Thẻ bảo hiểm y tế và thời đại công nghệ 4.0

Báo Pháp luật Việt Nam hôm qua thông tin: 'Từ năm 2019 không phải đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)'. Thực sự là tin vui. Theo đó, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Với đặc tính mới này, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, cơ quan/hoặc cá nhân không phải đổi lại hàng năm.

Hình minh họa

Hình minh họa

Việc cấp thẻ BHYT mới chỉ thực hiện với các trường hợp như: mất, hỏng, có thay đổi thông tin quản lý in trên thẻ (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời gian đủ 5 năm liên tục).

Cũng theo quy định mới của bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2019, người tham gia BHYT đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH sẽ thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp đổi thẻ không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Với việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.

Nói thật là người viết bài báo này đã tham gia thẻ BHYT hàng chục năm, từ ngày có cơ quan BHYT, tuy nhiên chưa bao giờ dám sử dụng thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Vì sao? Nó nhiêu khê, khó khăn vô cùng. Vẫn biết mục đích của phát hành thẻ BHYT là để người khỏe lo cho người bệnh nhưng với các quản lý thẻ BHYT: đổi thẻ, quy định tuyến, cơ sở khám chữa bệnh… tạo ra rào cản đến các dịch vụ y tế.

Rất may, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (số 146/2018/NĐ-CP) đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Câu chuyện cung cấp dịch vụ BHYT cho thấy chúng ta tham gia vào 3.0 quá chậm chạp, dẫu 4.0 đang ập đến như vũ bão.

Ít ai có thể tưởng tượng rằng, hình ảnh vừa đi đường vừa video call bằng những chiếc điện thoại cá nhân mới chỉ xuất hiện trong các phim khoa học viễn tưởng. Thế mà từ năm 2000, iPhone ra đời, biến những hình ảnh đó trở thành hiện thực. Với trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), trong một tương lai không xa, tai nghe và các công cụ dịch sẽ đạt đến độ chính xác cao. Và điều đó cũng có nghĩa là mọi người trên thế giới có thể dễ dàng giao tiếp, làm việc với nhau, hay tiếp cận các nguồn tài liệu mà không còn bị cản trở bởi “bức tường” ngôn ngữ.

Trong “cơn lốc” đó, dịch vụ quản lý nói chung, trong đó có dịch vụ BHYT có chịu tiến lên hay không chỉ giẫm chân tại chỗ? Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nhấn mạnh đây là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Để phát triển, hướng tới phục vụ con người, Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc../

Ngô Đức Hành

""

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/the-bao-hiem-y-te-va-thoi-dai-cong-nghe-40-428455.html