Thầy và trò trong xã hội hiện đại

Muốn đổi mới căn bản sự nghiệp giáo dục, không chỉ dừng ở việc đổi mới phương pháp dạy và học. Cuộc cách mạng giáo dục cần chạm được đến tầng sâu của mối quan hệ giữa thày và trò trong bối cảnh mới. Không chỉ đơn thuần là thứ bậc giữa người truyền thụ và tiếp nhận, trong một thế giới ngày một phẳng hơn, công nghệ len lỏi đến với từng cá nhân, sự tương tác trở nên quan trọng, tình thày trò cần được bồi đắp mỗi ngày một cách tự nhiên, sâu đậm nhất.

Muốn đổi mới căn bản sự nghiệp giáo dục, không chỉ dừng ở việc đổi mới phương pháp dạy và học. Cuộc cách mạng giáo dục cần chạm được đến tầng sâu của mối quan hệ giữa thày và trò trong bối cảnh mới. Không chỉ đơn thuần là thứ bậc giữa người truyền thụ và tiếp nhận, trong một thế giới ngày một phẳng hơn, công nghệ len lỏi đến với từng cá nhân, sự tương tác trở nên quan trọng, tình thày trò cần được bồi đắp mỗi ngày một cách tự nhiên, sâu đậm nhất.

Những thảo luận tạo đà cho đổi mới

Từ xưa tới nay, nhân dân ta luôn coi trọng truyền thống tốt đẹp "tôn sư trọng đạo", luôn ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ, tình cảm giữa thầy và trò.

Trong thời gian gần đây, đang diễn ra nhiều thảo luận cho thấy nhận thức về mối quan hệ thầy trò đang dần thay đổi. Khoảng ba năm nay, trên một số trang báo và diễn đàn đặt vấn đề, có nên thay thế câu khẩu hiệu phổ biến "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường bằng các khẩu hiệu khác? Tranh luận đã diễn ra sôi nổi. Những người nhận thấy "cần phải giữ" giải thích, việc giáo dục đạo đức, trong đó có "đạo thầy trò" là một nét đẹp được kiến thành từ xa xưa, càng cần thiết trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi về giá trị. Còn những người cho rằng nên thay bằng khẩu hiệu khác cho biết, họ không phản đối ý nghĩa các giá trị tốt đẹp của truyền thống, nhưng cứ tiếp tục quan niệm này sẽ không khuyến khích sự sáng tạo, khám phá ở nhà trường, vì học sinh đều làm theo ý thầy, chỉ có thầy mới được phép đặt câu hỏi, trò không bao giờ được cãi lại. Mối quan hệ uy quyền rất rõ ràng, thậm chí còn biến tướng thành quan hệ lễ lạt, xin xỏ, cứ như quyền được học lại trở thành thứ phải đi mua.

Cuối tháng 7-2014, trong sự kiện "Ðối thoại giáo dục", nhóm nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, trong đó có GS Ngô Bảo Châu khởi xướng, cũng đã nêu ra một chủ đề nóng bỏng: "Giáo dục có phải là thị trường hay không?". Phe ủng hộ "giáo dục là thị trường" cho rằng nên xem giáo dục từ bậc sau phổ thông trở đi là thị trường và để vận hành theo những quy luật của nó, giữa thầy và trò sẽ là quan hệ "người cung cấp dịch vụ" và "người sử dụng dịch vụ". Còn phe không ủng hộ vẫn khẳng định giáo dục là một thiết chế đặc biệt, ở đó quan hệ giữa người với người không thể là quan hệ hàng hóa, mua bán thuần túy. Mỗi bên đều có lập luận bảo vệ lý lẽ của mình, nhưng có thể thấy quan niệm "giáo dục là thị trường" chưa được đồng thuận rộng rãi trong bối cảnh hiện nay.

Những chuyển động từ thực tế

Những thảo luận trên cho thấy sự vận động trong đời sống hằng ngày luôn là dòng chảy sống động. Ngày nay, không hiếm để bắt gặp những lời phàn nàn về bất cập của giáo dục như hiện tượng thầy cô ép học sinh học thêm để tăng thu nhập, thầy cô không cập nhật kiến thức mới, lên lớp giảng bài khiến học trò nhàm chán. Nhưng đáng nói hơn cả là sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo nên cơn rung chấn không nhỏ trong môi trường giáo dục, khiến "vai" của cả thầy lẫn trò thay đổi sâu sắc.

Chuyện cô giáo ở Hải Phòng chửi học sinh 18 phút diễn ra chưa bao lâu, lại đến chuyện cô giáo ở Quảng Ninh chửi tục, đánh học sinh bôm bốp, rồi thầy giáo ở đất võ Bình Ðịnh đánh học trò ngay trên bục giảng. Trong phản ứng tức thời, không ít học sinh bị bạo lực đã có những hành vi tiêu cực, có em đánh lại thầy, em khác tranh thủ ghi hình bằng điện thoại di động, rồi đưa lên in-tơ-nét. Từ vai trò "người có quyền lực tối thượng", người thầy bỗng trở thành "nạn nhân của học trò" khi bị phơi bày trên mạng. Nghĩ cho cùng từ những hiện tượng trên, đầu tiên các thầy lại là nạn nhân từ những hành xử chưa chuẩn mực của chính mình. Các biện pháp giải quyết của nhà quản lý trong những trường hợp này là khiển trách hoặc kỷ luật người thầy. Ðâu đó trong các nhà giáo mang tâm lý "yếm thế", cho rằng học trò ngày nay không còn ngoan nữa, nên thay vì tận tâm, chỉ bảo, thậm chí quát mắng học trò, thì thầy cô cứ "thủ thế cho yên". Rõ ràng, đó không phải là thái độ tích cực.

Cùng trong dòng chảy đón nhận "cơn lũ" công nghệ thông tin mang tới, nhiều thầy cô đã năng động thích ứng với cái mới, biến Facebook hay các trang diễn đàn của học sinh, nhà trường thành kênh giao lưu hữu hiệu, và qua đó truyền tải nhiều thông điệp mới mẻ. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh khá nhạy bén khi mở trang "hâm mộ" để qua đó kết nối, giao lưu với học sinh của mình, và cả những học sinh ở xa xôi chưa hề gặp mặt, từ đó truyền đi nhiều bài học nhân văn về ứng xử, kỹ năng sống. Thầy cũng là một trong mười người được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2013.

Hay câu chuyện của ông nội cậu bé "thần đồng" Phan Ðăng Nhật Minh là một thí dụ khác (gọi là thần đồng vì cậu biết đọc, biết tính nhẩm từ khi chưa đến hai tuổi, còn bây giờ vẫn giữ khả năng giải toán siêu tốc như máy tính, và là quán quân cuộc thi "Chinh phục" của VTV). Ông dạy học từ trước năm 1975 ở trường tư, sau đó tiếp tục dạy học ở trường công. Khi về hưu rồi, tham gia công tác khuyến học ở xã, ông đã tập trở thành "công dân mạng" để tham gia tương tác với con cháu, các học trò nhỏ tuổi ở vùng biển Hải Lăng (Quảng Trị).

Thời nào cũng vậy, tình nghĩa thầy - trò luôn được đề cao, vun đắp.

Thời nào cũng vậy, tình nghĩa thầy - trò luôn được đề cao, vun đắp.

Thiết lập quy tắc ứng xử mới

Ở cấp vĩ mô, ngành giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ðảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục với những mục tiêu và cách tiếp cận mới mẻ. Theo đó, những xu hướng mới của giáo dục như "thầy thiết kế - trò thi công", "dạy học hợp tác" (giữa thầy và trò); "dạy học lấy học sinh làm trung tâm"... đều đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở cho trò tự tìm kiếm tri thức. Không những được tự do tranh luận, trò còn có thể trao đổi, chất vấn thầy. Có thể thấy không khí này ở những mô hình như "trường học mới Việt Nam" đang triển khai ở hơn 2.500 trường tiểu học và 600 trường THCS, phương pháp học tích cực theo mô hình Hà Lan của giáo dục đại học. Còn ở giáo dục trung học, đó là các thay đổi về tổ chức dạy học như: dạy học theo dự án, dạy học tích hợp, dạy học sáng tạo... Với những thay đổi này, mối quan hệ thầy - trò trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều.

Nhìn theo chiều hướng tích cực, những thay đổi từ vi mô tới vĩ mô thể hiện tính nhân văn, dân chủ trong quan hệ thầy-trò, thúc đẩy được tính năng động, tích cực của trò, hạn chế sự cửa quyền, áp đặt của thầy.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lại Nguyên Ân từng nêu vấn đề cần xem lại "sự học ngày nay". Theo ông, khi học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời, chúng ta đang xây dựng "xã hội học tập", thì khả năng "làm thầy" thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp.

Như vậy, dựa trên nguyên tắc lợi ích, vai trò của từng bên trong mối quan hệ thầy trò sẽ như sau: Người học được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất định (vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí trả lương cho người thầy, trang trải phí tổn và duy trì cơ sở đào tạo, v.v.); người dạy tham gia hoạt động giáo dục với tư cách người hành nghề, dạy học là một trong các loại nghề (những phẩm chất như trình độ tri thức, nhân cách đạo đức, v.v. cần được xem như những điều kiện cần có).

Còn tại hội thảo bàn về "Quan hệ thầy trò ngày nay" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, các đại biểu đã đề xuất cần một bộ quy tắc ứng xử cho thầy và trò, nhằm hướng tới mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh. Trong đó, có những mục tiêu như: Xây dựng mối quan hệ thân thiện trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, cởi mở; biểu dương, tôn vinh, tri ân những tấm gương tốt trong xây dựng mối quan hệ thầy trò trong sáng, lành mạnh, minh bạch; không chấp nhận những hành vi vụ lợi, lợi dụng công việc; thầy luôn thể hiện sự minh bạch, trong sáng, công bằng, không thiên vị, không phân biệt đối xử; trò không sử dụng vật chất, tiền bạc và những mối quan hệ cá nhân đặc biệt nhằm mưu cầu sự thiên vị, mưu cầu lợi ích riêng tư...

Cuối tháng 10-2014, Bộ Giáo dục và Ðào tạo khai trương hệ thống "trường học kết nối". Ðây được xem như một "mạng xã hội" của ngành giáo dục, ở đó, mỗi học sinh và mỗi thầy cô được cấp một tài khoản truy cập miễn phí để trao đổi, sinh hoạt chuyên môn dạy và học. Với hình thức này, không gian trường học ngày nay đã mở rộng ra so với lớp học truyền thống. Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi những mối quan hệ trong môi trường giáo dục, mà điển hình nhất là quan hệ thầy trò sẽ phải được xác lập theo kiểu mới, phù hợp thực tiễn.

HOÀNG THANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/24845302-thay-va-tro-trong-xa-hoi-hien-dai.html