'Thể chế không sai nhưng tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng'

Phát biểu xây dựng luật Xây dựng sáng 27/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh: Thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng.

“Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm, kém hiệu quả diễn ra.” – ông Nhân nói.

Theo đại biểu Nhân, điều ông quan tâm nhất khi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này là sai phạm trong xây dựng sẽ được xử lý thế nào.

Một thực trạng đáng quan ngại mà đại biểu Nhân nêu là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời ở nội đô Hà Nội.

“Một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế. Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật, v.v... thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu chế định đã bị xem thường thế nào?”, đại biểu Nhân đặt câu hỏi.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương)

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương)

Nhiều ví dụ khác cũng được đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu ra như việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở TP.HCM làm vỡ lở việc dự án không có hồ sơ thiết kế…

“Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng loạt sai phạm mà báo cáo giám sát đã nêu?”, đại biểu Nhân tiếp tục nêu câu hỏi và băn khoăn: “Cán bộ, công chức có trách nhiệm đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi mà không có hồ sơ?”

“Rõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Và điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm, kém hiệu quả diễn ra” – ông Nhân nêu bật thiếu sót của Dự thảo Luật.

Khu nhà HH Linh Đàm vi phạm nghiêm trọng luật Xây dựng

“Sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhưng điều cần thiết hơn là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện. Nhà nước pháp quyền tôn trọng pháp luật là đích đến của cả hệ thống chính trị, nhưng từ sai phạm này đến sai phạm khác, sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước thì trở lực nào đang trì hoãn con đường đi đến nhà nước pháp quyền?”, đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng, “việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng đơn thuần chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm”.

“Nếu giải pháp tích hợp trong Luật Quy hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không? Cần có câu trả lời và chỉ định trong luật này” – ĐB Nhân nhấn mạnh.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, trong khi dư luận càng ngày càng đòi hỏi chất lượng của đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp để cho ra đời một đạo luật mang nhiều kỳ vọng thiết lập lại kỷ cương đất nước thì đại biểu chỉ ra rằng công tác tổ chức thực hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã bị bẻ cong, đưa nguồn lực xã hội theo một chiều hướng khác. Trong khi đó, dự luật lần này không có một điều khoản nào để xử lý dứt điểm các sai phạm thời gian qua.

Đại biểu tỉnh Bình Dương khẳng định, điều quan trọng không phải là người dân hiểu và thi hành như thế nào bởi khó qua được “cửa ải” giấy phép hiện nay, mà “chính cán bộ công chức phải hiểu và tổ chức thực hiện ra sao.”

Cũng quan điểm với Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng.

“Mặc dù những quy định về xây dựng hiện nay rất chặt song việc vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến mà lại không xử lý được. Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai. Tôi cho nguyên nhân ở đây là chúng ta đang có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng”, đại biểu Cường nói.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) thì cho rằng, phân công quản lý xây dựng công trình chuyên ngành bị phân tán cho 6 bộ là chưa thật sự hợp lý và cũng cần lưu ý nên sửa đổi theo hướng cân nhắc đổi mới tư duy quản lý để đảm bảo tinh gọn bộ máy.

Ông Giang cũng nhấn mạnh, tình trạng xây dựng không phép, trái phép tràn lan có nguyên nhân là luật không quy định rõ về quản lý trật tự xây dựng và tốc độ phát triển đô thị nhanh, trong khi các quy trình phê duyệt quy hoạch đô thị chậm, các cấp chính quyền quản lý xây dựng tại địa phương đôi khi buông lỏng quản lý.

“Ngoài ra, cần làm rõ về trách nhiệm quản lý xây dựng phải có là cơ quan thanh tra xây dựng không hay là cơ quan mới nào khác phối hợp. Đồng thời, phải tường minh công khai thủ tục hành chính nêu rõ đầy đủ trách nhiệm về quản lý xây dựng” – ĐB Giang nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/the-che-khong-sai-nhung-to-chuc-thuc-hien-da-vi-pham-nghiem-trong-c3f1308/