối lương tri như bị những kẻ ác nào chà đạp và tước giật. Tiểu thuyết của anh ngồn ngộn chất liệu đời sống với những dòng chảy ngoài biên giới Việt. Từ khi đến với thiền, thơ anh đã bớt đi sự dằn vặt, mà con mắt thơ hướng nội nhiều hơn, chín hơn và cho người đọc sự thanh thản hơn. Có lẽ tuổi tác đã nhuốm nên từng chiêm nghiệm của anh và kết thành những mùa quả ngọt.

Này gió! Này lửa! Này cây!/ Ai như ngựa xám trong mây giữa đời/ Kia sấm chớp? Kia đầm lầy?/ Tứ thời bát tiết tháng ngày luân phiên… Thưa bố Rồng, thưa mẹ Tiên!/ Ai nỡ xuất khẩu vui phiền đi đâu?/ Mồ hôi mê mỏi dãi dầu/ Khóc cười bất định. Gãy cầu đam mê!/ Xót nhà… Thương nước… Yêu quê… Tâm linh vằng vặc… Nẻo về? - Đừng lo… (Lục bát lên đồng). Một người đâu có trường sinh?/ Cả loài vô tận hữu tình vì nhau!/ Còn trăng khuyết. Còn mưa ngâu?/ Này sông! Này núi! Này cầu! Này hoa!/ Đâu bóng tối? Đâu sáng lòa?/ Nhân - Thiên hợp nhất mới là Thiên thai! (Lục bát lên đồng).

Tuy là thế, nhưng thơ Thế Dũng vẫn còn nhiều lắm những tâm sự trực diện với con người. Và thật rõ ràng, nó vẫn khe khẽ hiện lên: Cái người hay khóc lá non/ Thương mùa xuân nát trong bom một thời/ Người hay khóc cũng hay cười/ Cười sôi trăng lạnh. Cười trôi khốn cùng!… Người hay khóc chẳng hay quên/ Trời xa? - Chân cứng đá mềm mới thôi!/ Cái người hay khóc "mẹ ơi"…/ Bán mồ hôi tận xứ người giá băng. (Lục bát lên đồng).

Thế Dũng đang bước những bước đầu tiên vào ngành xuất bản sách tại Đức. Anh yêu sách và anh yêu những người nghệ sĩ đến vô cùng. Trong một tuần ở Đức, đêm nào tôi và anh cùng nhà thơ Đặng Huy Giang cũng trò chuyện đến gần sáng.

Đủ thứ chuyện nhưng bao giờ, cuối cùng và say sưa nhất vẫn là chuyện văn chương chữ nghĩa. Có những lúc anh ngồi lặng im, đôi mắt dõi về một nơi nào xa lắm. Xa như không thể đến được nữa. Xa như đã mất vĩnh viễn.

Những lúc ấy, sao tôi đột nhiên thấy anh như một khối cô đơn câm nín lừng lững dưới vòm trời bên ngoài tổ quốc và thấy thật rõ những đêm trắng lần lượt trôi trước mắt, hàng ngàn hàng vạn đêm trắng trong tuyết lạnh đã đè lún xuống đôi vai, vầng trán, nhuộm cả lên những lọn râu đã phần nhiều ngả sang màu bạc của người con hiền hậu xứ Đông.

Cũng thỉnh thoảng, chị Tâm nhắc anh mặc ấm khi anh mãi bận bịu bên chiếc máy vi tính trải lòng mình. Tôi càng thấy anh chị không thể thiếu nhau, không riêng gì trong kinh doanh hay văn chương chữ nghĩa, những đam mê suốt đời của họ mà cái họ cần cho nhau nhất, đó là bản tính thánh thiện của những người đã chịu nhiều thiệt thòi, nhiều khi là quá sức chịu đựng với người bình thường.

Chị Trần Thị Minh Tâm đến với nước Đức, đến với sự làm chủ của một ngành nghề cũng như nhà thơ Thế Dũng đến với văn chương như là định mệnh. Thực ra là anh chị dắt tay nhau đi ở trong cõi ấy. Một cõi bao hàm trí tuệ và niềm tin, và cả may mắn nữa chăng?

Tôi không trả lời được câu hỏi này nhưng tôi biết chắc chắn, để có được hàng triệu euro lợi nhuận chính đáng là cả một hành trình dằng dặc của những người Việt Nam phi thường.

Tôi xin dành tâm sự của chị cho phần cuối bài viết này như một lời của người Việt Nam trong nước cảm ơn riêng tới anh chị: "Trong những tháng năm xa xứ, lúc nào tôi cũng nghĩ tôi là người Việt Nam. Lúc nào tôi cũng muốn bảo vệ người Việt Nam. Khi ở trong nước hoặc lúc ở nước ngoài tôi luôn luôn nghĩ mình cần phải ngẩng cao đầu mà sống. Tôi không muốn người Việt Nam khi sống ở Đức lại chỉ là công dân hạng ba, hạng tư hoặc hạng bét. Cho nên tôi phải làm việc. Tôi làm việc để tôi có thể ngẩng cao đầu trước mọi người. Tôi không chỉ muốn mình chỉ là đại diện cho cá nhân mình. Tôi còn muốn là đại diện cho cộng đồng người Việt mình ở Đức với tất cả niềm kiêu hãnh".

Nhà thơ Thế Dũng (trái) và tác giả bài viết

Phùng Văn Khai

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/the-dung-minh-tam-song-van-chay-duoi-troi-559529/