Thẻ bảo hiểm y tế: 'Phương thuốc' cho bệnh nhân điều trị ARV

Nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, và vì thế không lo tử vong do AIDS.

Bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV ở các cơ sở y tế của Hà Nội hiện nay vẫn được miễn phí. Tuy nhiên, từ năm 2019 tới đây, việc điều trị ARV sẽ chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, nếu không tham gia BHYT ngay, khả năng để tiếp cận, tiếp tục điều trị ARV với người nhiễm HIV sẽ thực sự bị đe dọa...

Tư vấn xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV

Gần 20% người nhiễm HIV đang điều trị ARV chưa có bảo hiểm y tế

Hiện nay, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung ở đối tượng có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới… Theo Sở Y tế Hà Nội, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố tính đến hết tháng 10-2018 là hơn 20.000 trường hợp, đứng thứ 2 toàn quốc và chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2018 này, Hà Nội đã phát hiện thêm 910 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 23,47% so với cùng kỳ năm 2017. Số nhiễm HIV mới phát hiện tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, 10 quận, huyện cao nhất chiếm hơn 62% tổng số trường hợp nhiễm HIV, trong đó nam giới chiếm tới 73,31%, độ tuổi dưới 30 chiếm tới 43%.

Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP Hà Nội cho biết, cùng với cả nước, Hà Nội đang phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV); 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) của Liên hợp quốc vào năm 2020 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Đến nay, Hà Nội đã có hơn 20 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, 18 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhờ đó, đã có 85% bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV được xét nghiệm tải lượng virus HIV; 80,9% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT; tỷ lệ lây HIV từ mẹ sang con thấp (0,7%)...

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV khi thời hạn 2020 chỉ còn 1 năm nữa, đó là điều không dễ dàng. Đặc biệt, do các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm đáng kể nên từ năm 2019, việc xét nghiệm HIV và điều trị cho người có HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí sẽ chuyển sang hình thức thanh toán qua BHYT. Trong khi đó, hiện vẫn còn gần 20% bệnh nhân HIV đang điều trị ARV chưa có thẻ BHYT, đây là một thách thức thực sự lớn.

Điều trị bệnh nhân HIV tại Bệnh viện 09 Hà Nội

Có bảo hiểm y tế, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa 20%

Hiện nay, qua thực tế tại các cơ sở điều trị cho thấy, nếu người có HIV tuân thủ việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) thì vẫn hoàn toàn có thể sống như người bình thường. Bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng khoa Khám bệnh - Tư vấn và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện 09 cho biết, khi dương tính với HIV, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm, nếu không được điều trị. Còn khi được điều trị ARV, họ được sống khỏe mạnh, tham gia sinh hoạt và lao động như người bình thường.

Thậm chí, nếu người có HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV, thì sau 3 tháng, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, virus HIV bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức không còn phát hiện nữa. Thuốc ARV cũng được chứng minh làm giảm đến 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Tương tự, nếu phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ, thì tỷ lệ lây nhiễm có thể dưới 2%. Vấn đề là phải tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Do vậy, để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận, tiếp tục được điều trị ARV khi loại thuốc này không còn được cấp miễn phí mà chuyển sang hình thức thanh toán qua BHYT từ năm 2019 tới đây, ngành y tế kêu gọi người bệnh hãy chủ động tham gia BHYT, cũng như rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của cả cộng đồng đối với nhiệm vụ phòng chống đại dịch này. Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi có HIV, người có HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người có HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh. Ngoài ra, người có thẻ BHYT, người có HIV/AIDS còn được hưởng rất nhiều lợi ích khác về khám bệnh, làm xét nghiệm, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

Hà Nội đa dạng hóa các loại hình tiếp cận, xét nghiệm HIV

Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP Hà Nội cho biết, năm 2018, ngành Y tế Thủ đô đã mở rộng các cơ sở xét nghiệm HIV đến tất cả các quận, huyện và 95% xã phường. Cụ thể, từ 18 cơ sở xét nghiệm HIV tự nguyện đặt tại 17 quận, huyện, thị xã vào cuối năm 2017, đến nay toàn thành phố đã có các điểm đặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 566 xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, từ hình thức xét nghiệm tự nguyện truyền thống (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm), năm 2018, Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm và các biện pháp tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội… Tính đến hết tháng 10-2018, ngành Y tế Hà Nội đã xét nghiệm cho 234.614 trường hợp, trong đó 139.848 trường hợp xét nghiệm tại bệnh viện tuyến thành phố.

Hàng trăm hoạt động truyền thông, vận động trên khắp thành phố

Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay (từ ngày 10-11 đến 10-12-2018), trên địa bàn TP Hà Nội đã diễn ra hàng trăm sự kiện, hoạt động truyền thông, vận động với hình thức linh hoạt, hiệu quả. Cụ thể, ngoài các cuộc mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động được diễn ra sôi nổi tại 15 quận, huyện, thị xã, ở cấp thành phố còn tổ chức các hội nghị gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; các hội thảo, chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm, lợi ích của BHYT với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh.

Đặc biệt, còn có các hoạt động vận động các doanh nghiệp tham gia cách phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương; thăm tặng quà cho các trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng…

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/the-bao-hiem-y-te-phuong-thuoc-cho-benh-nhan-dieu-tri-arv/793633.antd