The Diplomat: 3 lý do TT Trump sẽ thua trong cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại mà chính quyền Trump khơi mào có thể trả lại vị tổng thống Mỹ một thất bại cay đắng, chuyên gia về Trung Quốc viết trên The Diplomat.

Fatih Oktay, tác giả cuốn sách: China: Rise of a New World Power and Changing Global Balances, cho rằng cả lời nói lẫn hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump đều chỉ ra khả năng gia tăng của một cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Để nắm cơ hội trong trận chiến này, chính quyền Trump cần củng cố được liên minh với sự ủng hộ của các nước khác. Tuy nhiên có vẻ điều đó rất khó xảy ra bởi ba lý do: đòn bẩy kinh tế của Mỹ không đủ mạnh; lợi ích quốc gia của phần còn lại trên thế giới không phù hợp với cách sắp xếp từ phía ông Trump; và Mỹ đang không có “lợi thế so sánh” xét về mặt tài nguyên.

Trung Quốc không chịu nhiều thiệt hại

Việc tăng thuế quan không có quá nhiều tiềm năng để phá vỡ Trung Quốc. Ngày nay, xuất khẩu chiếm khoảng 1/5 GDP quốc gia này, trong đó, tỷ lệ xuất sang Mỹ rơi vào tầm 18% tổng xuất khẩu. Giá trị gia tăng nội địa của Trung Quốc khoảng 70%.

Nhìn như vậy để thấy xuất khẩu Mỹ chỉ đâu đó chừng 2,5% GDP Trung Quốc. Với mức phụ thuộc khá thấp như vậy, tác động của việc tăng thuế lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ không khó để quản lý bằng chính sách tiền tệ và tài chính.

Sự ảnh hưởng có thể được phóng đại thông qua những thay đổi trong kỳ vọng dẫn đến giảm tiêu dùng và chi tiêu đầu tư. Hoặc điều này có thể gây nên khủng hoảng trong nền kinh tế có đòn bẫy cao. Nhưng nhìn lại những trường hợp trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc vẫn có khả năng kiềm chế các rủi ro này lại.

Với những mức thuế mới này, chính quyền của Tổng thống Trump có thể nhắm đến việc thay đổi cấu trúc liên kết giữa các chuỗi cung ứng, nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất chú trọng xuất khẩu di chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm này có vẻ như rất hạn chế, cũng như rất khó để chuyển đến Mỹ.

Rất khó để thay đổi vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế. Ảnh: AP.

Rất khó để thay đổi vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế. Ảnh: AP.

Theo những CEO của Apple, vị trí mà Trung Quốc có được trong chuỗi cung ứng quốc tế dựa vào trình độ, quy mô lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng vật chất phát triển, và hệ sinh thái sản xuất tinh vi, chứ không phải chỉ vì nhân công giá rẻ. Đây là những sản phẩm mang tầm vóc, văn hóa và con đường phát triển kinh tế cụ thể của quốc gia. Chúng có thể không phù hợp với những nước khác trong ngắn hạn.

Do đó, việc dịch chuyển này có thể bị giới hạn ở các giá trị gia tăng thấp, các sản phẩm thâm hụt lao động, các quy trình sản xuất, đặc biệt là các khâu lắp ráp cuối cùng.

Bên cạnh đó, việc di dời sẽ được hướng đến những nền kinh tế láng giềng hơn là quay về Mỹ. Trên thực tế, các công ty trong và ngoài Trung Quốc đã thực hiện điều này trong vài năm trở lại đây, dưới sự ủng hộ, khuyến khích từ chính sách lương tối thiểu của chính phủ.

Cắt nguồn cung công nghệ Mỹ, như trường hợp của ZTE và Phúc Kiến Kim Hoa (Fujian Jinhua), cũng sẽ không phương hại nặng nề đến quốc gia đông dân nhất thế giới. Về lâu dài, nó đẩy nhanh quá trình bắt kịp công nghệ của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, nước này có thể sắp xếp lại các nguồn lực công nghệ của mình để giảm thiểu tác động.

Mỹ cấm xuất khẩu chip với Phúc Kiến Kim Hoa. Ảnh: New York Times.

ZTE phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ nhưng Huawei thì không. Huawei đang tự thiết kế các con chip riêng cho mình. Và ZTE một lần nữa nên đóng vai chính trong cuộc tranh luận về hạn chế công nghệ. Sáp nhập có thể là phương án.

Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể lấy nguồn cung công nghệ từ những nơi khác. Mất đi các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới tại Mỹ có thể là tổn thất lớn đối với Phúc Kiến Kim Hoa. Nhưng mặt khác, các đơn vị này có thể khai thác được từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay thậm chí từ một số nguồn cung quốc nội.

"Gậy ông đập lưng ông"

Không những kém hiệu quả, các chính sách này còn gây tốn kém cho Mỹ. Ngoài việc trả đũa Trung Quốc, việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình, và thấp tại Mỹ. Bên cạnh đó, nó còn khiến suy giảm khả năng cạnh tranh chi phí của các ngành công nghiệp nơi đây do giá đầu vào sản xuất lên cao.

Ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ bán dẫn chỉ thêm cản trở các nhà sản xuất Mỹ đến với thị trường số một toàn cầu, đồng thời còn kiến tạo thêm điều kiện cho đối thủ từ những quốc gia khác. Với cấu trúc chi phí lợi ích ảm đạm như vậy, những chính sách đó ít khả năng mang lại thành quả.

Cơ hội thành công sẽ tăng lên nếu chính quyền Trump có thể đưa các nước khác về phe mình, nhất là những nền kinh tế tiên tiến. Ảnh hưởng của việc tăng thuế quan cùng các rào cản thương mại đối với Trung Quốc sẽ tỷ lệ thuận với độ lớn của “phe đồng minh”. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ quan ngại về hạn chế công nghệ nếu các quốc gia chuyên cung cấp mặt hàng này tham gia cùng Mỹ.

Để chiến thắng, Mỹ phải lôi kéo thêm "đồng minh". Ảnh: Financial Times.

Ba lý do sẽ khiến ông Trump thất bại

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump dường như sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lôi kéo thành viên cho “liên minh” này, vì những lý do dưới đây.

Đầu tiên, đòn bẩy chủ đạo mà chính quyền Trump sử dụng để thu hút đồng minh là quy mô thị trường Mỹ. Nhưng ngày nay, thị trường Trung Quốc đã mở rộng hơn đáng kể với nhiều sản phẩm, từ xe hơi cho đến tạp hóa, và được dự tính sẽ bao phủ mọi thứ.

Mặc dù tồn tại một số hạn chế nhất định đến hàng hóa cùng một vài dịch vụ, hầu hết thị trường Trung Quốc khá cởi mở. Vì thế cho nên các nước phát triển đã tận dụng triệt để lợi thế thông qua sản xuất và xuất khẩu tại đây. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ các nền kinh tế tiên tiến, sản xuất cho thị trường nội địa (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan), chiếm hơn 15% lợi nhuận ngành trong nước. Khoảng ¼ tổng lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc lấy được từ những tập đoàn ngoại quốc.

Thực tiễn chứng minh, phân khúc cao cấp đem lại lợi nhuận nhiều nhất trên thị trường Trung Quốc hiện nay đến từ các mặt hàng tiêu dùng thuộc những công ty của các quốc gia phát triển. Các nhà sản xuất trong nước, ngược lại, nắm giữ phân khúc thấp hơn. Do đó, không dễ để những nền kinh tế tiên tiến chuyển đổi thị trường quy mô tỷ dân này sang thị trường Mỹ.

Thị trường Trung Quốc được đánh giá là khá cởi mở. Ảnh: CNN.

Thứ hai, mặc dù một số quốc gia cùng sẻ chia với ông Trump mối quan ngại về Trung Quốc, nhưng dường như nỗi lo đó không đủ lớn để đặt cược rủi ro kinh tế - chính trị vào một trận chiến.

Một Trung Quốc thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột này sẽ không đem lại lợi ích quốc gia đến nhiều nước. Và đối với họ, rủi ro với Trung Quốc cũng tương tự như rủi ro với chính sách “nước Mỹ trước tiên” (America First).

Nhiều nền kinh tế mới nổi phù hợp với kế hoạch “Made in China 2025” hoặc Giấc mộng Trung Hoa (Chinese Dream), và ít có khả năng trở thành đối thủ của sự phát triển kinh tế do chính phủ lãnh đạo. Vì vậy, đa số các quốc gia trên thế giới sẽ không tham gia tích cực vào cuộc xung đột này. Thay vào đó, họ định hình chính sách cả hai bên nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất cho tổ quốc cũng như duy trì trạng thái cân bằng quyền lực Mỹ - Trung.

Cuối cùng, với Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng những kế hoạch tương tự, Trung Quốc đóng vai trò nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho nhiều nước trên thế giới, tác động đến chính sách quốc tế của những quốc gia đó. Tổng thống Trump không có nguồn lực để đấu lại với Chủ tịch Tập Cận Bình ở sân chơi này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Vành đai và Con đường. Ảnh: Nikkei.

So sánh trong năm 2017, GDP của Mỹ trong các điều khoản về sức mua tương đương là 19,4 nghìn tỷ USD, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm chính phủ khoảng 18%. Trong khi đó, thống kê ở Trung Quốc ra kết quả lần lượt là 23,3 nghìn tỷ USD và 48%. Do vậy, số tiền mà Trung Quốc có thể chi cho các dự án chiến lược trong nước lẫn quốc tế lớn hơn rất nhiều (11 nghìn tỷ USD so với 3,5 nghìn tỷ USD).

Với những yếu tố trên, chính quyền Trump không có tiềm năng để thắng trong cuộc chiến kinh tế chống lại Trung Quốc.

Vị chuyên gia cảnh báo không nên coi thường việc này. Một cuộc chiến như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. Nó nhiều khả năng biến thành một dạng xung đột nghiêm trọng hơn. Đã đến lúc phải suy nghĩ sâu xa, vượt bậc về các quy tắc ứng xử và quản trị cho một thế giới mang đặc trưng của những quyền lực kinh tế mới, không chỉ bởi Trung Quốc mà còn bởi Ấn Độ và các quốc gia khác.

Minh Đức
Theo The Diplomat

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-diplomat-3-ly-do-tt-trump-se-thua-trong-cuoc-chien-thuong-mai-post896465.html