Thẻ cào di động có tội?

Sau khi bắt nguyên cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa và các đồng phạm Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung về tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền… trên môi trường internet, từ ngày 16 – 18.3.2018, đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát bản tin với nội dung 'Các nhà mạng di động như Viettel, Vinaphone, Mobifone hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đường dây đánh bạc' gần chục lần trong nhiều chương trình khác nhau!

Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị, ông Nguyễn Lê Kỳ, trưởng ban pháp chế của tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nói: “Chúng tôi đang điều tra nội bộ có bắt tay với bên ngoài làm điều gì sai trái không. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ giải trình với các cơ quan chức năng và thông báo cho báo chí biết”. Còn theo Thế Giới Tiếp Thị, việc VTV phát đi phát lại bản tin như một lời cáo buộc “các nhà mạng là đối tượng liên quan trực tiếp của vụ việc đánh bài bất hợp pháp trên mạng”!

Trong vụ việc đánh bạc qua mạng internet, thông báo của bộ Công an cho biết, các doanh nghiệp viễn thông: Viettel, Vinaphone và Mobifone đã kiếm lời khoảng 1.402 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 15% từ giá trị thẻ cào di động (gọi tắt là thẻ cào) là 9.269 tỷ đồng đã được các “con bạc” sử dụng trong khi chơi bài trực tuyến tại Rikvip (tại hai địa chỉ rikvip.com, rikvip.vn), sau này đổi tên thành Tip.club (tháng 8.2016).

Thông báo của bộ Công an còn cho rằng: “hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài trực tuyến khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip, nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào”, “lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ”, “việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến”,

"Do thiếu hành lang pháp lý thẻ cào không được ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi bộ Thông tin và truyền thông lại không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào”. Được biết, bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong dự thảo luật An ninh mạng, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, cơ quan điều tra sẽ xác minh số tiền từng bên được hưởng để thu hồi. Vậy, liệu các nhà mạng có nộp lại số tiền đã được hưởng từ lượng thẻ cào mà khách hàng đã sử dụng trong vụ việc trên? Đến nay, các nhà mạng được buộc liên đới trong vụ việc này chưa trả lời câu hỏi trên.

Chủ thuê bao dùng số tiền có trong tài khoản để chuyển cho một thuê bao khác, một tiện ích của thẻ cào di động! Nhưng tiện ích này có vi phạm về qunr lý thẻ cào?

Thẻ cào là một phương thức nạp tiền cho dịch vụ di động trả trước, xuất hiện tại thị trường Việt Nam hơn 20 năm. Cách đây mười năm, thẻ cào bắt đầu được dùng để trả tiền cho các dịch vụ khác trên môi trường internet: mua hàng online, tivi OTT, game online…

Theo lời ông Nguyễn Lê Kỳ, cho đến nay, trong các luật Viễn thông, luật Doanh nghiệp, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn và xử phạt hành chính luật Viễn thông, “không có quy định dùng thẻ cào để thanh toán cho lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực viễn thông là vi phạm”. Điều đó có nghĩa, việc khách hàng sử dụng thẻ cào và các doanh nghiệp chấp nhận giá trị thẻ cào theo thỏa thuận tỷ lệ “ăn chia” với các dịch vụ trên môi trường internet là hợp pháp.

Bà Thái Phượng, một chuyên gia về kinh doanh môi trường internet, cho rằng: “Cáo buộc các nhà mạng di động “tiếp tay” cho đánh bài online bằng thẻ cào là oan ức, vì nhà mạng không thể kiểm soát được hành vi và mục đích của người tiêu dùng đối với thẻ cào. Họ chỉ biết kích hoạt thẻ cào nếu khách hàng gõ đúng mã và câu lệnh”. Giám đốc một công ty kinh doanh game online nói với Thế Giới Tiếp Thị: “Việc sử dụng thẻ cào tiện lợi rất nhiều vì dễ sử dụng, dễ mua... Vì không có công cụ và cách thức quản lý các loại thẻ cào, nên đã tạo ra những kẽ hở; để từ đó có những đối tượng lợi dụng những điểm mù để trục lợi, như trong vụ Rikvip”.

Thẻ cào “không có tội” trong vụ việc của Rikvip. Thẻ cào được dùng trong những giao dịch mà Nhà nước đã cho phép. Nếu cảm thấy bất an trong việc quản lý thẻ cào, chỉ nên cho phép phạm vi hoạt động của thẻ cào là các dịch vụ viễn thông. Nhưng liệu các cơ quan quản lý như bộ Thông tin và truyền thông, ngân hàng, bộ Công thương… có cấm được chủ thuê bao dùng số tiền có trong tài khoản di động giao dịch với các dịch vụ khác không, như chuyển tiền sang một thuê bao khác mà các nhà mạng đang áp dụng, mua ứng dụng…? Hoàn toàn được bằng các quy định pháp luật, nhưng sẽ xáo trộn tới kinh doanh của nhà mạng, điều đó ảnh hưởng đến nguồn thu thuế từ các nhà mạng vốn không hề ít!

Theo một nguồn tin riêng, hiện đang manh nha hình thành “một cổng thanh toán trung gian dành cho các dịch vụ mua sắm, giải trí trên mạng online với những công cụ quản lý chặt chẽ hơn, thông minh hơn của một tổ chức có uy tín”! Nhưng liệu cổng thanh toán này có phải là thêm một “giấy phép con đầy uy thế” cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, kể cả các nhà mạng di động? Hãy chờ thêm vài tháng nữa.

Theo nghị định 72, thông tư 24, và mới nhất là nghị định 27/2018 (sẽ có hiệu lực từ ngày 15.4.2018), sẽ không cho phép người chơi đổi kết quả trong game online sang tiền mặt, nhưng Rikvip vẫn cho phép người chơi đổi thưởng bằng hiện vật hoặc bằng tiền mặt qua những cách sau:

– Game có chức năng cho người chơi dùng tiền có được trong game đổi thẳng ra mã code thẻ cào với mệnh giá từ 20.000 – 500.000đ. Thẻ cào sẽ xuất hiện dạng mã thẻ, người chơi lưu lại mã thẻ này.

– Nếu người chơi dùng ví như Ngân lượng..., khi thực hiện thao tác đổi tiền, tiền trong game sẽ mất đi và tiền thật sẽ chuyển vào ví của người chơi.

– Rikvip phát triển hệ thống đổi tiền thông qua 25 đại lý cấp 1 và 5.852 đại lý cấp 2. Tại các đại lý, người chơi sẽ được nhận tiền mặt theo tỷ lệ quy đổi.

Theo Trọng Hiền (Thế giới tiếp thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong/the-cao-di-dong-co-toi-861962.html