Thẻ Bảo hiểm y tế điện tử: Thêm một bước đột phá của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) vừa được Chính phủ ban hành, chậm nhất đến ngày 1/1/2020, cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt là người tham gia BHYT.

Sẽ có hơn 82 triệu người tham gia BHYT và còn hơn thế nữa trong những năm tới khi đi khám bệnh sẽ sử dụng thẻ điện tử. Ảnh: ST.

Thẻ điện tử sẽ thay cho thẻ giấy

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan.

BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử theo kế hoạch đề ra, như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử... Thành lập các ban, chương trình và xin ý kiến các bộ, hiện tại đang xin ý kiến của 63 tỉnh thành. Sau khi hoàn tất các thủ tục, BHXH Việt Nam sẽ trình lãnh đạo ngành, trình Thủ tướng phê duyệt quyết định.

Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh cũng cho biết thêm, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều vừa được Chính phủ ban hành cũng đã giao BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng thẻ BHYT điện tử. Trong 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và xây dựng thẻ BHYT điện tử sẽ là một bước đột phá của ngành. Thẻ BHYT điện tử ra đời sẽ mang lại nhiều hơn sự thuận tiện cho người dân. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, đến 1/1/2020 sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến thẻ BHYT điện tử và chắc chắn sẽ phát hành thẻ BHYT điện tử đến với người dân theo đúng quy định.

Phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá, BHXH là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT. Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ. Ngành BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có.

Thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất là ngành BHXH đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách BHXH, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.

Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ (thẻ) tham gia BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia. Riêng với ngành thuế, hai bên đang trao đổi rất thường xuyên.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử theo kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử...

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHYT liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Năm 2017, cả nước có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 79,9 triệu người tham gia BHYT, 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2018, toàn quốc có 82,33 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,62% dân số. Như vậy sẽ có hơn 82 triệu người tham gia BHYT và còn hơn thế nữa trong những năm tới khi đi khám bệnh sẽ sử dụng thẻ điện tử. Trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Hà Nội cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về việc xây dựng lô trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, UBND TP.Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...

UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021, thành phố đạt khoảng 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đạt khoảng 33% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80% trở lên.

Thống nhất giải quyết nhiều nội dung trong thực hiện chính sách BHYT

Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa ban hành văn bản số 1039/TB-BYT-BHXHVN thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tại hội nghị giao ban hai ngành.

Theo đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất giải quyết một số vướng mắc về: Tạm ứng, thanh toán, thực hiện dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện Thông tư số 15/2018/TT-BHYT, thanh toán hồi tố chi phí khám, chữa bệnh BHYT của một số dịch vụ kỹ thuật do rà soát lại định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh; tin học hóa trong quản lý khám, chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế; thanh toán dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do đơn vị trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn hoặc đặt;…

T.P

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/the-bao-hiem-y-te-dien-tu-them-mot-buoc-dot-pha-cua-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam.aspx