'Thế chân kiềng' xây chắc thế trận quốc phòng, an ninh

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) đã nói về 'thế chân kiềng' xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh của Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ba chân kiềng xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thành tựu phát triển kinh tế, kết quả hoạt động đối ngoai. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ba chân kiềng xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thành tựu phát triển kinh tế, kết quả hoạt động đối ngoai. Ảnh: VGP/Đình Nam

Xin Thiếu tướng đánh giá những kết quả, thành tựu cơ bản nhất về lĩnh vực an ninh, quốc phòng 5 năm qua (2016-2020), nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức nhất là thiên tai, dịch bệnh?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi đồng tình với những đánh giá trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 13 của Đảng. Đó là lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, lực lượng quân đội, công an đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Chúng ta đã chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và kiểm soát tốt các nhân tố có thể gây bất lợi đột biến. Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Thế trận lòng dân được chú trọng.

Cá nhân tôi cho rằng các thành tựu về quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ vừa qua là kết quả của công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với hoạt động đối ngoại.

Xin Thiếu tướng phân tích rõ hơn về thế chân kiềng trong xây dựng an ninh quốc phòng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói, công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng là điểm sáng nhất của nhiệm kỳ này. Đảng đã ban hành 3 nghị quyết tại các hội nghị Trung ương lần thứ 4, 6 và 7, nhiệm kỳ XI về công tác xây dựng Đảng và Quy định số 08-Qđi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương... thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng. Nhiệm kỳ qua có hơn 100 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật ở các hình thức khác nhau. Lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, tạo nên sức mạnh để giữ ổn định chính trị-xã hội và an ninh quốc gia.

Năm năm vừa qua, nền kinh tế của chúng ta gặp quá nhiều “va đập” cả trong và ngoài nước. Kinh tế thế giới hết sức chòng chành, điển hình là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa thương mại đa phương và song phương… Ở trong nước, chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao so với các nước trên thế giới, gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Chúng ta đã “bơi” được trong “sóng dữ” của nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn ở trong nước, qua đó chứng tỏ sự trưởng thành trong năng lực điều hành, quản trị nền kinh tế, sẵn sàng bước vào sân chơi quốc tế một cách bình đẳng.

Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo mạnh, một nhà nước được tổ chức tốt hơn, gắn bó với người dân hơn và hoạt động hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ bước ra thế giới với một tâm thế khác, vị thế khác. Từ đó, các hoạt động đối ngoại đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế vai trò, uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Nhiệm kỳ vừa qua đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng về đối ngoại: Năm APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới – ASEAN (11-13/9/2018), cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều (cuối tháng 2/2019), Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đảm nhận thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh khu vực và thế giới chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19…

Một nhà báo làm việc 27 năm cho tờ thời báo New York Times, khi đến Hà Nội đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều (cuối tháng 2/2019) đã chia sẻ với tôi rằng anh ta đã đi hầu hết các nước trên thế giới, nhưng không ở đâu an toàn, ấm áp, vui vẻ, nồng hậu như Hà Nội, như ở Việt Nam. Và 2.700 nhà báo đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã chuyển tải thông điệp đến hàng tỷ người trên hành tinh là Việt Nam là một quốc gia lành mạnh, an toàn, thân thiện.

Qua đó, chứng tỏ Việt Nam đã đủ năng lực, cả về trí tuệ lẫn vật chất, để tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, qua đó nâng cao vị thế, uy tín, sức mạnh quốc gia.

Kết quả của công tác xây dựng Đảng, phát triển nền kinh tế và thành tựu trong hoạt động đối ngoại đã củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó tạo nên nền tảng, hồn cốt của thế trận lòng dân, làm cơ sở vững chắc cho quốc phòng, an ninh. Đây là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên những thành tựu về quốc phòng an ninh trong nhiệm kỳ qua. Nếu không có thế trận lòng dân thì dù có trang bị bao nhiêu vũ khí hiện đại, phương tiện tối tân đến mấy đi chăng nữa cũng không có ý nghĩa gì.

Vậy còn những thách thức đặt ra cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm tới đây là gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để bảo đảm an ninh, ổn định chính trị-xã hội trong nước thì yêu cầu lớn nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Khi Đảng gắn bó với dân, “ý Đảng, lòng dân” gặp nhau thì không một thế lực thù địch nào có thể làm gì được.

Đối với bên ngoài, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.

Những thách thức này đòi hỏi cần có sự nhận thức, tư duy, thái độ rõ ràng về quốc phòng, an ninh. Trong đó, chúng ta nhất thiết phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Như chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Đây là cơ sở xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Lực lượng quân đội, công an phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Đồng thời, chúng ta phải mở rộng quan hệ hợp tác, tích cực và chủ động tham gia vào các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh, có trách nhiệm góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực và trên thế giới. Khi tạo được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế thì sức mạnh răn đe của Việt Nam nằm ở cộng đồng quốc tế. Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Xin cám ơn Thiếu tướng!

Minh Khôi (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/the-chan-kieng-xay-chac-the-tran-quoc-phong-an-ninh/417315.vgp