Thay vì luận tội, Viện kiểm sát đề nghị quay lại xét hỏi

Tại phiên tòa xử vụ thất thoát 200 tỉ đồng ở Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang, khi đến phần luận tội để các bên tranh luận, bất ngờ VKS đề nghị quay lại phần xét hỏi.

Sau thời gian tạm ngưng để VKSND tỉnh hỏi ý kiến cấp trên, ngày 27-2, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục xét xử sáu bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang (CTLT Hậu Giang) gây thất thoát hơn 200 tỉ đồng.

Các bị cáo gồm Võ Trường Hùng (41 tuổi, cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang), Đặng Hoàng Việt (cựu Phó Tổng Giám đốc), Trần Xuân Mãi (cựu kế toán trưởng), Lê Trần Quang Thái (cựu trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang) và Võ Thị Thu Hà (Giám đốc Gông ty TNHH XNK - TM Võ Thị Thu Hà) cùng bị truy tố về tội cố ý làm trái...

Bị cáo Huỳnh Văn Thông (cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng cáo buộc bị cáo Hùng đã cấu kết với Hà lập khống các hợp đồng mua, bán gạo, ký các chứng từ thanh toán, quyết toán không đúng quy định và chỉ đạo các bị can Đặng Hoàng Việt, Trần Xuân Mãi, Lê Trần Quang Thái thực hiện các hành vi ký hợp đồng và lập các chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật. Tổng số tiền các bị cáo đã gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang là trên 205 tỉ đồng.

Cáo trạng còn cáo buộc, bị cáo Thông không thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, để Hùng làm trái quy định của Nhà nước trong một thời gian dài, gây thất thoát số tiền trên.

Trước khi bước vào phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa yêu cầu VKS và các luật sư tập trung làm rõ phần tội danh và số tiền thất thoát (172 tỉ), không giới hạn thời gian, tranh luận đến khi làm rõ các vấn đề.

Tuy nhiên, bất ngờ đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang yêu cầu quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ các nội dung: tính xác thực của 14 hợp đồng, khả năng tài chính của công ty Hà, trách nhiệm của các bị cáo Mãi, Thái, Việt, Thông.

Đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang quay lại xét hỏi các bị cáo

Đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang quay lại xét hỏi các bị cáo

Bị cáo Hùng khai danh sách 14 hợp đồng cơ quan điều tra đưa cho bị cáo nói là khống nên bị cáo mới biết nó là khống, ngoài ra không có tài liệu nào chứng minh.

"Về hình thức thì những hợp đồng khống giống như hợp đồng mua bán bình thường để hợp thức hóa cho việc chuyển tiền cho Hà. Không thể phân biệt cái nào khống cái nào thực, chỉ xác định khống khi hợp đồng không có thực hiện giao hàng. Tuy nhiên trong số 14 hợp đồng này có hợp đồng thực hiện một phần nhưng bị cáo không nhớ rõ, đề nghị tòa xem lại", bị cáo Hùng khai.

Luật sư hỏi bị cáo Hùng về việc xác định các hợp đồng khống

Trong khi đó, bị cáo Hà cho rằng số tiền 172 tỉ là tiền nợ CTLT Hậu Giang chứ không nợ tiền vay gì như Hùng nói. Các hợp đồng CTLT Hậu Giang và 8 công ty khác thực chất là nguồn hàng của công ty Hà. Việc tách hợp đồng ra như vậy là theo yêu cầu của Hùng.

Bị cáo Hà cũng khẳng định năm 2013, tài chính công ty còn tốt. Khi chốt công nợ số tiền 172 tỉ, bị cáo đã giao cho CTLT Hậu Giang năm khối tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ chứ không phải cấn trừ và số tài sản nhiều có giá trị hơn 172 tỉ, bị cáo cũng không có hành động nào thể hiện trốn nợ.

PLO sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa đến bạn đọc.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/thay-vi-luan-toi-vien-kiem-sat-de-nghi-quay-lai-xet-hoi-819055.html