Thay vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắc xin ComBeFive

Bộ Y tế cấp phép cho vắc xin ComBeFive (Ấn Độ sản xuất) thay thế Quinvaxem lưu hành ở Việt Nam.

Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được thay bằng vắc xin ComBe Five trong tháng 7/2018 tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp

Sáng 24/4, Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung Ương, Dự án Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2018 đã tổ chức buổi Hội thảo truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018 tại Viện Pasteur TP.HCM.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) có tên gọi Quinvaxem (do nhà sản xuất Berna Biotech - Hàn Quốc sản xuất). Hiện nay, phía nhà sản xuất đã ngưng sản xuất loại vắc xin này. Tháng 5/2017, Bộ Y tế cấp phép cho vắc xin ComBeFive (Ấn Độ sản xuất) thay thế Quinvaxem lưu hành ở Việt Nam. Vắc xin ComBeFive có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và đã được sử dụng ở 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

ComBe FIVE được đóng một liều/lọ và có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng.

Dự kiến được triển khai tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp vào tháng 6-7/2018.

Hiện lượng vắc xin Quinvaxem vẫn đủ cung cấp cho chương trình trong tháng 5 và tháng 6. Nên vẫn tiếp tục tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình TCMR cho tới khi được thay thế bằng vắc xin mới để đảm bảo trẻ em được tiêM chủng đầy đủ. Lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem không thay đổi, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2,3,4 tháng tuổi. Trẻ em được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxemsẽ tiếp tục sử dụng vắc xin ComBe Five cho các mũi tiêm tiếp theo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) khuyến cáo: Tất cả các mũi tiêm trong chương trình TCMR rất quan trọng, đều phải chích cho các bé, nếu không tiêm sẽ là bất lợi cho bé và cả cộng đồng. Hầu hết các phản ứng sau khi tiêm vắc xin là nhẹ (sốt, sưng, nóng, đỏ, đau) và tự khỏi. Tai biến nặng là rất hiếm. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ/phiếu tiêm chủng...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) khuyến cáo

NGUYỄN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thay-vac-xin-5-trong-1-quinvaxem-bang-vac-xin-combefive-post217361.html