Thay vì tháo dỡ, Nga có thể bán rẻ tuần dương hạm hạt nhân Kirov?

Số phận những tuần dương hạm hạt nhân cỡ lớn lớp Kirov của hải quân Nga đang là chủ đề bàn luận nóng trên các diễn đàn quân sự khắp thế giới.

Mới đây tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom đã thông báo họ có kế hoạch tháo dỡ 2 tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov cùng 4 tàu ngầm nguyên tử khác trong năm 2021.

Đây là quyết định đầy khó khăn đối với hải quân Nga nhưng không còn giải pháp nào tỏ ra khả thi hơn, nguyên nhân chính được đưa ra là để tiết kiệm chi phí.

Những tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov này có chi phí vận hành quá cao, sẽ yêu cầu ngân sách phải bỏ ra một số tiền "khủng" để tiến hành hiện đại hóa cho nó.

Nhưng do nền tảng đã quá lạc hậu mà kể cả được nâng cấp thì những chiếc Kirov này cũng có mà phát huy được sức mạnh như thiết kế ban đầu trong điều kiện chiến tranh hiện đại nữa.

Phương án tháo dỡ những biểu tượng của hải quân Liên Xô thời chiến tranh Lạnh này sẽ giúp cho nước Nga tập trung hơn trong việc chế tạo "hậu duệ" của Kirov chính là khu trục hạm hạt nhân lớp Lider.

Nhưng ngay lúc này lại có một luồng ý kiến khác đó là nên chăng hãy giữ lại những tuần dương hạm hạt nhân Kirov trên và giao cho chúng một vai trò khác.

Vai trò này có thể là sửa đổi để làm viện bảo tàng nổi, hay đối tượng để trưng bày trong công viên giải trí như cách Trung Quốc từng làm với chiếc tàu sân bay trực thăng Minsk mà họ đã mua lại.

Đối với nhiều người yêu mến nước Nga và những di sản của Liên Xô thì họ rất mong muốn phương án hai sẽ được thực hiện, đó là Moskva sẽ tìm đối tác để bán rẻ lại chiếc Kirov.

Khi đó tuy rằng tuần dương hạm hạt nhân Kirov không còn thuộc sở hữu của hải quân Nga nhưng các cựu thủy thủ hay du khách vẫn còn có dịp được tham quan nó.

Mặc dù vậy, phương án này lại bị giới chuyên môn đánh giá là cực kỳ khó khăn khi thực hiện, thậm chí còn được nhận xét là hoàn toàn bất khả thi.

Lý do rất đơn giản đó là khác với tàu sân bay Varyag hay Kiev sử dụng động cơ thông thường, chiếc Kirov lại là chiến hạm được trang bị lò phản ứng hạt nhân.

Chắc chắn không một quốc gia nào lại chấp nhận mang về lãnh thổ của mình một con tàu cũ kỹ với lò phản ứng hạt nhân trong tình trạng chưa được xử lý như chiếc Kirov.

Nếu mua về để trưng bày đi nữa thì khách hàng cũng phải yêu cầu Nga tiến hành tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân rồi mới tiếp nhận, có điều là công tác này rất phức tạp và tốn kém.

Bởi vậy gần như chắc chắn số phận những biểu tượng sức mạnh một thời của hải quân Liên Xô chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài bị tháo dỡ làm sắt vụn.

Đây rõ ràng là một viễn cảnh chẳng vui vẻ gì đối với chính hải quân Nga và cả những người yêu mến nước Nga cũng như di sản thời Liên Xô.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-thay-vi-thao-do-nga-co-the-ban-re-tuan-duong-ham-hat-nhan-kirov/808210.antd