Thế cân bằng trở lại

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ năm 2018 đã kết thúc, với kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát và dư luận Mỹ: Đảng Cộng hòa của Tổng thống D.Trump bảo toàn vị thế đa số tại Thượng viện; đảng Dân chủ quay lại nắm quyền tại Hạ viện. Thế cân bằng chính trường Mỹ được khôi phục, song nguy cơ chia rẽ, so kè cũng trở lại, khi mỗi phe kiểm soát một cơ quan lập pháp của Quốc hội lưỡng viện ở 'xứ cờ hoa'.

Bình luận quốc tế

Bản đồ bầu cử nước Mỹ trong mùa bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay phủ đều hai sắc mầu xanh và đỏ, mà không thể có kịch bản “cơn thủy triều đỏ” của đảng Cộng hòa phủ lấp “làn sóng xanh” của đảng Dân chủ, giúp người Cộng hòa bảo toàn thế thống trị Quốc hội lưỡng viện hiện nay. Phe Cộng hòa đã dễ dàng vượt mốc 51 ghế, để tiếp tục kiểm soát Thượng viện, song lại để tuột mất thế đa số tại Hạ viện vào tay phe Dân chủ. Giành lại hàng chục ghế từ đối thủ Con voi, đảng Con lừa có thêm sức mạnh mới, trở lại kiểm soát Hạ viện sau tám năm ở thế thiểu số tại cơ quan lập pháp quan trọng này.

Có thể nói, kết quả bầu cử nêu trên là thắng lợi lớn của phe Dân chủ sau thời gian dài mất quyền kiểm soát Quốc hội. Từ những nỗ lực vận động cử tri và cạnh tranh gắt gao, đảng Dân chủ đã giành lại quyền lực tại ít nhất một nhánh lập pháp. Tại tiệc ăn mừng chiến thắng, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện cam kết sẽ tận dụng thế đa số để theo đuổi chương trình nghị sự hợp tác lưỡng đảng một cách hiệu quả, nhằm phục vụ đất nước, mà theo phe Con lừa là đã “có đủ sự chia rẽ”.

Tổng thống D.Trump cùng các thành viên đảng Cộng hòa vẫn tuyên bố thành công trong kỳ bầu cử năm nay, song không thể phủ nhận thực tế phe Con voi đã lỡ mất mục tiêu cốt lõi. Với việc đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện, chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so nửa đầu nhiệm kỳ, khi phe Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc hội.

Vốn được xem như “cuộc sát hạch” về chính sách và hoạt động của chính quyền đương nhiệm, cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay tại Mỹ đã phản ánh quan điểm và nhận định của cử tri Mỹ đối với những bước đi gây tranh cãi trong hai năm đầu nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời phần nào đưa ra câu trả lời cho “phép thử” đánh giá độ tín nhiệm của cử tri đối với chính quyền Tổng thống D.Trump.

Thành tựu kinh tế có thể được xem là điểm sáng. Dưới sự lèo lái của Tổng thống D.Trump trong hai năm vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã khôi phục đà tăng trưởng tích cực và ổn định, với mức tăng trưởng GDP trong quý III-2018 đạt 3,2%; tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng, xuống mức 3,7%. Tuy nhiên, điểm nhấn thành tựu này chưa đủ để khỏa lấp những tranh cãi liên quan loạt quyết định chính sách gây mâu thuẫn trong dư luận Mỹ. Những vấn đề vốn nhạy cảm, liên quan người nhập cư, bạo lực và kiểm soát súng đạn, cũng nóng trở lại, kéo theo tâm lý bất an trong dân chúng.

Trong vấn đề đối ngoại, dù Tổng thống D.Trump cũng có những bước đi ngoại giao được hoan nghênh và mang tính lịch sử, chẳng hạn cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần đầu, song làn sóng chính sách “rút, rời” mà ông sử dụng để đưa Mỹ ra khỏi nhiều thỏa thuận, cam kết và trách nhiệm quốc tế đã khiến nước Mỹ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Các mục tiêu trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D.Trump làm dấy lên hoài nghi về trách nhiệm và vị thế của Mỹ trên thế giới và trong các vấn đề toàn cầu.

Bối cảnh hỗn độn của nước Mỹ, cùng tâm lý nghi ngại về hiệu quả các chính sách của chính quyền do đảng Cộng hòa nắm giữ, là lời giải thích cho các lá phiếu ủng hộ của cử tri dành cho các đối thủ của Tổng thống D.Trump. Bởi thế, có thể nói, việc nỗ lực tận dụng cơ hội, đề cao nỗ lực và mục tiêu lập lại thế cân bằng trong hệ thống lập pháp, hướng tới hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn chia rẽ nhằm hạn chế những quyết sách gây tranh cãi là một phần lý do đem tới thắng lợi cho phe Dân chủ trong kỳ bầu cử quan trọng này.

Quốc hội khóa mới của Mỹ khai họp ngày 20-1-2019 sẽ ở thế lưỡng cực, khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ một viện lập pháp. Thế cân bằng quyền lực trở lại, song nguy cơ chia rẽ giữa hai phe cũng chực chờ xuất hiện trên chính trường “xứ cờ hoa”. Cuộc bầu cử đã báo trước viễn cảnh về thế giằng co trong tiến trình thông qua các chính sách quan trọng tại Mỹ tới đây, khi những quan điểm và ưu tiên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn trong tình trạng đối đầu.

SƠN NINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38175302-the-can-bang-tro-lai.html