Thế chấp cả nhà ở, xe, Quốc Cường Gia Lai làm ăn ra sao?

Bắt đầu từ năm 2016, Quốc Cường Gia Lai vướng vào vòng xoáy của nợ nần, làm ăn đi xuống.

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM ngày 10.4, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết doanh nghiệp của bà đang gặp khó khăn tại các dự án trên địa bàn thành phố.

Theo đó, cả 12 dự án rộng 150 ha của Quốc Cường Gia Lai đều bị tạm dừng triển khai, chỉ có một dự án rộng 3.000 m2 tại quận 7 có thể thực hiện. Thế nhưng, theo bà, dự án lại đang bị các cơ quan, ban ngành gây khó dễ khiến chậm triển khai.

Trước những khó khăn trên, bà Loan cho biết, nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì bà đã tự tử.

Bà Loan cũng cho biết, bà phải vay tiền để duy trì doanh nghiệp. Đến xe, nhà ở cũng mang thế chấp để góp tiền cho doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, Quốc Cường Gia Lai được bắt đầu thành lập năm 1994 với tên Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường, kinh doanh trong lĩnh vực: khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón.

Năm 2007, Xí nghiệp này chính thức chuyển thành CTCP Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỉ đồng.

Từng là "trùm'" trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu nhiều vị trí đắc địa tại TP HCM và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Gia Lai... nhưng đến năm 2016, công ty Quốc Cường Gia Lai vướng vào vòng xoáy của nợ nần. Tính đến cuối năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới hơn 4.200 tỉ đồng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống. Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai cũng đã phải chi tới gần 70 tỉ đồng chỉ để trả tiền lãi ngân hàng.

Năm 2018, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai là 10.602 tỉ đồng, trong khi đó nợ là 6.694 tỉ đồng, chiếm 60% tổng tài sản.

Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 60 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm 2017 là 120 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận thuần từ kinh doanh năm 2018 giảm gần 19 lần so với năm 2017 từ 547 tỉ đồng xuống còn 29 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 430 tỉ đồng năm 2017 xuống còn 45 tỉ đồng năm 2018.

Trong năm 2018, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng vướng phải "vận đen" với những lùm xùm tại dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP HCM).

Theo đó, ngày 5.6.2017, Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã được đền bù tại khu dân cư Phước Kiển ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Tuy nhiên, tháng 4.2018, Thành ủy TP HCM chỉ rõ, việc chuyển nhượng phần đất này là không đúng với thẩm quyền và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.

Cũng trong năm 2018, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục "ôm" lượng hàng tồn kho bất động sản khổng lồ tại dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển (rộng 90 ha). Sau gần 10 năm công ty vẫn chưa thể hoàn tất khâu giải tỏa mặt bằng do người dân đòi đền bù cao.

Thiên Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/the-chap-ca-nha-o-xe-quoc-cuong-gia-lai-lam-an-ra-sao-727540.ldo